CSVN – Một trong những biện pháp giảm suất đầu tư nông nghiệp hiện nay là áp dụng cơ giới hóa vào vườn cây nhằm tăng năng suất lao động. Tuy vậy, đối với khu vực Tây Nguyên, do đặc thù địa hình đồi dốc nên việc áp dụng cơ giới hóa không dễ dàng và thuận lợi như những vùng miền khác.
Những năm gần đây Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum là đơn vị rất tích cực trong việc đưa cơ giới vào vườn cây. Nhiều doanh nghiệp, đơn vị đã đến chào hàng máy bón phân, máy xới, máy cắt cỏ hay các loại máy phun thuốc phòng trị bệnh phấn trắng…
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Khả Liễm – TGĐ công ty cho hay: “Nhiều năm nay, chúng tôi đã nghiên cứu và từng bước đưa cơ giới hóa vào vườn cây để tăng năng suất lao động, giảm áp lực cho suất đầu tư. Tuy nhiên, thật không dễ dàng. Công ty hiện có 12 nông trường và một đội sản xuất nằm rải rác khắp tỉnh Kon Tum. Địa hình thì đồi dốc, diện tích manh mún nên rất khó khăn cho việc đưa máy móc vào khai thác. Hàng năm chúng tôi triển khai công tác phun thuốc phòng bệnh phấn trắng, bón phân qua lá cũng gặp nhiều trở ngại vì lô thửa ngắn, đồi dốc nhiều, vườn cây lại đào hố tích mùn…máy móc đi vào rất nhanh hư hỏng”.
Việc đưa cơ giới hóa vào vườn cây đã được nhiều đơn vị tính đến, nhưng do yếu tố đặc thù vùng miền đồi dốc nên rất hạn chế. Ông Đặng Công Thoại – P.TGĐ Công ty CP CS Sa Thầy chia sẻ: “Hiện nay là thời điểm tốt để cơ giới hóa vườn cao su, tuy nhiên rất khó khăn vì địa hình vùng Tây Nguyên không như miền Đông Nam bộ. Vườn cây của Công ty Sa Thầy cũng như đơn vị khác trên địa bàn, chủ yếu là đồi dốc, lô cao su ngắn. Hơn nữa, là đơn vị chủ yếu trồng mới lần đầu nên gốc cây, hầm hố và khe suối… còn nhiều, chỉ cần có những loại phương tiện phù hợp với địa hình”.
Dù vậy, lãnh đạo các công ty Tây Nguyên cho rằng việc đưa cơ giới hóa vào vườn cây là cần thiết, nhất là tình hình hiện nay, vấn đề là đưa những loại máy móc gì và như thế nào để khai thác có hiệu quả.
Gia Linh
Related posts:
- Quyết tâm gia nhập CLB 2 tấn/ha
- Nhiều sáng kiến đem lại hiệu quả tổng hợp
- Quy trình chế biến mủ tờ ở Cao su Lộc Ninh
- "Cần đẩy mạnh tập huấn quản lý rừng bền vững cho người lao động"
- Thay đổi mật độ cao su tái canh trồng mới
- Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chế biến mủ cao su (kỳ 2)
- Giảm 50% lượng phân bón đợt II
- Quy trình sản xuất mủ tờ của công ty cao su Lộc Ninh
- Hơn 70 cán bộ kỹ thuật được tập huấn về công tác bảo vệ thực vật cây cao su