CSVNO – Tham gia Diễn đàn Trồng cây gì nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tác giả Nguyễn Đăng Sỹ nêu kinh nghiệm của Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Trị về việc trồng xen các loại hoa màu như dưa hấu, lúa nếp, lạc, nghệ trong thời gian qua.
Trong xu thế hiện nay của ngành cao su nói chung, khi mà vườn cây đến thời kỳ thanh lý – tái canh – trồng mới thì công tác trồng xen canh để nâng cao thu nhập cho người lao động là giải pháp đang được các cấp quản lý quan tâm chú trọng. Tuy nhiên, trồng xen canh cây gì để mang lại hiệu quả kinh tế cao đó là vấn đề đang được cân nhắc kỹ lưỡng.
Từ tình hình thực tế trong những năm qua, công tác trồng xen tại Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Trị đã có những chuyển biến tích cực, mang lại hiệu quả và thu nhập tương đối cao cho người lao động.
Qua tình hình khảo sát thực tế công tác trồng xen canh tại Nông trường Cồn Tiên, Công ty TNHH MTV cao su Quảng Trị, chúng tôi đã tổng hợp được hiệu quả của một số cây trồng như sau:
Cây dưa hấu
Cây dưa hấu là loại cây đòi hỏi kỹthuật trồng và chăm sóc rất cao, thông thường cây được trồng trên đất cát pha. Cây yêu cầu đầy đủ nước tưới, tuy nhiên khả năng chịu úng rất kém. Có thể trồng cây con hoặc trồng trực tiếp bằng cách gieo hạt giống.
Năm 2013, đơn vị chúng tôi có 2 hộ công nhân đưa vào trồng thí điểm với diện tích hơn 20 ha. Có hệ thống phủ bạt và tưới nhỏ giọt. Bước đầu mang lại hiệu quả khá cao. Năm 2014, có 3 hộ CN trồng thí điểm trên diện tích đất đỏ ba zan. Qua thống kê thực tế, năng suất bình quân đạt từ 6 – 6,5 tấn/ha; Giá bán bình quân 5.000 – 7.000 đ/kg; Chi phí phân bón, hạt giống, công chăm sóc: 20 triệu đ/ha; Lãi ròng: 20 triệu đ/ha.
Cây dưa hấu đòi hỏi kỹ thuật trồng và chăm sóc rất cao nên khó phát triển một cách đồng bộ. Mặt khác thị trường đầu ra không ổn định, phụ thuộc nhiều vào sự biến động của giá cả thị trường nên người công nhân không dám mạnh dạn đầu tư nhiều mà còn mang tính chất nhỏ lẻ. Nếu đảm bảo được thị trường đầu ra, cây dưa hấu được xem như là bước phát triển đột phá của công tác trồng xen tại vùng đất này.
Cây lạc (đậu phộng)
Cây lạc nói riêng và cây họ đậu nói chung là những cây ưa ánh sáng nên chỉ trồng được trên diện tích đất trồng mới của cao su trồng năm 1 và năm 2. Đất đỏ bazan, ẩm độ cao là điều kiện thuận lợi cho cây lạc phát triển tốt.
Cây lạc: Năng suất thực tế vụ xuân năm 2014 đạt bình quân từ 25 đến 30 tạ lạc tươi/ha. Giá bán 10.000 đồng/ kg lạc tươi, giá bán lạc vỏ khô = 20.000 đ/kg; Chi phí thực tế 10 triệu đ/ha; Lãi suất thu từ lạc vụ xuân từ 18 – 20 triệu đồng/ha. Hiện nay nhiều hộ công nhân đang trồng được 2 vụ /năm.
Ưu điểm của cây lạc là giá bán tương đối ổn định hơn, năng suất tương đối cao. Mặt khác, trồng xen đúng qui định vừa cải tạo vừa làm tăng độ phì của đất, tàn dư cây lạc sau khi thu hoạch dùng để tủ gốc cho cao su rất hiệu quả, đảm bảo giữ ẩm mùa hè, giữ ấm mùa đông cho vườn cây cao su phát triển rất tốt. Do vậy, hiện nay, cây lạc được lãnh đạo đơn vị quan tâm khuyến khích và được nhiều hộ công nhân ưu tiên trồng xen canh.
Cây lúa nếp đồi
Cũng giống như cây lạc, lúa là loại cây thích ánh sáng và ẩm độ cao, phù hợp với đất lạ trồng xen trên diện tích cao su trồng năm 1 năm 2. Thời điểm trồng thích hợp vào khoảng tháng 5 tháng 6 dương lịch. Cần gieo lúa theo hàng dọc để dễ cho việc làm cỏ và chăm sóc. Không nên gieo vãi trên mặt đất vì như vậy thường tốn giống hơn và gây khó khăn cho việc chăm sóc làm cỏ sau này. Sau khi gieo phải phủ một lớp đất mỏng dày 0,5-1 cm.
Đối với lúa nếp đồi, năng suất bình quân từ 30 đến 35 tạ/ha; giá bán 6.000đ/kg ; chi phí khoảng 7 triệu đ/ha; Lãi suất thu từ lúa: 15 triệu đ/ha.
Hiện nay, cây lúa nếp đồi cũng được khuyến khích người lao động trồng xen canh vì tàn dư của nó phục vụ công tác tủ gốc rất tốt cho vườn cây cao su KTCB.
Cây nghệ
Trong thời gian gần đây, nghệ là loại cây được được trồng phổ biến bởi tính lợi ích thiết thực của nó, là nguyên liệu chính cho các hãng sản xuất mỹ phẩm và dược liệu trong ngành y.
Khác với một số cây khác, nghệ là loại cây thích bóng mát, có thể trồng dưới tán lá của vườn cao su KTCB chuẩn bị khép tán khi mà những loại cây khác không trồng được.
Nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất trồng xen cho những vườn cây cao su KTCB năm 3, năm 4, nhiều diện tích đã được công nhân chú trọng trồng nghệ. Nghệ dễ trồng, dễ chăm sóc, mức đầu tư thấp nhưng năng suất lại cao. Tuy nhiên, thời gian trồng dài ngày, muốn đạt hiệu quả về chất lượng tinh bột trong củ nghệ thì thời gian từ lúc trồng đến lúc thu hoạch là 2 năm.
Qua khảo sát thực tế: Năng suất bình quân khoảng 5 tấn/ha. Giá bán bình quân 15.000 đồng/kg nghệ củ tươi. Chi phí đầu tư 1 ha khoảng 15 triệu đồng.
Trên đây là hiệu quả của một số cây trồng xen từ thực tế chúng tôi tổng hợp được. Thiết nghĩ rằng, trong xu thế như hiện nay khi mà các đơn vị trong toàn Tập đoàn đều tăng cường tiết giảm chi phí để hạ giá thành sản phẩm,theo đó suất đầu tư cho cao su KTCB cũng bị tiết giảm đáng kể.
Đứng trước khó khăn đó, đòi hỏi mỗi một đơn vị cần phải tăng cường công tác trồng xen canh để tăng thu nhập cải thiện đời sống cho người lao động là một việc làm cần thiết nhất.
Trong thời gian tới đây, để tăng cường hiệu quả sử dụng đất trong công tác trồng xen theo chủ trương chung của Tập đoàn, các đơn vị tiến hành thay đổi mật độ trồng và thiết kế theo dạng hàng kép để thuận tiện cho việc trồng xen.
Hy vọng rằng, với sự chăm lo cho thu nhập nhằm đảm bảo đời sống cho người lao động đang trong giai đoạn khó khăn, chủ trương này sẽ phát huy thế mạnh và mang lại hiệu quả khả quan.
Bài, ảnh: Nguyễn Đăng Sỹ
Related posts:
- Ứng dụng bảng tính Google sheets trong quản lý sản lượng
- Kinh nghiệm phòng trị bệnh phấn trắng trên vườn cây kinh doanh
- Xí nghiệp cơ khí chế biến 30/4, Cao su Bình Long: Cái nôi phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật
- Tiết kiệm tiền tỷ nhờ đẩy mạnh cải tiến
- Sáng kiến hiệu quả trong xử lý nước thải
- Ứng dụng các giải pháp kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm - Yếu tố quyết định ở Cao su Chư Prô...
- Thực hiện nhiều giải pháp để ổn định lao động
- Cao su Đồng Nai bứt phá, vươn lên trở thành điểm sáng trong lĩnh vực nông nghiệp
- Tiếp tục triển khai chế độ cạo D4
- Quy trình chế biến mủ tờ ở Cao su Lộc Ninh