Hãy lắng nghe ý kiến người lao động

CSVN – Thời gian qua, cũng như nhiều người lao động khác, anh chị em công nhân (CN) chúng tôi rất quan tâm theo dõi thông tin CN ở Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam (TP. HCM) ngừng việc để phản đối Điều 60 Luật Bảo hiểm Xã hội (BHXH) 2014.
 Chỉ khi nào đặt vào hoàn cảnh sống của những người CN làm công ăn lương một cách rất chật vật, mọi người mới thấu hiểu và cảm thông cho phản ứng của người CN.
Chỉ khi nào đặt vào hoàn cảnh sống của những người CN làm công ăn lương một cách rất chật vật, mọi người mới thấu hiểu và cảm thông cho phản ứng của người CN.

Thực lòng, tìm hiểu sơ qua Điều 60 Luật BHXH 2014, chúng tôi không ưng lắm việc “sẽ không được hưởng BHXH 1 lần”. Chỉ khi nào đặt vào hoàn cảnh sống của những người CN làm công ăn lương một cách rất chật vật, mọi người mới thấu hiểu và cảm thông cho phản ứng của người CN. Chúng tôi lo lương không đủ sống, công việc bấp bênh, chẳng mấy ai làm đủ tuổi để nhận lương hưu theo chế độ. Hầu hết CN trực tiếp sản xuất như chúng tôi đều ở quê ra nên mong muốn tích góp chút đỉnh để về quê mua con bò, miếng đất…

Từ thực tế đó, lâu nay ít ai trong đội ngũ CN xem việc đóng tiền cho đúng quy định để sau này được nhận lương hưu. Chúng tôi chỉ xem việc đóng BHXH như là một cách gửi tiền tiết kiệm để phòng thân, và khi nghỉ việc thì rút hết một lần để lo cho cuộc sống. Chúng tôi nghĩ rằng, khi có việc cấp bách, cầm một cục tiền ngay lúc đó sẽ giải quyết được vấn đề hơn là nghĩ đến chuyện hưởng an nhàn dần dần.

Vậy nên khi mới nghe qua Luật BHXH mới sẽ không cho hưởng BHXH một lần nữa mà phải đợi đến tuổi hưu, chúng tôi thấy hụt hẫng. Trong suy nghĩ của chúng tôi, nó giống như tiền mình tích góp, dành dụm nhưng không được rút ra dùng. Khi các cơ quan soạn ra luật này, đâu ai tuyên truyền, giải thích cho chúng tôi mục đích và lợi ích của nó. Chỉ khi xảy ra việc CN ở TP.HCM phản ứng, nghe các cấp lãnh đạo giải thích, chúng tôi mới biết rằng tinh thần của Luật BHXH mới là mong muốn tất cả anh chị em công nhân khi về hưu 55 tuổi với nữ và 60 tuổi đối với nam sẽ được nhận lương hưu, được chăm lo y tế, sức khỏe, đảm bảo an sinh xã hội…

Theo dõi thông tin, chúng tôi thấy hài lòng khi biết Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN kêu gọi CN bình tĩnh, quay trở lại làm việc. Các cơ quan này cam kết cũng sẽ trình Chính phủ các phương án linh hoạt để người CN bảo lưu BHXH để được hưởng lương hưu, hoặc sẽ nhận BHXH một lần tùy vào điều kiện của mình. Và thật vui khi được biết Chính phủ đã nhất trí kiến nghị Quốc hội sửa Điều 60 Luật BHXH 2014. Tôi thấy rằng, các cơ quan chức năng đã rất cầu thị, đã biết lắng nghe ý kiến của anh chị em CN. Chúng tôi cũng tin rằng chắc chắn quyền lợi của mình sẽ luôn được Nhà nước đảm bảo. Từ đó, CN chúng tôi đã bình tĩnh, yên tâm và tập trung lo làm việc.

N.N.T (KCN Hố Nai)

[stextbox id=”stb_style_259398″ caption=”Cần thay đổi cách làm luật”]

Qua sự việc một số CN ở Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam (TP.HCM) ngừng việc để phản đối Điều 60 Luật BHXH 2014, đòi hỏi chúng ta phải nhìn nhận lại cách làm luật.

Một vấn đề căn bản nhất hiện nay là hệ thống pháp luật của nước ta là không đi vào cuộc sống. Đó cũng là lý do vì sao Luật BHXH khi ban hành lại có nhiều phản ứng như vậy. Mỗi luật mới ra đời phải được người dân hoan nghênh đón nhận chứ không nên ép buộc, như vậy sẽ gây bức xúc trong dư luận. Nếu làm luật không hỏi dân, hỏi chuyên gia, làm luật “trong phòng lạnh” thì luật khó đi vào cuộc sống. Điều đáng buồn là thực tế đó đang tồn tại khá phổ biến ở nước ta. Chúng ta đã làm luật thiếu hơi thở cuộc sống. Không riêng gì Luật BHXH mà nhiều luật từ trước đến nay “thoát ly” thực tế, vì thế nó khó thi hành trong thực tế.

Phản ứng của người CN đưa ra một thông điệp rằng: Trước khi ban hành, soạn thảo một đạo luật, chúng ta phải lấy ý kiến của dân thật tốt, mà tốt nhất là khi làm luật, phải nhằm để giải quyết vấn đề đang diễn ra của cuộc sống. Chúng ta không thể quyết định của trên như thế nào thì dưới cứ thế thi hành hoặc không thi hành thì cũng không vấn đề gì cả.
Vì vậy, vấn đề cấp thiết đặt ra là chúng ta phải nhìn nhận lại cách làm luật, thay đổi chủ trương chính sách, phải phản ánh được ý chí của người dân.

Chúng ta thường nói đưa pháp luật vào cuộc sống, nhưng chúng ta có nên đặt vấn đề ngược lại: đưa cuộc sống vào pháp luật? Việc phản ánh ý chí, nguyện vọng của người dân vào văn bản pháp luật của Nhà nước, là tốt. Nhưng làm thế nào để ý chí đó được phản ánh một cách toàn diện lên cơ quan Nhà nước, để đưa vào trong các văn bản pháp luật, càng quan trọng hơn.

P.V

[/stextbox]