Hành trình 16 năm phát triển cao su miền núi phía Bắc: Cây cao su đem lại những hiệu quả rõ nét

CSVN – Sau 16 năm bén rễ ở miền núi phía Bắc (MNPB), vượt qua vô vàn khó khăn, thử thách, 28.715 ha cao su đứng vững với diện tích mở cạo mỗi năm càng nhiều, đã đem lại hiệu quả SXKD cho các công ty và thu nhập ổn định cho NLĐ. Nhờ có cây cao su, đời sống bà con đã thay đổi, giờ đây công nhân cao su vùng cao đã không còn “chạy” ăn từng ngày mà đã có thu nhập ổn định, nhà cửa khang trang, có tiền tích lũy.

Công nhân nhà máy chế biến cao su Sơn La. Ảnh: Ngọc Thuấn
Góp phần “thay da đổi thịt” vùng cao

Năm 2007, VRG lần đầu đưa cây cao su lên trồng ở MNPB và đầu tiên là Sơn La, sau đó phát triển thêm ở Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái rồi lên Hà Giang… Vượt qua vô vàn khó khăn, thử thách, cây cao su đã góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng trong sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, thay thế được cây lúa nương, cây ngô, cây sắn ngàn đời nay. Trước đây, giá trị chỉ thu được dưới 10 triệu đồng/ha, nay nhờ sản xuất cao su mà giá trị thu được tăng hơn 5 – 6 lần.

Công tác SXKD ổn định, các chế độ chính sách đối với NLĐ được đảm bảo, chi trả giá trị bán mủ cho đồng bào góp đất trồng cao su được thực hiện có hiệu quả đã tạo không khí vui tươi phấn khởi đối với bà con cũng như các cấp Đảng, chính quyền địa phương trồng cao su.

Diện tích cao su hiện nay của Công ty CPCS Sơn La trải khắp 133 bản thuộc 6 huyện của tỉnh, với đặc thù gần 100% CNLĐ là đồng bào dân tộc thiểu số. 16 năm qua, tổng cộng gần 1.200 tỷ đồng đã được đầu tư để phát triển cao su, trong đó hơn 54 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, điện – đường – trường, trạm theo mô hình phát triển truyền thống của ngành cao su.

Ông Nguyễn Bá Quý – Phó TGĐ Cao su Sơn La, cho biết: “Năm 2016, sau 9 năm trồng, 146 ha cao su đã bắt đầu cho ra 75 tấn mủ. Đến năm 2022, diện tích vườn cây khai thác 4.300 ha và đã thu được hơn 4.402 tấn mủ, chế biến được 8.326,7 tấn mủ SVR10. Doanh thu đạt 164,6 tỷ đồng và nộp ngân sách 11,8 tỷ đồng. Thu nhập bình quân NLĐ 6 triệu đồng/người/ tháng, tăng 200.000 đồng/người so với năm trước”.

Ổn định việc làm, thu nhập lao động bản địa

Khu vực MNPB có 9 đơn vị hiện đang thực hiện nhiệm vụ trồng, chăm sóc, khai thác và chế biến cao su tại 6 tỉnh, với hơn 4.500 lao động, trong đó trên 92% là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Trong thời gian qua, các công ty đã vượt khó, ổn định và phát triển SXKD, tạo việc làm ổn định, thường xuyên cho NLĐ và 825 hộ nhận khoán. Đơn cử như năm 2022, thu nhập bình quân của 9 công ty trên 5,4 triệu đồng/người/tháng, cao hơn năm 2021 là 11%. Nộp ngân sách Nhà nước trên 19,3 tỷ đồng.

Các công ty cao su thực sự góp phần xây dựng nông thôn mới. Điều này thể hiện rõ nhất là đời sống bà con được nâng cao hơn, ấm no hơn từ khi có sự hiện diện của cây cao su nơi vùng cao. Nhất là đối với những hộ gia đình có đất góp với các công ty sản xuất cao su, đồng thời trực tiếp tham gia làm công nhân cao su.

Điển hình như hai vợ chồng anh Lò Văn Một đều là công nhân Đội Mường Pồn 1, Công ty CPCS Điện Biên và có 5,8 ha đất góp với công ty để trồng cao su. Thu nhập từ tiền lương công nhân, tiền chi trả giá trị bán mủ cao su, một năm gia đình anh thu được trên 145 triệu đồng. Khoản tiền này không phải là ít đối với một hộ gia đình đồng bào Khơ Mú ở vùng xa nơi biên giới. Hai vợ chồng làm được nhà sàn 5 gian đẹp đẽ, các vật dụng trong gia đình đều là những thứ đắt tiền.

Sau 16 năm thực hiện trương trình phát triển cao su các tỉnh MNPB của Đảng, Chính phủ, các công ty cao su trực thuộc VRG đã tích cực, năng động sáng tạo, vượt qua nhiều khó khăn thách thức để đạt được những kết quả đáng tự hào như hôm nay. Từng bước giúp bà con các dân tộc thiểu số trên địa bàn ổn định cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và thay đổi diện mạo các bản làng vùng cao.

BÌNH MINH