Đảm bảo hiệu quả bền vững

CSVN Xuân – Định hướng chiến lược phát triển trong thời gian tới, VRG sẽ tập trung thâm canh tăng năng suất vườn cây, tích cực thay đổi cơ cấu sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, song song với áp dụng các biện pháp tăng năng suất lao động nhằm đảm bảo hiệu quả bền vững.
Tăng năng suất vườn cây và người lao động là một trong những định hướng chiến lược của VRG. Ảnh: Mạc Thị Hồng Hạnh
Tăng năng suất vườn cây và người lao động là một trong những định hướng chiến lược của VRG. Ảnh: Mạc Thị Hồng Hạnh
Không mở rộng diện tích, tập trung thâm canh tăng năng suất vườn cây

Theo kế hoạch 2015, tổng diện tích cao su VRG sẽ là 500.000 ha, tuy nhiên căn cứ vào thực trạng quỹ đất cũng như do tình trạng đầu tư vượt quy hoạch của cao su tiểu điền và một số nước có truyền thống trồng cao su như Thái Lan, Indonesia, nếu đầu tư theo quy mô này sẽ tiếp tục làm tăng lượng cung trên thị trường. Do vậy VRG xác định phát triển đến năm 2015 chỉ 420.000 ha. Thay vì tập trung mở rộng diện tích, VRG định hướng chiến lược là tập trung chủ yếu vào việc tái canh vườn cây hết tuổi khai thác và thâm canh vườn cây hiện có để nâng cao chất lượng và hiệu quả đầu tư.

[stextbox id=”stb_style_259398″ caption=”Dự kiến diện tích vườn cao su ở từng khu vực:”]Khu vực Đông Nam bộ: Từ 155.000 đến 160.000 ha, giảm khoảng 5.000 ha so với hiện nay do chuyển mục đích sử dụng đất.
Khu vực Tây Nguyên: 65.000 đến70.000 ha
Miền Trung: 40.000 đến 45.000 ha
Miền núi phía Bắc: 30.000 ha
Lào: 25.000 đến 30.000 ha
Campuchia: 90.000 đến 95.000 ha[/stextbox]

Để thâm canh tăng năng suất vườn cây, VRG áp dụng nhiều giải pháp kỹ thuật quan trọng như lựa chọn bộ giống mới phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại từng vùng sinh thái để hạn chế tối đa sự tác động của các yếu tố khách quan. Thực hiện thanh lý vườn cây đã hết chu kỳ khai thác hoặc kém hiệu quả để tái canh trồng các giống năng suất cao theo hướng mủ và gỗ. Ngoài ra sẽ thay đổi phương pháp trồng, chủ yếu trồng bầu 1-2 tầng lá đến 5 tầng lá, đảm bảo tỷ lệ sinh trưởng cao.

Tăng năng suất lao động

Trong tình hình tiêu thụ không thuận lợi và sản lượng mủ của VRG sẽ tăng nhanh sau năm 2015 với mức tăng trên 15%/năm, để cạnh tranh VRG đảm bảo các mục tiêu giảm giá thành, có cơ cấu sản phẩm phù hợp và đảm bảo chất lượng. Theo đó việc giảm giá thành được thực hiện chủ yếu ở vườn cây khai thác,  chiếm 85% giá thành. Khâu khai thác chỉ có thể giảm chi phí lao động thông qua tăng năng suất lao động.

Biện pháp quan trọng trước hết là thay đổi chế độ cạo, từng bước thay đổi từ cạo D3 sang D4, đặc biệt ở những vùng thiếu lao động như Đông Nam bộ, Campuchia, Lào. Ngoài ra còn thay đổi cách thu mủ. Hiện nay cách thu mủ phổ biến là thu mủ nước từ vườn cây sau đó chở về nhà máy chế biến. Cách thu này xuất phát từ tình trạng người dân lấy cắp và đối với khu vực tiểu điền tình trạng gian lận chất lượng dễ kiểm soát hơn. Cách thu này có điểm lợi là chất lượng sản phẩm tốt hơn nhưng cơ cấu sản phẩm không phù hợp với nhu cầu sử dụng của thị trường và chi phí lao động cao so với việc để mủ đông tại vườn cây (chi phí giảm đến 50% so với thu mủ nước).

Công nhân cao su trên vườn cây. Ảnh: Tùng Châu
Công nhân cao su trên vườn cây. Ảnh: Tùng Châu

Tuy nhiên đây là vấn đề quan trọng, liên quan đến yếu tố lao động của xã hội, cần có thời gian dài để giải quyết. Do vậy VRG chỉ thực hiện thu mủ đông tại vườn cây ở những khu vực đủ điều kiện để bảo vệ sản phẩm, chủ yếu ở Lào, Campuchia và một số địa phương ở Việt Nam thuộc vùng sâu, vùng xa, xa khu dân cư.

Đến năm 2020 tỷ lệ mủ cao cấp chiếm 40%

Về cơ cấu sản phẩm, cách thu mủ trên cho ra sản phẩm chủ yếu là mủ khối có chất lượng cao SVR 3L. Sản phẩm này có giá cao hơn, chi phí chế biến thấp hơn loại SVR 10, 20 là sản phẩm được tiêu thụ phổ biến trên thế giới, chiếm 60% sản lượng tiêu thụ. Những năm trước đây, sản lượng cao su VN chưa lớn nên việc sản xuất phần lớn sản phẩm này không quá khó khăn trong tiêu thụ. Tuy nhiên trong những năm gần đây sản lượng cao su VN tăng, sản lượng SVR 3L cũng tăng nhanh, vượt nhu cầu của thế giới và phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Bởi vậy những năm qua VRG đã thực hiện điều chỉnh cơ cấu sản phẩm này và hiện nay tỷ lệ này đã xuống dưới 50%, tuy nhiên ở cao su tiểu điền tỷ lệ hiện nay vẫn rất cao. Do đó chiến lược phát triển của VRG trong giai đoạn sắp tới là đầu tư nhà máy mới chỉ sản xuất mủ tờ xông khói đối với các vườn cây thu mủ nước và sản xuất SVR 10, 20 đối với mủ tạp và thu mủ đánh đông tại vườn cây. Thực hiện theo chiến lược này, đến năm 2020 tỷ lệ mủ cao cấp như SVR 10, 20, CV 50, 60 chiếm khoảng 40% sản lượng toàn
VRG. Đây là tỷ lệ phù hợp với nhu cầu thế giới.

N.K