CSVNO – Ngày 21/3, tại Singapore, các thành viên Nền tảng toàn cầu về cao su thiên nhiên bền vững, đã tham dự Đại hội lần thứ nhất và bầu Ban Chấp hành, thông qua Điều lệ và Quy tắc ứng xử. Ban Chấp hành gồm 39 ủy viên của 5 nhóm thành viên.

11 doanh nghiệp lốp xe hàng đầu với mức tiêu thụ đến 65% tổng sản lượng cao su thiên nhiên thế giới là những nhà tiên phong tham gia Nền tảng toàn cầu về cao su thiên nhiên bền vững (GPSNR: Global Plalform for Sustainable Natural Rubber) được thành lập vào tháng 10/2018. Nền tảng này là một trong những hoạt động của Dự án ngành lốp xe (TIP: Tire Industry Project) thuộc Hội đồng Kinh doanh thế giới về phát triển bền vững (WBCSD: World Business Council for Sustainalble Development) được khởi xướng vào tháng 11/2017.
Để xác định kế hoạch hành động đúng đắn cho sự phát triển cao su thiên nhiên bền vững – một nguồn nguyên liệu quan trọng của ngành lốp xe, TIP đã vận động sự tham gia của các bên liên quan hợp tác vì lợi ích, động lực, kinh nghiệm của mỗi bên trong chuỗi cung ứng nhằm mang đến sự thành công cho Nền tảng này. Đến đầu năm 2019, Nền tảng đã có 39 thành viên, bao gồm những nhà sản xuất lốp xe, nhà cung cấp cao su, nhà sản xuất xe và tổ chức phi chính phủ (NGO).
Ngày 21/3/2019, tại Singapore, các thành viên đã tham dự Đại hội lần thứ nhất và bầu Ban Chấp hành, thông qua Điều lệ và Quy tắc ứng xử. Ban Chấp hành gồm 39 ủy viên của 5 nhóm thành viên như sau:

- Nhà sản xuất, chế biến và doanh nhân về cao su thiên nhiên (10 ủy viên) Halcyon Agri Corporation, ITOCHU Corporation, Kirana Megatara, MARDEC, PRASIDHA, SIPEF, SIPH, Socfin Group, Southland Global, Thai East.
- Các nhà sản xuất xe hơi, những người sử dụng sản phẩm cao su khác (3 ủy viên): Tập đoàn BMW, Công ty Ford Motor, General Motors.
- Các nhà sản xuất lốp xe và người mua cao su (12 ủy viên): Bridgestone, Continental AG, Cooper, Goodyear, Hankook, Kumho, Michelin, Nokian, Pirelli, Sumitomo, Toyo, Yokohama.
- Các tổ chức xã hội dân sự, phi chính phủ (11 ủy viên): BirdLife International, Conservation International, HCV Resource Network, FSC, Mighty Earth, PEFC, Rainforest Alliance, Resourcetrust Network, SNV, World Resources Institute, WWF.
- Các thành viên liên kết (3 ủy viên): Hiệp hội Các nhà sản xuất và trồng cao su vùng Tanintharyi (TRRPPA), ProForest, Control Union.
Ban Chấp hành sẽ xây dựng những tiêu chuẩn hài hòa cho cao su thiên nhiên bền vững dựa trên những nguyên tắc cơ bản về tôn trọng nhân quyền, ngăn chặn chiếm đất rừng và phá rừng, bảo vệ đa dạng sinh học và tài nguyên nước, nâng cao năng suất, tăng tính minh bạch của chuỗi cung ứng và truy xuất nguồn gốc.
Thông tin chi tiết về Nền tảng này được phổ biến tại website www.wbcsd.org.
TS. TRẦN THỊ THÚY HOA
(Thành viên Ban Chỉ đạo phát triển bền vững ngành cao su – VRG)
Related posts:
Đánh giá cao đóng góp của Cao su Đồng Nai - Kratie
Lãnh đạo VRG chúc Tết các tỉnh
Khối thi đua Campuchia 2: Nỗ lực vượt khó hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ
Cao su Dầu Tiếng: Trên 79% cán bộ công nhân được tiêm vaccine ngừa Covid -19
Cao su Hương Khê – Hà Tĩnh tuyên dương 4 tập thể, cá nhân noi gương Bác
Chủ trương giảm 30% suất đầu tư
“Chất lượng đội ngũ thợ giỏi ngày càng cao”
Cao su Phú Riềng phấn đấu năng suất 2 tấn/ha 9 năm liên tục
Cao su Chư Păh kỷ niệm 35 năm thành lập
Dầu Tiếng: Nông trường thứ 2 về trước kế hoạch