Nông trường Bến Củi, Công ty CPCS Tây Ninh: Nâng cao hiệu quả sản xuất nhờ cơ giới hóa

CSVN – Việc áp dụng cơ giới hóa trong trồng tái canh, chăm sóc vườn cây là vấn đề quan tâm hàng đầu nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động và tăng năng suất lao động. NT Bến Củi, Công ty CP Cao su Tây Ninh là một trong những đơn vị đi đầu trong việc áp dụng cơ giới hóa và đạt được nhiều hiệu quả tích cực.
Nông trường sử dụng máy cày ngầm thay lao động thủ công trên vườn cây KTCB. Ảnh: Phan Thắng
Nông trường sử dụng máy cày ngầm thay lao động thủ công trên vườn cây KTCB. Ảnh: Phan Thắng
Vườn cây phát triển vượt quy trình

Theo lãnh đạo nông trường, năm 2018, nông trường gặp nhiều khó khăn do thời tiết mưa to, vườn cây bị ngập úng, gió lớn dẫn đến gãy ngang và trốc gốc 4.836 cây. Ngoài ra, vườn cây kinh doanh bón phân tối thiểu, vườn cây nhóm I của nông trường chuyển sang giai đoạn khủng hoảng sản lượng ở mặt cạo B, nhiều vườn cây nhóm II, III, thanh lý bị suy kiệt…

Tuy nhiên, kết thúc năm 2018, nhờ sự lãnh đạo, điều hành có hiệu quả, sự năng động của ban lãnh đạo nông trường, cùng với sự nỗ lực của toàn thể NLĐ nông trường đã đạt được những kết quả nổi bật. Nông trường đã hoàn thành và về trước kế hoạch, sản lượng thực hiện được 1.680,6 tấn, đạt 100,6% kế hoạch, thu nhập bình quân đạt hơn 7,7 triệu đồng/ người/tháng.

Nông trường thực hiện trồng mới tái canh (TMTC) 219,24 ha. Đặc biệt, nông trường đã sử dụng cơ giới hóa cày ngầm trước khi trồng thay cho công tác phúp bồn tủ gốc bằng thủ công chống hạn mùa khô bằng phương pháp cày sâu từ 50 – 60cm không lật đất. Công tác này ít làm xáo trộn lớp đất mặt, giữ được tối đa lớp đất mùn và chất hữu cơ trên mặt đất, hạn chế rửa trôi chống xói mòn đất, tạo điều kiện cho bộ rễ phát triển mạnh, giúp vườn cây duy trì tốt qua mùa khô.

Kiểm tra cuối năm, nông trường có cây trên 4 tầng lá đạt 95,1% so với quy định, vượt 15,1%, số tầng lá bình quân đạt 5,25 tầng lá/cây, vườn cây sinh trưởng và phát triển tốt, kết quả kiểm tra đạt cao nhất toàn công ty. Ngoài ra, nông trường còn thực hiện tốt quy trình chăm sóc vườn cây KTCB 1.183,9 ha. Nông trường luôn duy trì lực lượng công nhân kỹ thuật chuyên nghiệp và áp dụng khoa học kỹ thuật phù hợp vào thực tế.

Mô hình điểm tham quan học tập

Để tiết giảm suất đầu tư, nông trường đã mạnh dạn tìm ra những giải pháp để thực hiện tiết kiệm chi phí đầu tư, đồng thời vẫn đảm bảo vườn cây phát triển tốt. Trong năm 2018, việc chăm sóc, bón phân, khống chế cỏ dại trên vườn cây KTCB được sử dụng bằng cơ giới hóa với các máy bón phân, máy phun thuốc cỏ… đã góp phần giải quyết bài toán khó về tình hình thiếu lao động hiện nay.

Ngoài ra, nông trường còn đưa cơ giới hóa vào sản xuất như máy xịt cỏ, bón phân, phòng trị bệnh phấn trắng, Corynespora… Máy cày trong TCTM, chăm sóc vườn cây KTCB… Tính đến 18/9/2019, toàn nông trường đã thực hiện đạt 64% kế hoạch sản lượng khai thác được giao. 17 năm liên tiếp nông trường tiếp tục duy trì Câu lạc bộ 2 tấn, được bằng khen của VRG nhiều năm liền.

Theo ông Nguyễn Văn Tài – Giám đốc NT Bến Củi, hiện nay, nhiều khu công nghiệp mọc lên cạnh nông trường cao su, tình trạng chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ ngày càng nhiều sẽ làm cho các công ty cao su thiếu hụt lao động. Việc áp dụng cơ giới hóa trong trồng tái canh, chăm sóc vườn cây là vấn đề quan tâm hàng đầu nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động và tăng năng suất lao động, mang lại hiệu quả đòi hỏi các đơn vị áp dụng trong sản xuất.

“Việc áp dụng cơ giới hóa đã được lãnh đạo NT Bến Củi triển khai, áp dụng từ lâu. Trong các hội nghị đầu bờ khu vực Đông Nam bộ năm 2019 về áp dụng cơ giới hóa trong chăm sóc, tổ chức sản xuất trên vườn cây cao su, nông trường được nhiều đơn vị đến tham quan, tìm hiểu và học tập. Có thể thấy rõ việc áp dụng cơ giới hóa làm tăng năng suất lao động, công nhân cũng đỡ vất vả hơn, công tác TCTM kịp thời vụ, chất lượng vườn cây đồng đều, khi đưa vào mở cạo đạt năng suất cao hơn, giảm được áp lực cạnh tranh lao động”, ông Tài chia sẻ.

MINH TÂM