Xin đừng ngoảnh mặt với tôi!

Đó là lời tâm sự đắng lòng của những cây cao su đang bị chặt bỏ để thay thế bằng những loại cây trồng khác.anh minh hoa

Các bạn ơi, hơn 30 năm qua có biết bao người sống nhờ vào cây cao su, hàng trăm ngàn công nhân bám trụ cuốc đất, đào đá, ươm chồi để dòng vàng trắng tuôn chảy từ Nam ra Bắc, vươn xa sang nước bạn Lào, Campuchia. Cây cao su đã xóa đói giảm nghèo cho hàng vạn gia đình ở khắp mọi miền Tổ quốc, nhất là đồng bào dân tộc ít người ở Tây Nguyên và vùng núi phía Bắc. Cây cao su đã biến ước mơ thành hiện thực của người nông dân trở thành tỷ phú, có nhà lầu xe hơi, nuôi con thành tài…Hiện nay trên đất nước ta có hàng trăm công ty, tổng công ty, nông trường, xí nghiệp trồng và chế biến sản phẩm cao su, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu đi nước ngoài để mang ngoại tệ về cho đất nước.

Thời tiết có lúc nắng lúc mưa, thị trường giá cả có lúc lên lúc xuống. Và hiện nay giá mủ cao su xuống thấp, cũng không nằm ngoài quy luật cung cầu, không riêng gì cao su mà các ngành như thủy sản, lương thực, vải vóc, da giày cũng chịu chung số phận trước biến động kinh tế trên toàn thế giới.

Trồng cây ta luôn mong đến ngày hái quả; những năm trước khi giá mủ cao su tăng vọt, nhà nhà đổ xô trồng cao su, trong vườn có mấy trăm m2 cũng trồng cao su, có vài sào điều cũng chặt đi để trồng cao su, có vài mẫu tiêu cũng phá để trồng cao su. Từ trước tới giờ người dân thường có tư tưởng chạy theo phong trào và không bao giờ tính hậu quả thắng thua. Để rồi hôm nay, khi giá mủ xuống thấp người dân lại nản lòng và chặt phá cao su để trồng tiêu, một số nông trường còn phá cả ngàn ha cao su để trồng cỏ nuôi bò, trồng ca cao, trồng quýt… Mỗi cây cao su bị đốn ngã, nhựa ứa ra như từng vết cắt vào da thịt của người công nhân gắn bó với vườn cây. Xin đừng ngoảnh mặt với cao su! Xin đừng chặt bỏ loại cây mà một thời là vàng trắng! Lúc khó khăn này chúng ta hãy nhẫn nại dành thời gian dưỡng cây, chờ một ngày nào đó không xa, cao su sẽ lại thăng hoa!

Vũ Đình Bê (Bà Rịa – Vũng Tàu)