Tạp chí Cao su mở chuyên mục: “Tự hào 85 năm truyền thống ngành cao su”

Nằm trong các hoạt động thông tin tuyên truyền hướng tới kỷ niệm 85 năm ngày truyền thống ngành cao su VN (28/10/1929-28/10/2014), kể từ số báo này (408), Tạp chí Cao su sẽ mở chuyên mục “Tự hào 85 năm truyền thống ngành cao su”. Chuyên mục sẽ đăng tải những cột mốc lớn trong quá trình xây dựng và phát triển của ngành cao su VN; những sự kiện lịch sử quan trọng của phong trào đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân cao su; giới thiệu những nhân vật nổi tiếng từng tham gia vào phong trào đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân cao su; những thông tin thú vị ít biết về lịch sử ngành cao su v.v…

Tạp chí cao su Việt Nam
Tạp chí cao su Việt Nam

Bên cạnh đó, Tạp chí Cao su cũng sẽ chọn lọc và trích đăng những bài viết hay từ cuộc thi viết bài cảm nhận tìm hiểu 85 năm tự hào truyền thống ngành cao su VN do VRG tổ chức để giới thiệu trên chuyên mục. Các bài viết được chọn đăng sẽ được tòa soạn trả nhuận bút theo quy định.

Tạp chí Cao su rất mong nhận được sự hưởng ứng, ủng hộ của quý bạn đọc và cộng tác viên cho chuyên mục “Tự hào 85 năm truyền thống ngành cao su”, bằng việc tham gia gửi bài viết trình bày những suy nghĩ, cảm nhận của bạn về truyền thống, lịch sử của đơn vị nói riêng và ngành cao su nói chung; về những sự kiện lịch sử nổi bật, tiêu biểu của phong trào đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân cao su VN; viết về một kỷ niệm sâu sắc trong quá trình làm việc tại đơn vị; hoặc về một nhân vật trong ngành cao su mà bạn có ấn tượng khó quên (kèm hình minh họa). Đồng thời, đề xuất, kiến nghị những giải pháp cụ thể nhằm gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống ngành cao su.

T.S

 

TẠP CHÍ CAO SU THỰC HIỆN ĐỀ TÀI THAM LUẬN BẰNG HÌNH ẢNH VỀ GIỮ GÌN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ TRUYỀN THỐNG NGÀNH CAO SU

Tại Hội nghị Đại biểu Người lao động VRG năm 2014, Tạp chí Cao su đề xuất và được Ban chỉ đạo, Ban tổ chức Hội nghị thống nhất giao thực hiện đề tài tham luận: Giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống ngành cao su.

Điểm đặc biệt của bản tham luận này là được trình bày bằng một phóng sự hình ảnh thay vì một bản báo cáo bằng văn bản như thông thường. TGĐ VRG Trần Ngọc Thuận, Trưởng Ban chỉ đạo Hội nghị Đại biểu Người lao động VRG năm 2014, ghi nhận và đánh giá cao đề xuất này của Tạp chí Cao su. TGĐ Trần Ngọc Thuận xem đây là cách đổi mới trình bày tham luận, tránh đi vào lối mòn và nhàm chán như vẫn diễn ra tại các hội nghị.

Bà Hồ Thị Tú Anh – Tổng biên tập Tạp chí Cao su cho rằng, tham luận là nội dung rất quan trọng trong Hội nghị Người lao động, tập trung vào các vấn đề chính liên quan đến Tập đoàn và người lao động. Vì vậy, tham luận cần đi sâu, đi sát vào các chủ đề chính của Tập đoàn và người lao động đang quan tâm. Các đơn vị trình bày tham luận không nên giới thiệu quá nhiều đến đơn vị mình mà cần phải bám sát chủ đề để đưa ra các ý kiến giải pháp và những đóng góp có ích, có hiệu quả. Đồng thời để tránh mất thời gian và gây nhàm chán, người trình bày tham luận phải đổi mới, sáng tạo trong hình thức thể hiện, mạch lạc, có sức thuyết phục và trôi chảy trong lời nói giúp cho người nghe dễ tiếp thu.

Để kịp thời thực hiện tham luận bằng hình ảnh phóng sự tài liệu, Tạp chí Cao su đã khẩn trương tổ chức các khâu viết kịch bản, tổng hợp hình ảnh tư liệu và tổ chức đi thực tế quay phim tại các địa điểm lịch sử gắn liền với ngành cao su; tới các nhà truyền thống của một số đơn vị; gặp gỡ, ghi nhận ý kiến của các lão thành cách mạng ngành cao su; phỏng vấn một số CBCNV-LĐ và thế hệ trẻ ngành cao su về truyền thống của ngành…

Nội dung của bản tham luận tập trung phản ánh bề dày lịch sử ngành cao su; ca ngợi truyền thống hào hùng, vẻ vang của ngành; những hoạt động cụ thể của VRG, Công đoàn Cao su VN và các đơn vị thành viên trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống của ngành. Đặc biệt, điểm nhấn của bản tham luận là phản ánh thực trạng đáng lo ngại về nhiều giá trị truyền thống vật thể và phi vật thể của ngành cao su đã, đang bị mai một, nhạt phai do nhiều yếu tố khách quan, chủ quan. Những giá trị này một khi mất đi sẽ để lại những khoảng trống, những lỗ hổng không thể nào khôi phục được. Từ đó, vấn đề đặt ra là chúng ta – những thế hệ hiện nay đang viết tiếp lịch sử vẻ vang, hào hùng của ngành cao su, cần có những việc làm kịp thời và phù hợp nhằm giữ gìn, tôn tạo và phát huy các giá trị truyền thống rất đáng tự hào của ngành cao su VN.