Nở rộ nghề PG

CSVN – Tại những chương trình sự kiện lớn, các hội nghị khách hàng, hội chợ giới thiệu triễn lãm các sản phẩm, mặt hàng mới, các lễ khởi công, khánh thành, khai trương, gameshow…chúng ta dễ dàng nhận thấy sự xuất hiện nhộn nhịp của đông đảo đội ngũ người mẫu PG (viết tắt từ Promotion Girl, tạm dịch: những cô gái quảng bá sản phẩm). Nghề này đang ngày càng nở rộ…
Các PG trong một chương trình sự kiện
Các PG trong một chương trình sự kiện
Làm PG có dễ dàng?

Một số người hoạt động trong ngành người mẫu ước tính, đến nay cả nước ta đang có trên dưới 2.000 người mẫu đang trực tiếp hành nghề, trong gần 40 công ty có “bảng hiệu” với chức năng kinh doanh và cung ứng người mẫu. Có thể kể như Công ty Elite Vietnam, PL, Lamode, Công ty Á Châu, Ruby Entertainment… Cạnh đó là hàng chục đội, nhóm, câu lạc bộ người mẫu quy mô nhỏ hơn, hoạt động riêng lẻ khác.

Mới nghe qua, người ta thường cho rằng PG là một nghề nhàn hạ, chỉ dành cho các cô gái xinh đẹp. Song, để trở thành một PG thực thụ, các bạn trẻ phải có ý thức làm việc tập thể và trau dồi kiến thức không ngừng. Cụ thể, để vào nghề, ngoài các yếu tố như ngoại hình, hoạt bát, kiến thức nhất định… khó nhất vẫn là khả năng rèn luyện cho đôi chân đứng thật vững.

Một số chương trình kéo dài mấy tiếng đồng hồ, chân phải mang giày cao gót, miệng phải luôn cười thật tươi và đôi khi phải nói không ngừng, chưa kể những chương trình mang tính đặc thù khiến nhiều PG phải di chuyển liên tục. Tuyết Mai, 25 tuổi, xuất thân từ một gia đình công nhân cao su ở Công ty Dầu Tiếng (Bình Dương) nói: “Có những lúc chân không đứng vững, bụng đói, nhưng vẫn phải cố gắng vui vẻ, tươi cười, không được để khách hàng phiền lòng …”.

Nghề nghiệp nào cũng có mặt trái của nó, chuyện các PG xinh đẹp bị khách hàng quấy rối không phải là chuyện hiếm gặp. Theo Tuyết Mai, không ít lần cô bị khách hàng trêu chọc bằng những lời vớ vẩn như: “Em đẹp quá cho anh làm quen nhé”, “Có phát khuyến mãi tận nhà không em?”… “Khách hàng tham gia chương trình có rất nhiều dạng người, nên đôi khi PG phải lắng nghe và chịu đựng những lời nói khiếm nhã. Đó là những tình huống mà PG nào cũng phải thường xuyên đối mặt” – Mai nói.

Cát -sê theo đẳng cấp

Trong khi ấy, vị đại diện của Công ty PL cho rằng tại công ty đang có những hợp đồng đăng ký thuê người mẫu định kỳ trọn năm của khá nhiều công ty, xí nghiệp, đơn vị chuyên tổ chức các kỳ hội chợ, triển lãm, sự kiện, gameshow… Thậm chí có không ít các hợp đồng cung cấp người mẫu cho các show quảng cáo tận bên nước ngoài… Ông này cho biết nghề người mẫu hiện có thu nhập khá ổn định, tùy “đẳng cấp” của người mẫu mà mức thu nhập dao động từ 3-10 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, thù lao cho người mẫu cao hay thấp, ngoài đẳng cấp người mẫu, còn tùy thuộc vào cấp độ trung gian của các công ty cung ứng… Mức giá trung bình cho một người mẫu trình diễn tại các hội nghị, chương trình sự kiện nhỏ và vừa, cũng như ghi hình cho gameshow truyền hình là khoảng 400 – 600 nghìn đồng/người (cho một show diễn hay theo buổi), hoặc “bèo” lắm với người mẫu không tên tuổi, danh hiệu thì khoảng 250 – 300 nghìn đồng/người.

Những người mẫu tên tuổi, có danh hiệu thường nhận mức thù lao cao gấp rưỡi hoặc gấp đôi. Các show trình diễn cho các nhãn hiệu hàng hóa của đơn vị 100% vốn nước ngoài luôn không dưới 100 USD/người dành cho mẫu hạng A và 30-50 USD/người dành cho người mẫu hạng B trở xuống. Riêng các show chụp hình áo cưới, áo tắm, làm catalogue, ảnh lịch…cũng dao động trung bình mức 1,5 triệu đến 5 triệu đồng/buổi!

Nhìn chung, tại đa số các kỳ hội chợ triển lãm, events, việc tuyển chọn người mẫu trình diễn thường chỉ cần theo tiêu chuẩn “thanh sắc và danh hiệu”. Theo ông Trần Mạnh Tiến, Phó Giám đốc Công ty Siêu mẫu Việt, khi thuê người mẫu thường chọn theo “cảm nhận trực diện bề ngoài” như có duyên, vui vẻ, hoạt bát, và đôi khi còn chú trọng đến khả năng ngoại ngữ. Tiếp đó, các người mẫu sẽ được ký hợp đồng làm việc theo ca (buổi sáng hay buổi chiều) rồi tùy theo từng đẳng cấp và thời gian làm việc mà mức thù lao cát-xê cho mỗi người mẫu cũng hoàn toàn khác nhau…

Nguyễn Sinh