Cây cao su ở Việt Nam dưới góc nhìn Lịch sử – Sinh thái (1897 – 1975)

(tiếp theo kỳ trước)

THẢO LUẬN SÔI NỔI VỀ KỸ THUẬT CAO SU
Chăm sóc cao su trồng mới.

Sự tập trung hoạt động sản xuất trong tay một vài người Việt Nam giàu có đã đi ngược lại mong muốn của một số quan chức Pháp và giới thượng lưu người Việt vốn mong muốn phổ biến hoạt động sản xuất cao su trong những người sở hữu nhỏ. Điều này một phần là bởi thế lực của Hiệp hội Những Người trồng Cao su Nam Kỳ – tổ chức mà thông qua đó, các điền chủ đã vận động hành lang một cách có hiệu quả để có được những khoản vay từ Chính phủ trong cuộc khủng hoảng cao su vào năm 1930. Hiệp hội đã giúp những người trồng cao su được hưởng lợi thế từ những cải tiến về kỹ thuật như cây ghép, những dòng vô tính và vốn để áp dụng những tiến bộ này.

Tích cực tìm giải pháp khắc phục khó khăn

Đối với những chủ đồn điền người Việt nghèo hơn, những cải tiến kỹ thuật liên quan đến việc ghép cây khó có thể áp dụng được. Tuy những tiến bộ như vậy không giúp bảo vệ các đồn điền lớn trước sự biến động của giá cao su trên thị trường thế giới, nhưng chúng đã giúp giảm bớt những tác động trong thời kỳ bất ổn kinh tế.

Đối với các quan chức thuộc địa ở Đông Dương, những vấn đề cần giải quyết bao gồm việc sắp xếp lại số dân dôi dư ở Đồng bằng sông Hồng, mở rộng việc khai thác những vùng đất cao còn thưa dân và cải tiến các kỹ thuật canh tác nông nghiệp truyền thống. Vấn đề đầu tiên dễ giải quyết với các đồn điền hơn là với những cơ sở trồng cao su quy mô nhỏ và các quan chức khuyến khích những giải pháp có ích hơn đối với đồn điền.

Do đó, sự hạn chế đối với đất đai thuộc sở hữu nhỏ đã hiện hữu trong thói quen của các nhà hoạch định, những người mà nhà nhân chủng học Tania Li bình luận rằng đã “chuyển ý chí để cải tiến vào trong những chương trình rõ ràng”.

Ở Đông Dương, các quan chức kết hợp sử dụng khoa học về đất đai, khí hậu, nhân khẩu học và kết hợp giữa khoa học tự nhiên với khoa học xã hội để giúp xác định những phương thức kỹ thuật nhằm giải quyết những vấn đề như dịch bệnh, tình trạng nông nghiệp lạc hậu, và đói nghèo. Những giải pháp này có giá trị hơn và có lợi hơn đối với những người trồng cao su quy mô lớn – những người có mối liên kết với các mạng lưới của thuộc địa, bao gồm cả những người Việt giàu có nói tiếng Pháp. Các quan chức đã thất bại trong mục tiêu cải thiện tình hình bản xứ, một phần bởi vì “giới hạn và đặc tính của “một lĩnh vực chỉ có thể nhận thức được bằng trí óc” thích hợp với kiểu can thiệp có thể lường trước – kiểu can thiệp mà các chuyên gia phải đưa ra”.

Thay đổi hệ sinh thái cũng đóng một vai trò quan trọng trong thành công của những đồn điền có quy mô lớn. Không giống như tộc người Dayaks sống tên đảo Borneo, những người sẵn sàng chấp nhận cây cao su, người Việt Nam không tiến tới những mô hình thời kỳ tiền thuộc địa trong việc buôn bán các loại lâm sản như nhựa cây gutta – Percha. Mặc dù có một số người sản xuất nhỏ duy trì sự quan tâm nhưng đối với hầu hết người Việt Nam, sản xuất mủ cao su chưa bao giờ trở thành kỹ thuật nông nghiệp thông dụng.

Tranh luận về kỹ thuật ngành cao su

Cuối cùng, những kỹ thuật của ngành cao su cũng đóng một vai trò trong các cuộc thảo luận căng thẳng vào cuối những năm 1930 về vấn đề Đông Dương có nên được công nghiệp hóa hay không. Kỹ thuật viên nông nghiệp Vũ Đình Đại cho rằng, công nghiệp hóa nông nghiệp thông qua các doanh nghiệp tư nhân nên được ưu tiên. Ông Đại tuyên bố rằng: “Trong khi một số người Việt Nam được đào tạo ở Pháp để trở thành kỹ sư nông nghiệp thì chỉ vài người trong số đó trở về nước; và họ thường làm việc cho chính quyền, hầu như không có kỹ sư nào làm việc cho các doanh nghiệp tư nhân”. Tuy nhiên, một số quan chức thuộc địa cảnh báo về mối đe dọa nghiêm trọng đối với nước Pháp xuất phát từ việc chuyển giao ngành công nghiệp chế biến cao su từ châu Âu và Hoa Kỳ sang các thuộc địa “dưới chiêu bài” công nghiệp hóa thuộc địa.

Một quan chức tán thành việc thiết lập một trật tự chính trị mới ở châu Á để đối phó với những thay đổi này. Năm 1939, kỹ sư hóa học Lâm Văn Vãng đã chỉ ra những khó khăn đối với hoạt động chế biến cao su do thiếu nguồn nhân lực được đào tạo. Ông ủng hộ việc đào tạo nhân sự trong thời gian đầu thông qua chương trình thực tập nội trú ở nước ngoài, sau đó những người đã được đào tạo có thể trở về và xây dựng nên các ngành công nghiệp ở nước nhà. Vì ảnh hưởng của Thế chiến lần thứ II và hệ thống thuộc địa, ngay cả những dự án đơn giản như thay thế lốp xe làm từ kim loại và gỗ bằng lốp cao su ở vùng nông thôn của Việt Nam và Campuchia cũng đạt được rất ít tiến triển. Những thất bại đó dẫn đến việc nhiều người Việt là kỹ thuật viên nông nghiệp tham gia các phong trào yêu nước, rồi sau đó đem kiến thức khoa học và công nghệ mà họ thu nhận được để đóng góp cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Một sự pha trộn giữa sự thôi thúc của những người theo chủ nghĩa nhân đạo, mong muốn cai trị và lòng tham đã thúc đẩy các quan chức thực hiện những chính sách đầy mưu mẹo nhằm khuyến khích tăng sản lượng nông nghiệp. Một cách tiếp cận “khoa học” đối với vấn đề cao su mang ý nghĩa làm lợi cho bất động sản ruộng đất (có nghĩa là những đồn điền lớn) thay vì những người sở hữu nhỏ. Trong quá trình này, sản xuất cao su đã trở thành một kỹ thuật thông thường đối với một số người tham gia vào ngành sản xuất này. Đối với những người quản lý đồn điền, sản xuất cao su đã trở thành công việc thường ngày khi mà những nhiệm vụ của họ đã có thể dự đoán trước được.

Đối với công nhân, cả người Âu và người Việt, kỹ thuật đó được biểu hiện trong mối quan hệ vật chất với các tư liệu sản xuất khi họ phải chịu đựng sự trừng phạt và bạo lực áp đặt bởi quá trình sản xuất cao su để cung cấp cho thị trường hàng hóa toàn cầu. Do đó, những công nhân cạo mủ người Việt thường hiểu về kỹ thuật thông thường liên quan đến cao su một cách bi quan hơn so với những người quản lý hoặc những đồng nghiệp người châu Âu. Đối với các quan chức thuộc địa, cây cao su là một giải pháp tiêu biểu cho vấn đề “dân cư đông đúc” ở vùng Đồng bằng sông Hồng và họ mong muốn biến cao su thành một thứ cố định quen thuộc, phổ biến trong cuộc sống của những người nông dân, người cạo mủ, những người sở hữu ít ruộng đất hay các chủ xưởng”.

Quá trình trồng cao su ở các đồn điền Đông Nam Kỳ và Campuchia đã cung cấp một thấu kính để qua đó có thể tìm hiểu hoạt động nghiên cứu được định hướng và chịu ảnh hưởng như thế nào bởi sự thay đổi về kinh tế – chính trị của quá trình thuộc địa hóa do người Pháp tiến hành; cái gì được lựa chọn để thích hợp cho nghiên cứu; các dự án khoa học nông nghiệp được xác định, xây dựng, và được cung cấp kinh phí như thế nào. Từ thế kỷ XX cho đến trước Thế chiến lần thứ II, công nghiệp hóa nông nghiệp đóng vai trò mẫu chốt trong việc tạo ra tri thức, các quan điểm chính trị và chủ nghĩa tư bản.

Chính quyền thuộc địa, các doanh nghiệp tư nhân và các chuyên gia của đế quốc đã tác động qua lại lẫn nhau để tạo ra các tổ chức và những kiến thức trong lĩnh vực này. Nhiều quan chức chính quyền tích cực thúc đẩy sự phát triển của cây cao su, nhưng cũng như các dự án khác ở thuộc địa, họ thường thiếu những phương tiện để hoàn thành chúng. Trong khi đó, cá nhân những người trồng thông qua việc tiếp cận với các viện nghiên cứu của nhà nước đã tài trợ cho nghiên cứu khoa học trong giai đoạn đầu của ngành công nghiệp cao su. Rồi sau đó, các công ty cổ phần đã lợi dụng những nền tảng vốn có để nắm quyền kiểm soát cả tri thức và tư liệu sản xuất cao su. Như chương tiếp theo chứng minh, việc phá rừng và đưa những người “thiếu kinh nghiệm” vào sản xuất cao su tại các vùng mới đã dẫn tới sự bùng nổ của tỷ lệ người mắc bệnh sốt rét.

HÀ KHUÊ

(trích từ Sách “Cây cao su ở Việt Nam dưới góc nhìn Lịch sử – Sinh thái (1897 – 1975)” của tác giả Michitake Aso, NXB tổng hợp TPHCM, tháng 6/2023)

(Xem tiếp kỳ sau)