CSVNO – Nuôi dê tiêu chuẩn VietGAP đang mở ra hướng thoát nghèo bền vững cho người dân thuộc các xã miền núi tỉnh Hòa Bình.
Thanh Sơn là xã miền núi thuộc vùng CT229 huyện Lương Sơn (Hòa Bình). Cư dân chủ yếu là dân tộc Mường (89,7%). Với điều kiện địa hình chủ yếu là đồi núi thấp xen lẫn đồng bằng, đất đai màu mỡ, khí hậu trong lành nên cây cối quanh năm xanh tốt. Đây là nguồn thức ăn dồi dào cho việc phát triển chăn nuôi gia súc, đặc biệt là đàn dê.
Tuy nhiên, trước đây đa phần các hộ dân đều chăn thả du mục, số lượng nhỏ lẻ, lượng bán ra thị trường không đáng kể. Việc chăm sóc đàn dê chỉ dựa theo kinh nghiệm nên tình trạng dê còi cọc, kém phát triển, ốm chết thường xuyên xảy ra.
Với khát vọng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình, anh Nguyễn Mạnh Linh, thôn Yên Lịch, xã Thanh Sơn là người tiên phong trong việc thay đổi hình thức chăn nuôi truyền thống bằng việc áp dụng quy trình nuôi dê theo tiêu chuẩn VietGap, bước đầu đã cho những tín hiệu rất khả quan.
Năm 2017, anh Linh thành lập HTX Nông nghiệp Hòa Bình với 6 thành viên. Tất cả thành viên của HTX đều là những gia đình có truyền thống nuôi dê tại địa phương.
“Địa phương có diện tích chăn thả rộng, gần những thị trường tiêu thụ lớn như Hà Nội. Trong khi người dân có kinh nghiệm lâu đời trong việc nuôi dê, đấy là những điều kiện thuận lợi mà mình không tận dụng để mở rộng đàn dê, tạo sinh kế lâu dài cho người dân thì đáng tiếc lắm”, anh Linh chia sẻ.
Về phương pháp chăm sóc đàn dê, theo anh Linh, trong quá trình nuôi không sử dụng cám công nghiệp, thức ăn của dê chủ yếu là lá cây tự nhiên mọc trên rừng. Dê là con vật dễ nuôi, dễ chăm sóc song để đạt được hiệu quả kinh tế, người nuôi phải biết áp dụng kỹ thuật từ khâu làm chuồng cho đến việc theo dõi, quản lý đàn dê.
Đặc biệt, để đảm bảo cho đàn dê sinh trưởng và phát triển tốt, công tác phòng, chống bệnh cho dê đóng vai trò then chốt. Dê thường mắc các loại bệnh chính như: Bệnh đậu, lở mồm long móng, tụ huyết trùng, hoại tử đường ruột…. Vì vậy, chuồng trại phải thường xuyên được vệ sinh hàng ngày. Định kỳ 15 ngày phun khử trùng, 6 tháng một lần tiến hành tiêm phòng cho đàn dê…
Tháng 7/2019, sản phẩm dê núi của HTX Nông nghiệp Hòa Bình là sản phẩm dê thịt đầu tiên của tỉnh được cấp chứng nhận VietGAP. Năm 2020, sản phẩn thịt dê đóng túi của HTX được UBND tỉnh Hòa Bình cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Đến năm 2021, số lượng thành viên HTX đã tăng lên 11 xã viên.
HTX đã xây dựng được khu chăn thả dê rộng tới 120ha, diện tích khu chuồng nuôi khoảng 1ha (gồm tất cả các thành viên). Tổng lượng đàn trên 1.000 con. Doanh thu trung bình của HTX là 3,5 tỷ/năm. Thu nhập bình quân các thành viên HTX là 100 triệu/người/năm.
Do chưa đầu tư lò mổ nên HTX Nông nghiệp Hòa Bình đã ký kết hợp tác với một lò mổ tại TP. Hòa Bình để đảm bảo đúng quy trình giết mổ, đúng tiêu chuẩn vệ sinh ATTP. Hiện, có nhiều chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Eco Food, HG Hifood, các cửa hangfm nhà hàng tại Hà Nội, Hòa Bình… nhập hàng thường xuyên từ HTX.
Trung bình mỗi ngày HTX cung cấp cho thị trường 1 tạ thịt dê hơi với giá bán 180.000 đồng/kg. Đối với thịt dê được đóng gói hút chân không, cấp đông lạnh giao động từ 550.000 – 600.000 đồng/kg. Không những vậy, phân dê sau khi được thu gom các hộ nuôi sẽ tiến hành phơi khô và sử dụng men vi sinh ngâm ủ, sau đó bán lại cho các hộ trồng cây ăn quả trên địa bàn với giá 10.000đ/kg. Tận dụng nguồn phân, vừa giúp người chăn nuôi có thêm phần thu nhập vừa đảm bảo giữ gìn vệ sinh môi trường.
Bà Đinh Thị Khoa, thành viên HTX cho biết: Gia đình bà nuôi dê đến nay gần 10 năm, trước đây chỉ nuôi từ 3 đến 5 con. Nhưng từ khi HTX được hình thành, đầu ra tiêu thụ ổn định, bà đã mạnh dạn vay vốn, đầu tư mua thêm con giống nâng tổng đàn nuôi lên 40 con.
“Ban đầu khi nuôi dê theo tiêu chuẩn VietGAP cũng bỡ ngỡ, nhưng lâu dần thấy việc chăn nuôi có quy trình, kỹ thuật bài bản giúp đàn dê ít bệnh, sinh trưởng phát triển tốt. Thời gian tới nếu tình hình tiêu thụ tiếp tục ổn định, tôi sẽ vào thêm đàn để có lượng thịt cung cấp liên tục”, bà Khoa bộc bạch.
theo Nongnghiep.vn
Related posts:
- Sáng kiến hiệu quả trong xử lý nước thải
- Giải pháp đồng bộ cho cao su miền núi phía Bắc
- Tiết kiệm 25% lao động khi cạo chế độ D4
- Người thợ trẻ giỏi đam mê sáng kiến
- Xử lý bệnh thối cổ rễ
- Cao su Chư Prông: phát triển kinh tế luôn gắn với bảo vệ an ninh Tổ quốc
- Mô hình đội quản lý là người Campuchia mang lại hiệu quả cao
- Đất nở
- Kinh nghiệm phòng trị bệnh phấn trắng tại Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum
- Cao su Chư Prông thực hiện tốt "3 chủ động" trong tái canh cao su