CSVN – Trải qua 35 năm xây dựng và phát triển, với sự nỗ lực của tập thể CB.CNV – LĐ qua các thời kỳ, Cao su Tân Biên đã gặt hái được nhiều thành tựu, góp phần vào sự phát triển lớn mạnh của VRG và tỉnh Tây Ninh.
Nỗ lực khôi phục, ổn định sản xuất
Ngày 20/12/1985, Tổng cục Cao su (nay là VRG) quyết định thành lập Công ty Cao su Tân Biên trên cơ sở sáp nhập Công ty Cao su Thiện Ngôn và Công ty Cao su Bắc Tây Ninh. Nhiệm vụ chủ yếu của công ty là trồng mới, chăm sóc, khai thác, chế biến, kinh doanh mủ cao su và kinh doanh một số lĩnh vực khác, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế xã hội, cùng với địa phương làm tốt công tác quốc phòng an ninh, an sinh xã hội trên địa bàn.
Vị trí địa lý của công ty trải dài trên 8 xã thuộc địa bàn 2 huyện Tân Biên và Tân Châu. Đây là vùng đất gánh chịu nhiều bom đạn, gian khổ, mất mát và hi sinh trong thời kỳ chiến tranh biên giới Tây Nam. Những ngày đầu mới thành lập, công ty gặp rất nhiều khó khăn, dân cư thưa thớt, cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế, lực lượng cán bộ quản lý của công ty còn non trẻ, lao động được tuyển từ các vùng miền trên cả nước, chủ yếu là lao động phổ thông chưa qua đào tạo, chưa hiểu biết về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cao su…
Trước tình hình đó, các thế hệ lãnh đạo của công ty đã chủ động khắc phục khó khăn, vừa xây dựng nhà ở, lán trại NLĐ vừa thực hiện công cuộc rà phá bom mìn, khai hoang vỡ đất để khẩn trương trồng mới. Bên cạnh đó, công ty cử cán bộ đi học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Đồng thời tuyển dụng mới những người đã được đào tạo chính quy có chuyên môn cao để bổ sung vào nguồn nhân lực của đơn vị.
Khi mới thành lập, diện tích vườn cây của công ty chỉ có 341 ha, từ năm 1986 đến năm 1993 trồng thêm được 3.670 ha. Đến năm 1991, công ty đã định hình 6.147 ha cao su. Đây cũng là năm công ty đưa 60 ha vườn cây vào khai thác, tập thể NLĐ hân hoan đón chào những dòng mủ đầu tiên, từ đây công ty bước vào giai đoạn mới, giai đoạn đưa vườn cây vào SXKD, đời sống NLĐ cũng bắt đầu có những đổi thay từ đó.
Liên tiếp những năm sau diện tích vườn cây đưa vào khai thác ngày càng nhiều, năm 2005 toàn bộ diện tích vườn cây của công ty được đưa vào khai thác. Hiện nay, công ty có 4 nông trường, 1 xí nghiệp cơ khí chế biến, 1 trung tâm y tế và khối văn phòng công ty gồm 7 phòng nghiệp vụ.
Gặt hái nhiều kết quả sau 35 năm
Ngoài việc tập trung đầu tư vào sản xuất, kinh doanh cao su, công ty cũng mạnh dạn đầu tư góp vốn vào một số dự án khác như: Gỗ MDF Quảng Trị, Cao su Quasa – Geruco, Gỗ Tây Ninh… Các dự án góp vốn đã đi vào hoạt động có hiệu quả và chia cổ tức. Ngoài ra, công ty có 2 công ty con ở Vương quốc Campuchia là Cao su Tân Biên – Kampong Thom (7.238 ha) và Cao su Mê Kong (5.714 ha). Hai dự án này đã có diện tích vườn cây đưa vào khai thác.
Cùng với sự phát triển lớn mạnh của công ty, đời sống NLĐ không ngừng được nâng lên. So với thời gian đầu mới thành lập, đến nay đời sống của NLĐ được cải thiện nhiều hơn, tiền lương và thu nhập được đảm bảo. Thu nhập bình quân giai đoạn 2015 – 2020 của NLĐ đạt hơn 8,2 triệu đồng/người/tháng. Chế độ, chính sách của NLĐ luôn được công ty thực hiện đầy đủ, kịp thời.
Các tổ chức đoàn thể ngày càng phát triển vững mạnh cùng với công ty tạo nên khối đoàn kết, thống nhất. Song song với hoạt động SXKD có hiệu quả, công ty còn thực hiện tốt trách nhiệm của doanh nghiệp, chung tay cùng địa phương xây dựng nông thôn mới, góp phần to lớn trong việc phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Tại Lễ kỷ niệm 35 năm thành lập công ty, ông Trần Văn Chiến – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh nhận xét: “Cao su Tân Biên đã phát huy tốt các nguồn lực để hoạt động SXKD có hiệu quả. Các chỉ tiêu quan trọng về doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách đều thực hiện đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Công ty đã góp phần tạo công ăn việc làm cho NLĐ, quan tâm chăm lo đời sống cho NLĐ với mức thu nhập khá cao so với mặt bằng địa phương. Công ty còn thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, có nhiều đóng góp trong chương trình xóa đói giảm nghèo, góp phần giữ vững an ninh trật tự vùng biên giới. Lãnh đạo tỉnh Tây Ninh luôn trân trọng những đóng góp tích cực của công ty vào sự phát triển chung của toàn tỉnh”.
Với những thành tích đã đạt được, công ty nhận được nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Chiến công hạng Ba. Ngoài ra còn được tặng nhiều cờ thi đua và bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành Trung ương, tỉnh Tây Ninh, VRG, Công đoàn CSVN…
Tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành nghề
Ông Trương Văn Cư – TGĐ công ty cho biết: “Trong chặng đường tiếp theo, với xu thế hội nhập sâu rộng, công ty có nhiều thuận lợi để phát triển nhưng bên cạnh đó cũng có không ít khó khăn. Phát huy kết quả đạt được trong 35 năm qua, công ty quyết tâm phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được các cấp giao với mục tiêu “Xây dựng tổ chức Đảng, chính quyền và đoàn thể công ty vững mạnh; phát triển kinh tế, nâng cao đời sống NLĐ. Tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành nghề theo chủ trương của VRG theo hướng dẫn ưu tiên tỷ trọng ngành nghề chính là trồng, chăm sóc, khai thác, chế biến và kinh doanh cao su; Bổ sung các ngành nghề phù hợp, có tiềm năng, lợi thế”.
Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ theo định hướng phát triển của VRG, công ty tiếp tục nghiên cứu, thực hiện các thủ tục chuyển đổi một phần đất trồng cao su sang một số lĩnh vực sản xuất khác như nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất công nghiệp, xây dựng khu công nghiệp. Tiếp tục xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng quốc gia VFCS theo bộ tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững của PEFC…
Tích cực tăng cường và đổi mới công tác quản lý, nâng cao năng suất lao động, năng suất vườn cây, nâng cao giá trị sản phẩm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, đặc biệt là giữ vững sản phẩm đạt “Thương hiệu Việt”.
Ông Trần Ngọc Thuận – Chủ tịch HĐQT VRG nhấn mạnh: “Cao su Tân Biên là đơn vị kinh tế đứng chân phát triển trên vùng biên giới, điều này có ý nghĩa rất lớn trong việc giữ gìn an ninh trật tự xã hội và quốc phòng. Trải qua chặng đường dài xây dựng và phát triển, công ty đã định hình cánh rừng cao su bạt ngàn trên vùng biên giới, tạo công ăn việc làm đông đảo người dân địa phương”.
HÀ KHUÊ
Related posts:
- Công đoàn Công ty CP Gỗ MDF Kiên Giang nhiều sáng kiến mang lại hiệu quả thiết thực
- Cao su Phú Thịnh xuất sắc "lên ngôi" tại Hội thi Bàn tay vàng năm 2022
- Cao su Bình Long: Tăng tốc thi đua nước rút
- Đời sống tốt để người lao động an tâm cống hiến
- Cao su miền núi phía Bắc: Ngày vui đã đến...
- Cao su Bình Thuận: Phát huy thế mạnh trong thu mua cao su tiểu điền
- Tiền lương bình quân VRG Bảo Lộc đạt 27 triệu đồng/người/tháng
- Cao su Quảng Trị phấn đấu giữ vững đà tăng trưởng
- Tây Nguyên mùa mưa
- Nỗ lực giữ chân người lao động