CSVN – “Làm cao su” phải nghe đất thở, nghe cây lên tiếng và nghe người tâm tình, sẻ chia. Đó là những gì chúng tôi ghi chép, đúc kết được trong suốt thời gian rong ruổi ở cơ sở, gặp gỡ NLĐ.
Gắn bó nghĩa tình với ngành
Năm 2020 có lẽ chưa bao giờ các lĩnh vực ngành nghề đều rơi vào tình trạng khó khăn đến vậy khi dịch bệnh Covid – 19 ập đến đã đóng băng thị trường giao dịch, đi lại giữa các nước và ảnh hưởng nặng nề của 14 cơn bão tàn phá không ít sức người, sức của. Khó khăn là vậy nhưng một năm đánh giá tổng kết để nhìn lại thì VRG vẫn có nhiều cái “được”, lớn nhất vẫn là đảm bảo công ăn việc làm cho hơn 83.000 NLĐ, tiếp tục hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nhà nước giao, có bước tăng trưởng đáng kể so với năm 2019.
Đối với một tập đoàn kinh tế quản lý diện tích đất lớn như VRG, gánh trên vai trách nhiệm với xã hội, đặc biệt là với NLĐ, việc trải qua những thăng trầm của thị trường thì đảm bảo việc làm và thu nhập cho NLĐ là điều quan trọng nhất để xây dựng VRG tiếp tục phát triển.
Ít có ngành nghề nào có truyền thống lâu đời như ngành cao su, 92 năm kể từ ngày thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng đầu tiên tại Phú Riềng và 124 năm kể từ ngày cây cao su di nhập vào Việt Nam. Chừng đó thời gian, loài cây thân gỗ biết “khóc” đã cùng biết bao thế hệ công nhân cao su là minh chứng sống động nhất cho phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng phát triển đất nước trong thời kỳ mới.
Và trong ngần ấy thời gian, giá cao su cũng theo quy luật kinh tế thị trường có lên có xuống, có thời hoàng kim cũng có những thời điểm gặp nhiều khó khăn khi tiền lương, thu nhập của NLĐ chưa được như kỳ vọng của lãnh đạo VRG, Công đoàn CSVN. Đặc biệt, trong những năm gần đây, một thực tế cần phải nhìn nhận đó là số lượng NLĐ nghỉ việc tại các đơn vị khá nhiều, số tiền chi trợ cấp thôi việc cho NLĐ cũng là một con số đáng lo ngại.
Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác thì ngành cao su, cây cao su vẫn được nhiều NLĐ trao trọn tình cảm và muốn gắn bó, cống hiến. Có rất nhiều trường hợp NLĐ nghỉ việc ra làm các tại khu công nghiệp nhưng rồi cũng quay trở lại với vườn cây, với những người trong đại gia đình cao su nghĩa tình.
Trong nhiều chuyến công tác, khi nào đổi với lãnh đạo các đơn vị về vấn đề lao động nghỉ việc, chúng tôi nhận được rất nhiều phản hồi. Trong đó có ý kiến mà chúng tôi cho rằng đã phân tích phù hợp với thực tế, đó là: “Việc gắn bó lâu dài với một ngành nghề nào đó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.
Đa số công nhân khai thác trước đây đều làm nông nghiệp do đó khi vào cao su tính chất công việc cũng tương tự. Dù có vất vả nhưng vẫn được thoải mái khi giờ giấc không bị yêu cầu phải đáp ứng đúng giờ phải có mặt, tiếp nữa là nếp nghĩ, là văn hóa của mỗi vùng miền, mỗi gia đình, lứa tuổi, do đó, vẫn có nhiều NLĐ nghỉ việc làm khu công nghiệp quay lại làm công nhân cao su”.
Tình yêu nghề như mạch nguồn chảy mãi
Mỗi người đến với nghề, với ngành bởi một cơ duyên khác nhau nhưng trải qua bao thằng trầm của nghề, bao dãi dầu của cuộc sống, họ vẫn luôn dào dạt tình yêu nghề, như đó chính là hơi thở, là cuộc sống của họ.
Như anh Lê Đình Cường – Giải nhất Hội thi Bàn tay vàng năm 2020 là một người con quê hương miền Trung vào mảnh đất Dầu Tiếng lập nghiệp. Thời gian đầu, anh là công nhân xí nghiệp, sau đó khi xin được vào làm công nhân Cao su Dầu Tiếng anh đã quyết gắn bó, tính tới thời điểm này cũng đã hơn 20 năm có lẻ.
Khi trò chuyện, chúng tôi cũng thử khơi gợi để xem anh đã từng có ý định nghỉ việc khi những năm giá mủ thấp để xin làm việc khác không ? Không ngại ngần, anh đáp: “Nhất quyết không, khó khăn nào rồi cũng vượt qua. Trước đây tôi đã làm ở xí nghiệp rồi, cực hơn làm cao su nhiều. Hơn nữa, chỉ có làm cao su, tôi mới có nhiều cơ hội đi đây đi đó khi có thành tích tốt.
Làm xí nghiệp chỉ biết một ngày 8 tiếng, có những hôm tăng ca đến khuya, ngày tháng cứ lặp đi lặp lại như vậy. Còn làm công nhân cao su, tôi đã được đi du lịch nước ngoài, được khen thưởng, được tranh tài trong các hội thi, thử hỏi nếu không làm cao su thì tôi có được những cơ hội như vậy không ?”.
Còn anh Phạm Ánh Phương – Tổ trưởng Tổ cơ giới TCT Cao su Đồng Nai được biết đến là một “cây” sáng kiến, cải tiến về các loại máy móc ứng dụng trên tất cả các công đoạn từ khâu trồng, bón phân, chăm sóc vườn cây. Nhờ những sáng kiến của Tổ cơ giới, đặc biệt là đóng góp rất lớn của cá nhân anh đã giúp cho Cao su Đồng Nai hoàn thành tiến độ tái canh trồng mới năm 2020 sớm hơn dự kiến, giảm sức lao động và tăng thêm thu nhập cho công nhân nhờ ứng dụng cơ giới hóa trên vườn cây.
Chỉ trong năm 2020, anh đã có 5 sáng kiến được áp dụng trong lao động sản xuất. Nghe anh giới thiệu rất chi tiết, đầy tâm huyết về các loại máy móc và cách vận hành trên vườn cây, những ưu điểm khi sử dụng vào thực tiễn mới thấy được nhiệt huyết của anh với nghề trong vai trò một người tổ trưởng Tổ cơ giới của đơn vị lớn nhất ngành và của một NLĐ yêu ngành, yêu nghề.
Hỏi anh vì sao lại có nhiều sáng kiến như thế, anh chia sẻ: “Không phải tự dưng mà có, sáng kiến đến từ thực tiễn. Và ở góc độ cá nhân của tôi thì nghề nào cũng phải đặt hết chữ tâm vào trong đó thì mới hoàn thành tốt được. Nhưng riêng ngành cao su, “tâm” thôi chưa đủ mà đó còn là tình cảm, là nhiệt huyết nữa, bởi “làm cao su” ai cũng phải cần lắng nghe đất thở, nghe cây lên tiếng và nghe người tâm tình thì cây với người mới hiểu nhau. Từ đó cây sẽ gắn bó dài lâu và “chịu” cho năng suất sản lượng cao, còn người sẽ “bắt” được bệnh của cây, của đất để có những giải pháp canh tác hợp lý”.
Trong ngành cũng có nhiều cặp vợ chồng làm công nhân cao su cùng một nông trường, và dù có về hưu thì người chọn ở nhà lo việc gia đình, người xin vào làm hợp đồng với nông trường vì với họ đã “quen với cây cao su, quen với những giờ giải lao cùng nhau kể chuyện vui buồn”. Trong ngành cũng có rất nhiều gia đình 3 – 4 thế hệ làm công nhân cao su, tình yêu ngành yêu nghề cứ thế được truyền từ đời này sang đời khác.
Chúng tôi có một niềm tin mãnh liệt rằng, những ai đang cống hiến, gắn bó với ngành cao su đều mang trong mình một tình yêu ngành, yêu nghề. Không yêu sao được khi dòng nhựa trắng mang bao hy vọng cho một cuộc sống tốt đẹp hơn. Không yêu sao được khi dòng nhựa trắng đã cùng với NLĐ ngành cao su xây dựng những vùng nông thôn mới, hồi sinh bao vùng đất khô cằn… Tình yêu đó như một mạch nguồn len lỏi, chảy mãi với thời gian và sẽ chắp cánh cho những thành tựu mới để ngành cao su ngày một phát triển hơn.
HÀ KHUÊ
Related posts:
- Cao su Phú Thịnh đạt giải nhất Hội thi Bàn tay vàng
- Hội thao trung thực
- Ông Lê Thanh Tú – Phó TGĐ VRG: Khuyến khích trồng xen ở những nơi có cao trình cao
- TS Nguyễn Anh Nghĩa – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam: "Ứng dụng khoa học công nghệ ...
- Các Đảng bộ cơ sở VRG đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong công tác tuyên truyền
- Khu công nghiệp - Lĩnh vực cốt lõi phát huy hiệu quả sử dụng đất
- Tôn vinh 14 doanh nghiệp tại Hội nghị Quốc tế và Họp mặt Doanh nhân Cao su 2020
- Cao su Dầu Tiếng ra quân đầu năm mới
- Lãnh đạo VRG, Công đoàn Cao su Việt Nam thăm hỏi, động viên và tặng quà người lao động Cao su Sơn La
- 10 hoạt động nổi bật của Công đoàn Cao su VN năm 2020