Chăm lo tốt đời sống người lao động trong doanh nghiệp đầu tư nước ngoài

CSVN – Chương trình phát triển cao su tại nước ngoài của VRG không chỉ đặt mục tiêu về kinh tế mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc thắt chặt tình đoàn kết giữa hai dân tộc. Hiện nay, các đơn vị trực thuộc VRG tại Lào, Campuchia đang thực hiện tốt nhiệm vụ đó. Sát cánh cùng doanh nghiệp, Công đoàn (CĐ) các công ty đã tạo công ăn việc làm ổn định cho NLĐ với thu nhập ngày càng tăng, đảm bảo NLĐ được hưởng đầy đủ các dịch vụ y tế, giáo dục, tôn giáo.

Công đoàn Công ty CPCS Việt Lào thăm hỏi, tặng quà công nhân
Đảm bảo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân bản địa

Hơn 18 năm đầu tư tại Lào, VRG hiện có 5 công ty quản lý 21.836 ha cao su, với hơn 5.300 lao động. Trong quá trình hoạt động, CĐ các công ty luôn bám sát nhiệm vụ SXKD của đơn vị, góp phần hoàn thành kế hoạch được giao, thực hiện tốt quy chế dân chủ, kiểm tra giám sát việc thực hiện các chế độ chính sách, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ.

Thời gian qua, CĐ các công ty tại Lào thường xuyên phối hợp với chuyên môn xây dựng kế hoạch SXKD, triển khai thực hiện các giải pháp tổ chức sản xuất, đảm bảo đủ việc làm, nâng cao đời sống NLĐ. Song song đó, CĐ thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương, già làng trưởng bản làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cho NLĐ bản địa nắm rõ quy trình để thực hiện, nhằm đảm bảo chất lượng mủ nước thu về đạt chất lượng cao. Thường xuyên vận động công nhân cạo đúng giờ, không bỏ ngày cạo để đảm bảo thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho NLĐ yên tâm công tác, gắn bó lâu dài với đơn vị.

CĐ Công ty CPCS Việt Lào hiện có 6 tổ CĐ, với tổng số lao động là 2.600 người (trong đó, có 2.250 là người Lào và 350 là người Việt Nam). Công ty đang quản lý diện tích gần 10.033 ha trải dài trên 2 huyện Sanasumbun và Bachiang của tỉnh Champasak, sản lượng hàng năm khai thác gần 18.000 tấn, sản lượng chế biến gần 20.000 tấn/năm, tiêu thụ bình quân hàng năm trên 19.000 tấn và 8 năm liền nằm trong câu lạc bộ 2 tấn của VRG.

Ông Ngô Quyền – TGĐ Công ty CPCS Việt Lào, nhận định: “CĐ góp phần lớn trong thành công chung của công ty. Ban lãnh đạo công ty luôn quan tâm tạo điều kiện cho CĐ hoạt động hiệu quả, thực sự là chỗ dựa tin cậy của NLĐ. CĐ thường xuyên phối hợp với ban lãnh đạo công ty thực hiện nghiêm quy chế dân chủ ở cơ sở, đảm bảo quyền lợi cho công đoàn viên. Qua đó, NLĐ được biết, được bàn, được tham gia vào kế hoạch SXKD, xây dựng thang bảng lương, quy chế khen thưởng, quy chế chi tiêu nội bộ, sử dụng quỹ phúc lợi… Nhờ vậy, nhiều năm qua, hiệu quả SXKD ổn định, mức thu nhập cải thiện, đời sống của NLĐ được nâng cao và phát triển”.

Ở Công ty CPCS Quasa – Geruco, CĐ cũng luôn đồng hành cùng công ty chủ động thực hiện nhiều biện pháp quản lý điều hành SXKD, triệt để thực hành tiết kiệm. Bên cạnh đó, CĐ đã ban hành các chính sách về lao động, việc làm và được triển khai kịp thời, quyền lợi của NLĐ luôn được quan tâm và đảm bảo.

“CĐ chú trọng đẩy mạnh phát động các phong trào thi đua, để kịp thời khen thưởng động viên các cá nhân và tập thể điển hình, tiên tiến và nhân rộng, tạo khí thế thi đua sôi nổi gắn nhiệm vụ SXKD. Các phong trào diễn ra sôi nổi hàng năm, như: “Thi đua lao động sáng tạo, Luyện tay nghề – Thi thợ giỏi”, “Thi đua phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, thực hành tiết kiệm, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong SXKD…”, các phong trào thi đua đã khơi dậy tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm, cùng nhau thực hiện thắng lợi nhiệm vụ giao” – ông Hồ Đức Lập – Chủ tịch CĐ Công ty CPCS Quasa – Geruco, cho biết.

Với sự quyết tâm, đoàn kết một lòng của toàn thể NLĐ, CĐ Cao su Quasa – Geruco đã đồng hành cùng với chính quyền góp phần tích cực để hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch được giao. Đảm bảo đời sống, chế độ chính sách, thu nhập bình quân của NLĐ trong công ty năm sau luôn cao hơn năm trước. Cụ thể, năm 2017 trên 4 triệu đồng/người/tháng, đến năm 2022 trên 6,5 triệu đồng/người/tháng, các chế độ chính sách cho NLĐ đảm bảo theo luật định.

Trong bối cảnh hiện nay, tình hình lạm phát tại Lào chưa giảm, kinh tế gặp nhiều khó khăn như: giá vật tư, nguyên, nhiên liệu tăng, tỷ giá tiền kíp Lào giảm so với các đồng ngoại tệ khác nên lao động có xu hướng qua Thái Lan làm việc. Mặc dù có nhiều khó khăn tác động, như nhờ sự tích cực tuyên truyền, vận động của CĐ, tập thể NLĐ các công ty cao su giữ vững tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, vượt qua thách thức để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Xây dựng nhiều công trình phúc lợi phục vụ cho cộng đồng dân cư

Sau 16 năm triển khai dự án tại Campuchia, VRG hiện có 16 đơn vị đang quản lý hơn 88.348 ha cao su, với 17.186 lao động (trong đó, lao động bản địa là 15.906 người, lao động người Việt Nam là 1.280 người). Tính đến nay, các công ty đã đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng và an sinh xã hội với tổng giá trị hơn 60 triệu USD, gồm: trên 1.200 km đường giao thông phục vụ dân sinh trị giá hơn 20 triệu USD. Hệ thống điện, hơn 1.000 giếng nước sạch trị giá 6 triệu USD. Trạm y tế trên 5.000 m²; trường học trên 5.000 m²; nhà ở tập thể cho công nhân 120.000 m², trị giá 17 triệu USD. Các công trình tôn giáo trị giá hơn 1 triệu USD. Các công ty còn tham gia ủng hộ địa phương các hoạt động chính trị, xã hội, y tế, giáo dục hơn 6 triệu USD…

Với mong muốn làm những gì tốt nhất cho NLĐ, để họ có thể thụ hưởng những chế độ chính sách của dự án phát triển cao su mang lại, ngày 5/5/2020, Công ty CPCS Đồng Nai Kratie khai trương “siêu thị mini” cung cấp lương thực thực phẩm và cây xăng trong niềm vui hân hoan, phấn khởi của tập thể NLĐ công ty và người dân. Đây là cửa hàng cung cấp nhu yếu phẩm đầu tiên trong vùng dự án có đầy đủ các mặt hàng bà con cần. “Cửa hàng có diện tích rộng 300 m² được xây dựng khang trang tại NT 2. Trước đây, NLĐ và người dân trong vùng dự án muốn mua nhu yếu phẩm phải di chuyển khá xa 60 – 120 km đến các chợ trung tâm với điều kiện đi lại còn nhiều khó khăn. Chính vì vậy, cửa hàng cung cấp đầy đủ các mặt hàng thiết yếu là lương thực thực phẩm rất đa dạng, chất lượng đảm bảo, giá cả rẻ hơn so với mặt bằng giá chung ngoài thị trường. NLĐ có thể mua hàng bằng thẻ công ty cấp phát, sau đó trừ vào tiền lương hàng tháng hoặc có thể mua bằng tiền mặt” – ông Lê Văn Lâm – TGĐ Cao su Đồng Nai Kratie, chia sẻ.

Với người Campuchia, sinh hoạt tôn giáo không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Thấu hiểu điều đó, CĐ các công ty đã phối hợp với chính quyền đầu tư xây dựng nhiều ngôi chùa trong các khu vực dự án. 3 công ty Bà Rịa, Tân Biên, Phước Hòa Kampong Thom đã cùng đóng góp 180.000 USD xây dựng ngôi chùa Senseray Mean Kom Odom. Ngoài ngôi chùa này, Bà Rịa Kampong Thom còn xây dựng một ngôi chùa riêng trong khu vực dự án của công ty để phục vụ nhu cầu sinh hoạt tôn giáo cho công nhân. Chư Sê Kampong Thom cũng chi trên 200.000 USD để xây dựng một ngôi chùa lớn ngay tại địa bàn trú đóng…

Vào ngày Tết cổ truyền Campuchia, ngày lễ Pchum Ben… CĐ các công ty tổ chức Lễ, Tết tại chỗ cho công nhân không về nhà, đồng thời hỗ trợ chi phí cho công nhân về quê ăn Tết. Các công ty thường xuyên tổ chức đối thoại định kỳ với NLĐ tại chùa (nhà sinh hoạt cộng đồng) nhằm mục đích chia sẻ, tháo gỡ những vấn đề khó khăn vướng mắc của NLĐ trong quá trình làm việc.

Có đường sá đi lại dễ dàng, có nơi ở kiên cố, có điện nước sinh hoạt, có trạm xá khám chữa bệnh miễn phí, có trường học và có cả chùa phục vụ đời sống tâm linh, hơn 22.500 lao động tại Lào và Campuchia đang yên tâm gắn bó với công việc, với cuộc sống ấm no dưới màu xanh cao su.

PHƯƠNG UYÊN