Thời gian qua, Đắk Nông được biết đến là một trong những địa phương phát triển “nóng” cao su, nhất là việc người dân trồng trên diện tích đất không phù hợp thổ nhưỡng dẫn đến cây không có mủ. Trước tình hình này, Sở NN&PTNT tỉnh đã đưa ra các biện pháp khuyến cáo người dân không phát triển ngoài quy hoạch, cũng như giải pháp giúp cây cao su phát triển ổn định, lâu dài.
Phát triển tự phát làm hiệu quả không cao
Theo Quyết định số 454/QĐ-UBND ngày 13/4/2012 tỉnh Đắk Nông, tổng diện tích quy hoạch cao su trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đến năm 2015 là 32.023 ha và định hướng đến 2020 là 36.295 ha. Tuy nhiên đến hết năm 2013, diện tích cao su toàn tỉnh đã là 31.739 ha.
Nhìn chung, diện tích cao su đã trồng sinh trưởng, phát triển bình thường. Tuy nhiên cũng có một số diện tích do người dân phát triển tự phát không theo quy hoạch, trồng cao su trên đất không đảm bảo điều kiện thổ nhưỡng như trồng ở độ cao so với mực nước biển trên 700m, độ dốc trên 30 độ, tầng canh tác mỏng thấp hơn 70 cm, dẫn đến cây cao su sinh trưởng, phát triển còi cọc và gần như không cho thu hoạch.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông, việc phát triển cao su trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn như phần lớn diện tích đất quy hoạch trồng cao su trong các dự án được phê duyệt là đất xâm canh. Một số chủ dự án giải quyết việc đền bù cho các hộ dân xâm canh chưa triệt để, gây khó khăn cho việc triển khai dự án, ảnh hưởng đến sự phát triển diện tích cao su.
Đặc biệt là trình độ canh tác của nông dân chưa cao dẫn đến việc thâm canh cây cao su còn nhiều hạn chế, các biện pháp kỹ thuật trồng và chăm sóc chưa được quan tâm đúng mức như xử lý sâu bệnh hại chưa đúng, khai thác mủ chưa đúng kỹ thuật…, làm giảm chất lượng vườn cây.
Do giá mủ cao su thời gian gần đây xuống thấp, không hiệu quả kinh tế bằng một số cây trồng khác nên nông dân chặt để trồng cây công nghiệp khác như tiêu, cà phê… có hiệu quả kinh tế cao hơn. Ngoài ra một số vườn cây lâu năm do trồng giống thực sinh không đảm bảo, lượng mủ thấp và một số diện tích gần nguồn nước tưới nên nông dân đã chặt bỏ trồng các loại cây hoa màu khác.
Cũng theo Sở NN&PTNT tỉnh, trước đây một số vườn cà phê được trồng xen cao su đến nay cà phê đã lớn nên nông dân chặt đốn cây cao su để tạo điều kiện cho cây cà phê phát triển. Một số hộ khác còn chặt cành cao su, sử dụng thân cây cho hồ tiêu leo bám, hoặc làm trụ để trồng chanh dây…
Thay đổi giống mới, áp dụng quy trình chăm sóc tiến bộ
Trước thực trạng trên, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các địa phương triển khai công tác tuyên truyền, khuyến cáo người dân không chạy theo thị trường, yên tâm chăm sóc cây cao su, ổn định diện tích đã có. Đối với một số vườn cao su kinh doanh đã hết chu kỳ khai thác, năng suất mủ thấp và một số diện tích trồng bằng cây thực sinh, giống cũ, trên địa điểm có điều kiện không phù hợp cho cây cao su sinh trưởng thì có thể chặt bỏ trồng lại cây khác. Tuy nhiên tuyệt đối không chặt cao su tại những vườn đã trồng bằng giống mới, sinh trưởng phát triển tốt, những vườn đang cho mủ cao.
Để tạo điều kiện cho cao su phát triển lâu dài trên địa bàn tỉnh, Sở NN&PTNT tỉnh kiến nghị có chính sách phù hợp về đất đai, vốn đầu tư, bảo hiểm cây trồng. Có chính sách hỗ trợ vốn, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư vào sản xuất.
Ngoài ra, hằng năm cần tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc, thu hoạch cao su đến từng xã, huyện để nâng cao trình độ canh tác cho nông dân. Tuyển chọn từ VRG các giống cao su phù hợp từng vùng sinh thái, năng suất mủ cao, thời gian KTCB ngắn.
Bên cạnh đó cần áp dụng tiến bộ KHKT, xây dựng quy trình chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh cho cao su nhằm tiết kiệm chi phí đầu tư. Song song đó là xây dựng các nhà máy từ sơ chế đến chế biến tinh tại từng vùng, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân.
Trong tình hình khó khăn của người trồng cao su như hiện nay, Đắk Nông cũng kiến nghị Chính phủ bố trí gói tín dụng ưu đãi để hỗ trợ cho người sản xuất, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cao su để giảm khó khăn. Hỗ trợ lãi suất thấp, thời hạn vay dài để người nông dân yên tâm sản xuất. Tạo điều kiện để doanh nghiệp, nông hộ dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, hướng dẫn doanh nghiệp tìm kiếm thị trường tiêu thụ mới cho sản phẩm cao su.
Thanh Ngọc
Related posts:
- Dự án PlasCO2: Biến khí nhà kính thành nguyên liệu thô
- Cảnh báo bệnh hại mặt cạo cao su mùa mưa
- Giảm suất đầu tư nông nghiệp: Cần đẩy mạnh cơ giới hóa
- Tái canh, trồng mới: Không chạy theo diện tích
- Cao su Chư Mom Ray đưa hơn 1.000 ha vào cạo mới
- Công nghệ mới làm tăng khả năng chống nứt cao su
- "Ngành nông nghiệp thắng lớn"
- Doanh nghiệp cao su Thái Lan giới thiệu “Cao su tự nhiên có thể truy xuất nguồn gốc (GPS)”
- Cao su thiên nhiên góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu
- Cảnh báo bệnh nấm hồng gây hại cao su