CSVN – Trong số báo 487, Tạp chí Cao su VN có bài viết nêu những băn khoăn của một số công ty trên địa bàn Tây Nguyên về trồng xen cao su lấy gỗ – mủ. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Tạp chí Cao su VN đã phỏng vấn ông Phan Thành Dũng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cao su VN (RRIV).
Thưa ông, giống cao su lấy gỗ – mủ được RRIV nghiên cứu từ khi nào và triển vọng ra sao?
Ông Phan Thành Dũng: Gần đây, việc tạo tuyển giống cao su ngoài mủ còn có gỗ, do nhu cầu gia tăng làm nguồn nguyên liệu trong sản xuất hàng gia dụng. Ngoài giá trị về mủ, giá trị của cây cao su còn được nâng lên từ nguồn gỗ. Vài năm gần đây, giá mủ cao su ở mức thấp, việc sử dụng gỗ cao su trong sản xuất sản phẩm các loại đang được đẩy mạnh mang lại hiệu quả kinh tế cao, đây cũng là ngành kinh doanh chính của VRG được Chính phủ phê duyệt.
Hiện nay, Chính phủ đã đóng cửa rừng tự nhiên, một số nước cũng ngưng xuất khẩu gỗ cao su chưa qua sơ chế, cũng như nhu cầu nguyên liệu ngày càng tăng trong sản xuất sản phẩm khác như giấy… Vì vậy, sẽ có khả năng thiếu nguồn nguyên liệu gỗ cho các nhà máy sản xuất trong nước trong đó có VRG. Trước những vấn đề trên, RRIV đã có nghiên cứu và đưa ra khuyến cáo một số giống cao su có trữ lượng gỗ cao để các công ty trồng.
Các nghiên cứu về giống cao su lấy gỗ – mủ đã được RRIV tiến hành từ năm 1982. Trong cơ cấu bộ giống cao su giai đoạn 2016 – 2020 do VRG ban hành từ năm 2015 có một số giống cao su này, cụ thể là 2 giống RO 20/100 và RO 25/254.
Những giống cao su gỗ – mủ này có nguồn gốc từ Brazil được di nhập vào nước ta năm 1984 thông qua chương trình hợp tác quốc tế với IRRDB (Hiệp hội Nghiên cứu và Phát triển Cao su Quốc tế) , mà RRIV là thành viên. Sau thời gian khảo nghiệm, một số giống mang tên RO (được sưu tập tại bang Rondonia, Brazil) sinh trưởng rất khỏe với trữ lượng gỗ có thể đạt 0,3 – 0,5 m3 gỗ lóng sau 12 năm trồng ở mật độ sản xuất.
Xin ông cho biết đặc tính về các giống cao su lấy gỗ – mủ mà RRIV nghiên cứu, ông nhận xét về các giống này như thế nào?
Ông Phan Thành Dũng: Giống cao su gỗ – mủ (RO 20/100 và RO 25/254) không có năng suất mủ cao như các giống lấy mủ đang trồng phổ biến hiện nay, năng suất mủ chỉ khoảng 50 – 60%. Nhưng sinh trưởng thì rất khỏe và ít bị các loại sâu bệnh gây hại. Hiện nay, RRIV đang tiếp tục nghiên cứu nhiều giống cao su lấy gỗ – mủ từ các quốc gia và chỉ trồng thử nghiệm ở quy mô nhỏ để theo dõi các chỉ tiêu về nông học, trữ lượng gỗ. RRIV rất mong có sự hỗ trợ và phối hợp với các đơn vị để trồng thử nghiệm tiến tới áp dụng rộng ngoài sản xuất, tùy theo nhu cầu về nguồn nguyên liệu gỗ trong tương lai.
Các giống cao su lấy gỗ hiện được một số thành viên của VRG trồng thử nghiệm, chủ yếu ở Đông Nam bộ, nơi có nhu cầu gỗ nguyên liệu gia tăng. Việc mở rộng tùy thuộc vào yêu cầu của từng đơn vị.
RRIV có khuyến cáo gì đến các đơn vị về giống cao su lấy gỗ – mủ, thưa ông?
Ông Phan Thành Dũng: RRIV đề xuất các đơn vị dành 5 – 10 ha/giống để trồng thử nghiệm trước khi có quyết định mở rộng theo nhu cầu riêng. RRIV sẵn sàng hỗ trợ và cung cấp cây con để trồng trực tiếp hay giống thuần chủng để các đơn vị sử dụng. Kỹ thuật trồng giống cao su gỗ – mủ tương tự như kỹ thuật trồng mới và tái canh hiện nay. Cần lưu ý không trồng mật độ vượt quá 600 cây/ha để thu được lượng gỗ xẻ cao.
Trân trọng cảm ơn ông!
Ngọc Cẩm (thực hiện)
Related posts:
- Cách giữ mủ mùa mưa
- Sẽ có quy trình riêng cho vườn cây Mang Yang
- Nên trang bị ủng đi cạo vào mùa mưa
- Cao su Chư Prông đạt 2 giải thưởng tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật
- Sáng kiến hữu ích trong thiết kế bảng cạo
- Nhu cầu thị trường cao su isoprene ước tính tăng trưởng 8,1% vào năm 2031
- Cơ giới hóa - yếu tố then chốt giúp tăng năng suất, chất lượng vườn cây
- Sản xuất cao su từ cây cúc sa mạc (guayule)
- Bridgestone được tài trợ 35 triệu USD cho sản xuất cao su tự nhiên từ cây cúc cao su (guayule)
- 73 học viên tham gia tập huấn quy trình công nghệ chế biến