Giảm suất đầu tư nông nghiệp: Cần đẩy mạnh cơ giới hóa

CSVN – Vừa qua, lãnh đạo VRG cùng các Ban chuyên môn, Viện Nghiên cứu Cao su VN và Công đoàn CSVN đã trực tiếp làm việc với các đơn vị Tây Nguyên và Campuchia để bàn giải pháp giảm suất đầu tư, nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Theo ông Lại Văn Lâm – Trưởng ban Quản lý Kỹ thuật VRG, các đơn vị khu vực này cần đẩy mạnh cơ giới hóa để giảm chi phí và nhân công.

>> Quyết liệt giảm suất đầu tư, nâng cao hiệu quả sử dụng đất

>> Chủ trương giảm 30% suất đầu tư

Khai hoang trồng mới cao su tại Công ty TNHH MTV CS Chư Mom Ray. Ảnh: Văn Vĩnh
Khai hoang trồng mới cao su tại Công ty TNHH MTV CS Chư Mom Ray. Ảnh: Văn Vĩnh
Các đơn vị Tây Nguyên: Giảm từ 12% – 30% suất đầu tư

Ông Lê Khả Liễm – TGĐ Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum, cho biết: “Sau khi rà soát lại các hạng mục, công ty đã cắt giảm một số hạng mục như giảm chi phí nhân công, giảm bón phân, giảm trồng dặm, tỉa chồi, quét vôi chống nắng, chống cháy, trồng thảm phủ… Sau khi điều chỉnh, chúng tôi giảm được 25% suất đầu tư nông nghiệp. Tức là giảm suất đầu tư từ 125 triệu xuống còn 93,75 triệu/ha. Nếu Tập đoàn vẫn quyết liệt giảm 30% suất đầu tư nông nghiệp thì đơn vị chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát lại các hạng mục để cắt giảm”.

Cũng như đơn vị Kon Tum, sau khi rà soát các hạng mục, TGĐ công ty CP Cao su Sa Thầy Đỗ Thành Nam, cho biết: “Công ty đã quyết liệt giảm suất đầu tư nông nghiệp, kết quả sau khi rà soát các hạng mục, đơn vị chúng tôi giảm suất đầu tư nông nghiệp từ 125 triệu xuống còn 92 triệu/ha, tức giảm được 26,4%”.

Ông Lê Đức Tánh – TGĐ Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh, cho biết: “Đơn vị chúng tôi nằm trên địa bàn khó khăn, người dân tộc thiểu số trên 60%. Chúng tôi đã rà soát kỹ các hạng mục, nhưng hiện tại chỉ có thể giảm 17% suất đầu tư nông nghiệp”.

Cũng giống như đơn vị Chư Păh, ông Lê Đình Bửu – TGĐ Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang cho biết chỉ giảm được 12% suất đầu tư nông nghiệp trong năm 2015. Công ty TNHH MTV Cao su Chư Sê thì cho biết chỉ giảm được 15%. Công ty TNHH MTV Cao su Ea Hleo giảm được 14%. Công ty TNHH MTV Cao su Krông Buk được 17%.

Tuy nhiên, mặc dù cùng đóng ở địa bàn khó khăn, nhưng ông Phan Sỹ Bình – TGĐ Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông, cho biết: “Trong năm 2015, công ty giảm 30% suất đầu tư nông nghiệp và giảm giá thành xuống còn 24 triệu đồng/tấn sản phẩm”.

Thực hiện tốt phun phòng phấn trắng, giảm trồng dặm

Cũng với nội dung này, sau khi tính toán sơ bộ, các đơn vị tại Campuchia đã cắt giảm suất đầu tư nông nghiệp trong năm 2015. Cụ thể như sau: Công ty phát triển cao su C.R.C.K giảm 30%. Công ty CP Cao su Chư Sê – Kampongthom giảm 25%. Các đơn vị giảm 28% là Phước Hòa – Kampongthom, Đồng Phú – Kratie, Chư Prông – Stung Treng.

Vận chuyển cây giống trồng mới tại Công ty Chư Păh Kampong Thom. Ảnh: Văn Vĩnh
Vận chuyển cây giống trồng mới tại Công ty Chư Păh Kampong Thom. Ảnh: Văn Vĩnh

Đánh giá về các giải pháp giảm suất đầu tư nông nghiệp, Trưởng Ban Quản lý Kỹ thuật VRG Lại Văn Lâm đưa ra một số giải pháp, như sau: các công ty khu vực Tây Nguyên và Campuchia vẫn chưa triệt để thực hiện cơ giới hóa, cần đẩy mạnh cơ giới hóa để giảm chi phí nhân công. Quản lý tốt phun và phòng bệnh phấn trắng. Như trường hợp 40% diện tích vườn cây của đơn vị Ea Hleo bị bệnh phấn trắng do không phòng bệnh tốt, nên tốn một khoản chi phí trị bệnh khá lớn. Ngoài ra các đơn vị phải trồng thật tốt để giảm trồng dặm.

TGĐ VRG Trần Ngọc Thuận đã biểu dương Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông về giảm được 30% suất đầu tư và yêu cầu các đơn vị tiếp tục rà soát và cắt giảm các hạng mục không cần thiết, sử dụng cơ giới hóa tối đa nhằm giảm nhân công, giảm chi phí đầu tư. Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh các công ty không được cắt giảm chi phí dự phòng (10%). Các đơn vị chủ động triển khai làm sao để các cấp lĩnh hội hết chủ trương, để cả hệ thống cùng thực hiện đồng bộ.

[stextbox id=”stb_style_259398″ caption=”Các đơn vị Duyên hải miền Trung: Suất đầu tư nông nghiệp dưới 80 triệu đồng/ha”]

Tại buổi làm việc với các công ty khu vực Duyên hải miền Trung về giảm suất đầu tư nông nghiệp, vào ngày 7/5 tại Công ty TNHH MTV CS Quảng Trị, TGĐ Trần Ngọc Thuận đã biểu dương và đánh giá cao các công ty khu vực này mặc dù đặc thù có nhiều khó khăn nhưng đã có quyết tâm cao trong việc thực hiện chủ trương tiết giảm suất đầu tư của VRG.

Trên tinh thần chỉ đạo của Tập đoàn là tổng suất đầu tư của khu vực Duyên hải miền Trung dưới 110 triệu đồng và suất đầu tư nông nghiệp dưới 80 triệu đồng, các công ty phải hoàn chỉnh dự toán chi tiết tái canh trồng mới năm 2015 gửi về VRG để thống nhất ban hành trong tháng 6/2015.

Về nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, chủ trương của VRG khuyến khích các công ty tùy vào điều kiện cụ thể có phương án trồng xen để nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Tuy nhiên khi triển khai thực hiện phải có chủ trương đồng ý của VRG, đồng thời các dự án trồng xen phải là dự án độc lập và không sử dụng vốn của Nhà nước. Đối với các vùng đất không phù hợp trồng cao su các đơn vị có văn bản trình Tập đoàn xin chủ trương cho chuyển trồng cây khác có hiệu quả hơn. Mặt khác các công ty cũng phải hoàn chỉnh thủ tục pháp lý về đất đai.

Trương Công Tâm

[/stextbox]
Đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp: Nên lấy ý kiến từ cơ sở

Tại các buổi làm việc, TGĐ Trần Ngọc Thuận nhấn mạnh: “Trong tình hình này các đơn vị phải thay đổi tư duy về đầu tư, suất đầu tư. Tùy tình hình thực tế, các đơn vị tự đề xuất xây dựng mô hình để nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Việc thực hiện dự án trồng cây gì, nuôi con gì thì các đơn vị phải chủ động tự huy động vốn để thực hiện. Nhưng tuyệt đối các dự án trồng xen không được làm ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây cao su. Đặc biệt các đơn vị nên lấy ý kiến cụ thể từ cơ sở, vì chính cơ sở sâu sát thực tế sẽ đưa ra nhiều giải pháp hay”.

Các đơn vị thành viên, ngay khi có chủ trương của VRG, đã đánh giá tình hình thực tế, xây dựng phương án riêng cho đơn vị mình. Cụ thể Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang dự kiến trồng 5.000 ha cây cà phê và cây mắc ca. Công ty TNHH MTV Cao su Chư Sê trồng 1.500 ha cà phê. Các đơn vị còn lại đều trồng xen cây hoa màu ngắn ngày, như: lúa, đậu, bắp.

Ngọc Cẩm