Một số tồn tại trong công tác trị bệnh nấm hồng trên vườn cây cao su ( kỳ 3)

(tiếp theo kỳ trước)

Kỳ 2

Giải pháp, kinh nghiệm trong công tác tổ chức quản lý bệnh
Điều kiện cần
  • Thành lập tổ BVTV chuyên trách tại các nông trường, duy trì số lượng tương đối ổn định phù hợp với diện tích vườn cây cần trị bệnh hàng năm;
  • Thường xuyên tập huấn nâng cao tay nghề cho các thành viên tổ BVTV để đảm bảo yêu cầu kỹ thuật;
  • Xây dựng mức trả lương xứng đáng cho công nhân tổ BVTV chuyên trách;
  • Xây dựng quy chế gắn kết trách nhiệm của hệ thống quản lý kỹ thuật tại nông trường (Giám đốc, phó giám đốc kỹ thuật, nhân viên kỹ thuật, công nhân trực tiếp phun trị bệnh);
Tổ chức thực hiện

Trị bệnh nấm hồng trên quy mô đại trà thực sự là công việc khó khăn vất vả, kể cả trong điều kiện đầy đủ lao động nếu không tổ chức bài bản, người tham gia trị bệnh không đủ nhiệt tâm thì kết quả trị bệnh vẫn ở mức thấp. Vì vậy, trong bối cảnh thiếu hụt lao động rất cần sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, cùng với việc tổ chức chặt chẽ, sự tham gia nhiệt tâm, có trách nhiệm của tất cả các thành viên trong hệ thống kỹ thuật thì mới có thể đạt hiệu quả cao.

Trách nhiệm của lãnh đạo nông trường:

(1) Chủ động xây dựng kế hoạch phun trị, thời điểm bắt đầu tổ chức phun trị và linh động sắp xếp lao động phun trị hợp lý; (2) Phân công cán bộ chuyên trách BVTV theo dõi thường xuyên tình hình bệnh, sắp xếp vườn cây phun trị phù hợp; (3) Chịu trách nhiệm chính về kết quả trị bệnh không đạt (ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây cao su, mật độ của vườn cây).

Cán bộ phụ trách BVTV của nông trường:

  • Thường xuyên theo dõi diễn biến bệnh trên vườn cây, biết nhận định và đánh giá mức độ bệnh;
  • Có trách nhiệm phân nhóm vườn cây, trực tiếp tổ chức triển khai cụ thể kế hoạch, bố trí, sắp xếp cho các nhóm phun trị bệnh, thường xuyên cập nhật tiến độ phun trị, báo cáo định kỳ cho cấp trên;
  • Giám sát, đôn đốc, hướng dẫn, nhắc nhở các tổ nhóm BVTV phun trị bệnh đúng kỹ thuật.

Công nhân chuyên trách BVTV: (1) Có đủ sức khỏe và kỹ năng phun trị bệnh; (2) Có trách nhiệm trực tiếp đảm bảo kỹ thuật phun thuốc trị bệnh.

Phương pháp phun trị “bán cơ giới”: Phù hợp với mùa cao điểm bệnh, áp lực bệnh nặng, những vườn cây có tỷ lệ bệnh > 20% địa hình thuận lợi cho máy kéo di chuyển. Tùy theo áp lực bệnh, tình hình lao động và điều kiện của nông trường để tổ chức thực hiện: (1) Bố trí 2 công nhân có sức khỏe tốt cầm cần phun có vòi nối dài khoảng 7 – 8 m để thực hiện phun trị; (2) Yêu cầu phải có 1 công nhân định vị cây bệnh trước khi phun trị, việc định vị để xác định vị trí cây bệnh cũng như giảm áp lực công việc cho 2 công nhân thực hiện phun trị.

Phương pháp trị thủ công: Phân theo nhóm, mỗi nhóm gồm 4 – 5 công nhân, trong đó có 1 nhóm trưởng. Công nhân đi phun trị phải đánh dấu vị trí cây nhiễm bệnh, ghi rõ ngày phun trị cây để thuận tiện cho những đợt phun tiếp theo. Nhiệm vụ của nhóm trưởng: (1) Nhận hóa chất cung cấp kịp thời cho nhóm; (2) Ghi chép lại cây phun trị của nhóm;

(3) Giám sát, đôn đốc, nhắc nhở các thành viên phun trị bệnh đúng kỹ thuật; (4) Báo cáo cây phun trị cho cán bộ phụ trách BVTV nông trường.

Nghiệm thu cây bệnh: Tiến hành nghiệm thu ở thời điểm 7 – 10 ngày sau phun trị mỗi đợt. Về khối lượng: sai số về số lượng cây bệnh giữa nông trường báo cáo so với kết quả phúc tra của công ty phải < 5%; Về chất lượng: tỷ lệ khỏi bệnh đạt > 96%.

Chế tài (áp dụng với những lỗi chủ quan): (1) Đối với công nhân hoặc nhóm phun thuốc không đạt hiệu quả tốt do yếu tố chủ quan thì không nghiệm thu thanh toán và phải bồi thường tiền thuốc cho nông trường; (2) Đối với tổ trưởng, nhân viên phụ trách BVTV quản lý không tốt dẫn chất lượng hiệu quả kém thì bị kỷ luật hạ mức thi đua; (3) Đối với Nông trường để xảy ra bệnh nặng gây ảnh hưởng đến sinh trưởng và chất lượng vườn cây thì giám đốc nông trường chịu trách nhiệm giải trình trước Tổng Giám đốc công ty; (4) Đơn vị, cá nhân thực hiện tốt theo quy trình, sẽ được biểu dương khen thưởng.

NGUYỄN ĐÔN HIỆU và cộng sự

(Viện Nghiên cứu CSVN)