4 giải pháp căn cơ để cao su phát triển bền vững

CSVN – Tại Hội nghị Phát triển cao su hiệu quả, bền vững đến năm 2030, được tổ chức ngày 6/11 tại TP.HCM, các bên liên quan đã cùng thảo luận và đề  ra 4 giải pháp thiết thực, nhằm tiếp tục phát huy ưu thế của cây cao su đến môi trường và xã hội.
Công nhận gỗ cao su là sản phẩm thứ hai sau mủ cao su sẽ tăng cường vai trò của cây cao su trong phát triển hiệu quả, bền vững. Ảnh: Nguyễn Lương Sáng
Công nhận gỗ cao su là sản phẩm thứ hai sau mủ cao su sẽ tăng cường vai trò của cây cao su trong phát triển hiệu quả, bền vững. Ảnh: Nguyễn Lương Sáng

Giải pháp về chính sách: Tạo khung pháp lý thúc đẩy và khuyến khích các mô hình quản lý rừng cao su bền vững, nông lâm kết hợp, bảo vệ môi trường và hướng đến đạt chứng nhận quốc gia hoặc quốc tế. Công nhận gỗ cao su là sản phẩm thứ hai sau mủ cao su để doanh nghiệp có thể chủ động quản lý, sản xuất theo cơ chế thị trường và tiêu chí quản lý rừng bền vững. Hỗ trợ nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về những mô hình cao su bền vững, đa dạng hóa nguồn thu nhập kết hợp với đa dạng sinh học. Tăng cường chương trình khuyến nông và đào tạo để giúp người trồng cao su tăng hiệu quả kinh tế, đa dạng nguồn thu nhập nhằm ứng phó chủ động trong thời kỳ giá thấp và đáp ứng yêu cầu sản xuất cao su bền vững, có thể truy xuất nguồn gốc.

Giải pháp của tiến bộ khoa học kỹ thuật: Hiện nay, diện tích cao su Việt Nam đã ổn định, không mở rộng trồng mới mà chủ yếu là tái canh những vườn cây  đã già cỗi. Đây là cơ hội để sử dụng các tiến bộ kỹ thuật giúp tăng hiệu quả kinh tế cho chu kỳ tiếp theo. Đặc biệt, những giống mới không chỉ mang lại năng suất cao về mủ, là nguồn nguyên liệu tái tạo được cho nhiều ngành công nghiệp, mà còn có trữ lượng gỗ cao, góp phần phát triển ngành chế biến gỗ của Việt Nam. Sinh khối cao của các giống mủ – gỗ sinh trưởng khỏe còn là một chỉ tiêu quan trọng để cây cao su nâng cao vai trò hấp thu cac-bon và khí nhà kính. Cần triển khai nghiên cứu về khả năng duy trì dinh dưỡng, độ ẩm đất, hấp thu cac-bon, sinh khối của cây cao su so với rừng tự nhiên tại Việt Nam để chứng minh và phát huy vai trò về môi trường của cây cao su trong các mô hình nông lâm kết hợp.

Giải pháp của doanh nghiệp: Xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình phát triển bền vững theo pháp luật quốc gia và các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết. Chuyển dần phương thức độc canh cây cao su sang canh tác nông lâm tổng hợp, đa dạng hóa thu nhập, tăng hiệu quả kinh tế sử dụng đất. Tăng cường đầu tư an sinh xã hội cho cộng đồng địa phương, tuân thủ quy định và thực hiện trách nhiệm về môi trường, xã hội, đảm bảo quyền lợi của NLĐ theo hướng cải tiến liên tục.

Tuân thủ quy định và thực hiện hiệu quả công tác tham vấn cộng đồng để tăng cường quan hệ với các bên liên quan, tạo sự đồng thuận cao và ủng hộ của địa phương đối với các dự án cao su bền vững. Xây dựng các mô hình liên kết, hỗ trợ nông dân cao su tiểu điền tham gia chương trình phát triển cao su bền vững của doanh nghiệp, tạo nguồn cao su bền vững để cung cấp cho thị trường, góp phần xây dựng thương hiệu và uy tín của ngành cao su Việt Nam.

Cần sự hỗ trợ của các tổ chức hỗ trợ phát triển bền vững ngành cao su: Tổ chức hội thảo, tập huấn về phát triển bền vững cho doanh nghiệp và hộ gia đình trong ngành cao su Việt Nam. Khảo sát, đánh giá những thành tựu phát triển bền vững cần phát huy và những mặt tồn tại, hạn chế và đề xuất giải pháp khắc phục phù hợp với điều kiện của ngành. Hợp tác nghiên cứu những khía cạnh mới trong quá trình phát triển bền vững ngành cao su.

Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, để cao su tiếp tục phát huy thế mạnh vốn có, đóng góp tích cực vào môi trường và xã hội cần sự chung tay vào cuộc của các Bộ, ngành, lãnh đạo địa phương. Các giải pháp nếu được áp dụng đồng bộ sẽ tăng cường vai trò của cây cao su trong phát triển hiệu quả, bền vững.

THIÊN HƯƠNG (GHI)