CSVN – Đây là khẳng định của ông Hà Văn Khương – Thành viên HĐQT, Trưởng Ban Quản lý kỹ thuật VRG tại hội nghị đầu bờ khu vực Đông Nam bộ năm 2019 về “Áp dụng cơ giới hóa trong chăm sóc, tổ chức sản xuất trên vườn cây cao su”, vào ngày 27/6, tại NT Bến Củi, Công ty CPCS Tây Ninh.
Công ty CPCS Tây Ninh là đơn vị đăng cai tổ chức, giới thiệu các mô hình áp dụng cơ giới hóa để các đơn vị tìm hiểu, trao đổi.
Phát biểu tại hội nghị, ông Hà Văn Khương – Thành viên HĐQT, Trưởng Ban Quản lý kỹ thuật VRG cho rằng: “Tình trạng chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ đang xảy ra và ngày càng mạnh mẽ hơn. Điều này làm cho các công ty cao su khu vực Đông Nam bộ thiếu hụt lao động. Vì vậy, áp dụng cơ giới hóa trong trồng tái canh, chăm sóc vườn cây là vấn đề quan tâm hàng đầu nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động và tăng năng suất lao động, mang lại hiệu quả cho các đơn vị”.
Công ty CPCS Tây Ninh hiện đang quản lý 7.005 ha cao su. Trong đó diện tích cao su kinh doanh là 3.859,11 ha, KTCB là 2.647,17 ha. Từ năm 2014 đến nay, công ty có kế hoạch trồng tái canh từ 2.500 – 3.000 ha, bình quân 450 – 500 ha/năm.
Diện tích trồng mới khá lớn, giá mủ thấp, khan hiếm lao động. Bên cạnh đó, việc tiết giảm suất đầu tư trồng và chăm sóc cao su tái canh từ 100 triệu đồng còn 56 triệu đồng đòi hỏi công ty phải không ngừng nghiên cứu, cải tiến, mạnh dạn đưa cơ giới hóa vào một số công đoạn trong việc trồng, chăm sóc cao su thay thế lao động thủ công, trên cơ sở vẫn đảm bảo quy trình kỹ thuật của Tập đoàn.
Một số mô hình cơ giới hóa mà công ty đã thực hiện mang lại hiệu quả như: cày ngầm kết hợp lấp hố, tủ gốc chống hạn; máy phun thuốc cỏ; máy bón phân; máy phát cỏ luồng; máy phun bệnh phấn trắng, nấm hồng.
Với Công ty CPCS Tây Ninh, khi áp dụng cơ giới hóa, chi phí cho công tác cày ngầm, tủ gốc để chống hạn cho vườn cây giảm được gần 1,8 triệu đồng/ha so với phương pháp thủ công. Với công tác phun thuốc cỏ, nếu phun bằng máy, năng suất của một máy phun và một người là 20 ha/ngày trong khi phun thủ công chỉ đạt 2 ha/người/ngày. Tương tự, công tác bón phân bằng máy cũng đạt 20 ha/ngày/máy so với bón thủ công là 1 ha/ngày/người…
Nhờ áp dụng cơ giới hóa mà năng suất lao động tăng lên, công việc thuận lợi hơn, công nhân cũng đỡ vất vả hơn, thu nhập cao hơn. Vì vậy, công tác TCTM kịp thời vụ, chất lượng vườn cây đồng đều, khi đưa vào mở cạo đạt năng suất cao hơn. Việc áp dụng cơ giới hóa giúp công ty giảm được áp lực cạnh tranh lao động. Bên cạnh đó, đảm bảo độ đồng nhất giúp vườn cây phát triển đồng đều, đảm bảo tiến độ, chi phí suất đầu tư và giá thành công ty xây dựng trong năm.
ĐÀO PHONG
Related posts:
- Quy trình sản xuất mủ tờ của công ty cao su Lộc Ninh
- Phun thuốc phòng phấn trắng tiết giảm chi phí, hiệu quả cao
- Đánh giá hiệu quả chuyển đổi nhịp cạo D3 sang D4
- Siu Phôn làm “dân vận khéo”
- Giải pháp ứng dụng ghép sớm tăng hiệu quả sản xuất cây giống cao su
- Nuôi ong dú, thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm
- MDF VRG Kiên Giang: Chủ động nguồn nguyên liệu, tín hiệu khả quan
- Nguyễn Hữu Hậu – Cao su Sa Thầy: Tổ trưởng có nhiều sáng kiến hữu ích
- Hậu quả của trồng cao su không đúng kỹ thuật
- Tay nghề giỏi để tăng năng suất