CSVN – Nhắc đến xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang là người ta nghĩ ngay đến làng nghề truyền thống: Nghề dệt chiếu – một thời là niềm tự hào của bà con người dân Tà Niên, từng giúp bao gia đình thoát cảnh đói nghèo, thế nhưng hiện nay nhiều gia đình đành gác khung dệt chuyển sang nghề khác.
Đeo giữ làng nghề truyền thống
Về Vĩnh Hòa Hiệp những ngày cuối năm, bắt gặp sự đổi thay khá rõ nét, từ con đường vào xã, lộ giới được mở rộng, nhà cửa xây khang trang, dọc hai bên đường lúa Đông – Xuân đang thì con gái xanh mướt, rì rào. Nhưng một hình ảnh mà chúng tôi muốn tìm về một làng nghề truyền thống đã có từ những năm 1880 và nổi tiếng một thời: Chiếu Tà Niên – lại rất đỗi hiềm hoi.
Từ ngã ba Tà Niên đến chùa Ông địa, chạy vòng theo con đường nhỏ dọc sông Tà Niên, len lỏi từng hộ nhà dân, chúng tôi tìm gặp bà Lê Thị Sa là thợ dệt chiếu lâu năm trong ấp. Bà cho biết, bà được ngoại và mẹ truyền lại đức tính kiên trì, cần cù của người thợ dệt chiếu, chính vì thế mà bà được tôn là “thợ cả” trong làng.
Theo bà Sa, để dệt nên những chiếc chiếu khít sợi, dày, bền chắc, phối màu hài hòa, người thợ phải thực hiện từng công đoạn tỉ mẩn, công phu. Cây lác sau khi thu hoạch về phải tước bỏ phần ruột và lá, sau đó tước thành 2 đến 3 sợi nhỏ, phơi khô 3 nắng rồi chia làm 2 phần: một phần để nguyên, một phần được nhuộm màu, sau khi nhuộm màu đưa phơi khô thêm một nắng nữa rồi mới đem vào dệt.
Nghề dệt chiếu đã được nhiều hộ ở Tà Niên, trong đó có cả người Khmer, duy trì đến ngày nay. Thế nhưng nhiều gia đình hiện nay không còn xài chiếu nữa vì thế làng nghề cũng dần bị mai một. “Lúc mới thành lập, tổ có gần 50 hộ, đến giờ chỉ còn vài hộ bám víu với nghề, số còn lại đã chuyển sang nghề khác. Mần nghề này không làm giàu, nhưng cũng cho thu nhập quanh năm, đặc biệt là giữ được cái nghề của ông cha để lại”, bà Sa cho hay.
Chuyển nghề, gác khung dệt
Ngoài gia đình bà Sa, ở Tà Niên còn một vài gia đình làm nghề dệt chiếu nhưng dệt cầm chừng, chỉ dệt những manh chiếu nhỏ để bỏ mối như gia đình các bà: Nguyễn Thị Mưng, Lâm Thị Bảy, Đinh Thị Giảng…
Lý giải về việc nhiều hộ bỏ nghề, bà Mưng cho biết, nguyên liệu để dệt chiếu ngày một khan hiếm, nhân công đi cắt lác tận sông Cái Bé lại thiếu, hơn nữa nhiều nghề khác có thu nhập cao hơn nên đám trẻ trong làng chuyển nghề, gác khung dệt. “Những người già và phụ nữ như tụi tui cũng chỉ dệt cầm chừng theo đơn đặt hàng. Ngồi cả ngày mần miết cũng chỉ được vài ba chiếc chiếu, thu nhập chẳng được nhiêu. Thôi dặn lòng cứ duy trì cái nghề những lúc rảnh việc, đặng kiếm chút đỉnh tiêu xài, chứ giờ còn mấy ai hứng thú cái nghề này…”, bà Mưng chỉ vào đồ nghề gồm bộ khung dệt với bàn dập và mấy đôi que để xâu sợi lác, cười buồn.
Rời làng Tà Niên lúc chiều muộn, ráng chiều loang đỏ cả vùng sông nước mênh mang. Dự định mua một vài đôi chiếu về làm quà cho người thân ở phố bị “phá sản”. Trong không gian yên bình, lòng chợt bâng khuâng: “Hòòò …ơơơi! Chiếu Cà Mau nhuộm màu tươi thắm, công tôi cực lắm mưa nắng dãi dầu. Chiếu này tôi chẳng bán đâu, tìm em không gặp, hòòò… ơơơi, tìm em không gặp tôi gối đầu mỗi đêm” (Tình anh bán chiếu – Viễn Châu).
MINH KHÔI
Related posts:
- Binh đoàn 15 khai mạc Hội thi giáo viên mầm non dạy giỏi
- Cây cao su ở Việt Nam dưới góc nhìn Lịch sử - Sinh thái (1897 - 1975)
- Cây cao su ở Việt Nam dưới góc nhìn Lịch sử - Sinh thái (1897 - 1975)
- Tổ chức Cuộc thi ảnh “Ánh sáng từ dòng vàng trắng” lần thứ V
- Sôi nổi chuỗi hoạt động ở Cao su Việt Lào
- Cao su Điện Biên giải nhất Hội thao Khu vực 1– Lai Châu
- Tiếng hát từ "Miền Đông Gian Lao Mà Anh Dũng”
- Ảnh dự thi "Ánh sáng từ dòng vàng trắng" lần thứ V năm 2019
- Nghệ sĩ thời gameshow
- TCT Cao su Đồng Nai đang dẫn đầu điểm số phần thi Tự giới thiệu