CSVN – Chi phí đầu tư thấp, ít hao tốn sức lao động, thời gian thực hiện nhanh và đạt độ đồng đều, đó là những điểm ưu việt của cải tiến máy kéo dây leo thảm phủ Mucuna của anh Nguyễn Văn Bình tại TCT Cao su Đồng Nai.
Cải tiến máy kéo dây leo thảm mủ Mucuna trên cây cao su của anh Nguyễn Văn Bình – Tổ trưởng Cơ xưởng vận tải NT Hàng Gòn, TCT Cao su Đồng Nai và đồng nghiệp trong tổ đã đem lại hiệu quả cao.
Theo anh Bình, trước đây để kéo dây leo thảm phủ trên cây cao su, công nhân thường làm thủ công vì vậy rất tốn công lao động, tiến độ thực hiện chậm, ảnh hưởng đến các công việc khác trên vườn cây. Điều này làm cho đơn vị không chủ động được lao động, nhất là vào mùa cao điểm tập trung cho công tác trồng mới. Nông trường cũng có thể chọn phương án phun thuốc, nhưng với cách làm này, chi phí bỏ ra cao, trong khi không diệt được dây đậu leo quấn cây cao su, phải đi cắt lại. Thêm vào đó, nếu dùng thuốc diệt cỏ, sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe CNLĐ.
“Các lô cao su có trồng thảm phủ Mucuna, dây đậu leo cao, ban lãnh đạo nông trường giao cho Tổ Cơ xưởng vận tải tìm cách để làm sao đỡ tốn thời gian nhưng hiệu quả đem lại tốt nhất. Chính vì vậy, chúng tôi nghiên cứu làm móc kéo dây leo đậu Mucuna. Sau khi đưa vào sử dụng thử nghiệm thì thấy rất hiệu quả.
Trước đây công nhân muốn phát dây leo phải dùng rựa, khi có máy kéo rồi thì công nhân có thời gian để làm những công việc khác như chăm sóc, bón phân, tỉa cành, còn việc kéo dây leo thì tổ chúng tôi đảm nhận. Khi nghiệm thu hiệu quả của cải tiến, Ban lãnh đạo TCT Cao su Đồng Nai đã động viên, khen thưởng 15 triệu đồng, anh em trong tổ phấn khởi lắm”, anh Nguyễn Văn Bình cho biết.
Tổng diện tích có trồng thảm phủ Mucuna tại NT Hàng Gòn là 161,7 ha. Theo tính toán thực tế, dùng máy kéo cỏ đậu thì tổng chi phí chỉ tốn khoảng 120.000 đồng/ha, trong khi đó, nếu làm thủ công thì tốn 4 công/ha, với chi phí 720.000 đồng/ha. Nếu tính cho toàn bộ diện tích của nông trường là 161,7 ha có trồng thảm phủ, thì công lao động là 647 công.
“Thời gian thực hiện rất lâu, ảnh hưởng đến các công việc khác, thêm vào đó chi phí lại rất cao. Nếu chọn phương án phun thuốc thì tốn 195.000 đồng/ha, chi phí nhiều hơn so với dùng máy kéo cải tiến”, anh Bình chia sẻ.
Ước tính 4 tháng sẽ thực hiện kéo dây leo trên cây 1 lần. Nếu áp dụng cơ giới để loại bỏ dây leo thì mỗi năm 3 lần, chi phí bỏ ra chỉ tốn 360.000 đồng/ha/năm, tính ra khoảng 58 triệu đồng/năm cho toàn bộ diện tích 161,7 ha có thảm phủ của đơn vị. So với thực hiện thủ công thì cải tiến này đã tiết kiệm được 291 triệu đồng, còn so với việc phun thuốc tiết kiệm được gần 68 triệu đồng.
Anh Hoàng Đức Hải – Phó Chủ tịch Công đoàn TCT Cao su Đồng Nai cho biết: “Những năm qua phong trào sáng kiến, cải tiến kỹ thuật luôn được CB.CNVC – LĐ hưởng ứng tích cực. Trong toàn TCT đã có nhiều sáng kiến đạt được nhiều giải thưởng các cấp như anh Hoàng Văn Trung – Xí nghiệp cơ khí, chị Lệ Hằng – Phòng quản lý chất lượng. Năm nay, có hai sáng kiến nổi bật là ở NT An Viễng và NT Hàng Gòn.
Đối với cải tiến máy kéo dây leo Mucuna trên cây cao su đem lại hiệu quả thiết thực, lợi gấp 7 lần so với làm thủ công. Cải tiến này rất có ý nghĩa, đặc biệt trong tình hình lao động ngày càng khó khăn, đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, giúp hạ giá thành sản phẩm”.
HÀ KHUÊ
Related posts:
- Tập huấn bảo vệ thực vật tại Campuchia
- Hiệu quả cải tiến trong xử lý pha trộn mủ nguyên liệu
- Tái sử dụng nước thải tiết giảm 1 tỷ đồng/năm
- Xen cây dược liệu trên đất cao su: Cách làm hiệu quả
- Trồng xen - lợi ích kép
- Một số lưu ý về trồng xen tại Tây Nguyên
- Vững bước tiến vào CLB 2 tấn/ha
- Nông trường Cầu Khởi, Cao su Tây Ninh: Tay nghề khá giỏi trên 95%
- Xí nghiệp Chế biến K’Dang cải tiến nâng cao hiệu quả sản xuất
- Chuyện về một Tổ trưởng Tổ cơ giới: "Nghe đất thở, nghe cây lên tiếng"