Năm 2014, khi Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum tròn 30 năm thành lập thì Nông trường Đăk Hring cũng đã có 22 năm xây dựng và trưởng thành. Trong 22 năm đã qua, nông trường đã biến một vùng đất cằn cỗi, bạc màu với nhiều vết tích của chiến tranh trở thành một vùng cao su rộng lớn, bạt ngàn màu xanh hy vọng.
Vượt qua khó khăn
Được thành lập vào năm 1992 với nhiệm vụ phát triển cao su trên địa bàn các huyện Đăk Hà, Đăk Tô, những ngày đầu nông trường đã gặp những khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua, đó là nguồn vốn để phát triển cao su bị cắt, nông trường phải phát triển cao su bằng nguồn vốn 327. Chưa hết, khi những cây cao su đầu tiên vừa đặt xuống vùng đất này đã có nhiều ý kiến rằng vùng đất này không trồng được cao su, nếu có sau này cũng không có mủ. Những khó khăn đó khiến cho nhiều người hoang mang lo lắng.
Tuy nhiên, chỉ một năm sau đó nguồn vốn đã được khai thông, nên chỉ trong 4 năm từ 1995 – 1998 toàn nông trường đã trồng được trên 1.200 ha. Năm 2000 nông trường bắt đầu mở miệng khai thác những cây cao su đầu tiên. Những ngày đầu khai thác tuy sản lượng chưa nhiều, năng suất chưa cao nhưng đó là tất cả sự cố gắng của toàn thể ban lãnh đạo, công nhân và người lao động trong suốt quá trình trồng, chăm sóc.
[cow_johnson general_clear=”none” general_width=”230″ general_bgcolor=”#006400″ general_color=”#ffffff”]Nông trường hiện đang quản lý 1.227,8 ha cao su khai thác, giải quyết việc làm cho 445 lao động, 127 hộ nhận khoán trong đó lao động là dân tộc thiểu số chiếm 14% tổng số lao động được biên chế thành 10 tổ sản xuất của công nhân và 2 tổ của hộ nhận khoán.
Năm 2006 lương bình quân của người công nhân chỉ đạt 1,8 triệu đồng/người/tháng, đến năm 2009 mức lương này được tăng lên trên 2,5 triệu đồng/người/ tháng và năm 2013 con số này đã tăng đáng kể khi đạt mức bình quân là 6,5 triệu đồng/người/tháng.
[/cow_johnson]Năm 2007, Nông trường Đăk Hring hoàn tất việc đưa những diện tích cuối cùng vào khai thác. Năng suất thời kỳ này cũng chưa cao, nhưng cũng là nông trường hàng đầu về sản lượng của công ty với việc khai thác trên 1.417 tấn. Từ năm 2008 trở về sau, nông trường tập trung vào việc thâm canh năng suất cho vườn cây bằng việc chú trọng đến tay nghề đội ngũ công nhân, thường xuyên rà soát để có phương án nâng cao tay nghề công nhân yếu. Bên cạnh đó, nông trường cũng áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào vườn cây. Cùng với người công nhân, hộ nhận khoán tích cực bón phân, phun thuốc… nhất là thực hiện nghiệm ngặt chế độ cạo theo đúng quy trình đã ban hành. Nhờ vậy năng suất của vườn cây được cải thiện từ dưới 1 tấn/ha năm 2005 đã tăng lên trên 1,2 tấn/ ha vào năm 2008. Đặc biệt là sản lượng đã có sự tăng trưởng mạnh khi khai thác được gần 1.800 tấn, đạt 114,3% kế hoạch giao. Đây là năm mà 100% tổ sản xuất của nông trường đều vượt sản lượng, trong đó có những tổ hoàn thành chỉ tiêu giao trước thời hạn 30 ngày.
Quyết tâm lọt vào tốp đầu về năng suất
Với quyết tâm lọt vào tốp đầu về năng suất, sản lượng của công ty, ban lãnh đạo nông trường đã cùng với người công nhân nỗ lực hết mình. Phương pháp quản lý khoa học đã được người công nhân cũng như hộ nhận khoán ủng hộ và thực hiện một cách nghiêm túc, hiệu quả. Do đó, chỉ trong 4 năm nông trường đã đưa năng suất vườn cây từ 1,2 tấn/ha năm 2008 lên 1,93 tấn/ha vào năm 2012 để trở thành nông trường thứ 2 của công ty và là đơn vị thứ 3 của khu vực Tây Nguyên, nối tiếp gia nhập vào câu lạc bộ 2 tấn/ha của VRG. Bước sang năm 2013, nông trường tiếp tục khẳng định sự tăng trưởng vượt bậc, vững chắc khi năng suất bình quân toàn đơn vị tăng đến 3 tạ/ha để đạt 2,253 tấn/ha và trở thành đơn vị có năng suất đứng đầu công ty.
Theo Giám đốc nông trường Vũ Văn Năm thì: “Năm 2014 là năm Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum kỷ niệm 30 năm thành lập, toàn bộ lãnh đạo, công nhân và người lao động quyết tâm phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, khai thác sản lượng vượt từ 3 – 5% kế hoạch công ty giao với sản lượng cao hơn năm 2013”.
Bài, ảnh: Gia Linh
Related posts:
- Phát triển nông nghiệp hữu cơ: Mạnh, nhưng đừng... yểu!
- Trồng xen - lợi ích kép
- Một số lưu ý về trồng xen tại Tây Nguyên
- Chiếc thang vòng của Rmah Timô Thê
- Kinh nghiệm phòng trị bệnh phấn trắng tại Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum
- Thử nghiệm bê tông nhựa đường cao su
- Người bạn lớn của ngành cao su Việt Nam
- Mô hình hay trong phòng, chống dịch Covid - 19
- Xử lý nước thải kết hợp thu hồi khí biogas
- Ứng dụng bảng tính Google sheets trong quản lý sản lượng