“Xã bóng đá” GLAR

CSVN – Ở huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai, khi nhắc đến phong trào TDTT, nhất là bóng đá trong đồng bào dân tộc thiểu số người ta luôn nghĩ đến những người con của xã Glar. Nơi đây, còn từng cung cấp nhiều VĐV có chất lượng để phong trào Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang gặt hái thành tích.
Thanh niên trong làng chơi bóng trên sân cỏ nhân tạo.
Thanh niên trong làng chơi bóng trên sân cỏ nhân tạo.
Đi lên từ đam mê

Theo chân A Yung, một thanh niên của làng Tuơh Ktu thuộc xã Glar để tìm hiểu phong trào TDTT của người dân nơi đây, chúng tôi thật bất ngờ khi được thanh niên trong làng chia sẻ về niềm đam mê bóng đá cũng như những thành tích của xã Glar từ xưa đến nay.

Gặp được anh Rô Ma Sĩ – Tổ trưởng Tổ 2, NT Hòa Bình, Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang ngay tại sân bóng chuyền giữa làng, nhắc đến bóng đá, Sĩ khoe ngay: “Với phong trào TDTT nói chung và bóng đá nói riêng thì trong huyện Đăk Đoa không nơi nào qua mặt được xã Glar, hiện trong làng Tuơh Ktu này có 3 sân bóng chuyền dịch vụ, 5 sân bóng đá của làng. Thanh niên ở đây chơi bóng không kể thời gian, lúc nào rảnh là chơi”.

Tìm đến với già làng Yơt, ông cho hay: “Phong trào bóng đá ở xã Glar này có từ trước giải phóng, thời kỳ mạnh nhất là vào những năm 90 của thế kỷ trước. Khi đó, thanh niên trong làng hầu hết là công nhân cao su. Bản thân già đây, năm nay cũng trên 60 tuổi rồi nhưng chiều nào cũng cùng thanh niên trong làng ra sân chơi bóng”.

Xã Glar hiện có 10 làng, 100% là dân tộc Bana. Theo già làng Yơt thì “Mỗi làng đều có cả 10 đội bóng ở mọi lứa tuổi. Thanh niên trong làng mỗi khi làm về là ra sân chơi ngay, đông vui nhất là vào những ngày trong làng có lễ hội, nhà ai có đám tiệc, người trong làng đến giúp việc xong là chia nhau ra đá bóng. Họ chơi bằng niềm đam mê, không toan tính, có khi cá cược chỉ là vài chai nước nhưng rất hăng say”.

Khó theo chuyên nghiệp vì… nhớ làng

Nếu là người theo dõi thể thao, đặc biệt là bóng đá phủi thì chắc hẳn sẽ nghe nhiều đến thành thích của đội bóng đá trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của tỉnh Gia Lai, nhất là tại giải bóng đá do Báo Công an TP. HCM tổ chức, trong đó nhiều em là thành phần chính xuất thân từ xã Glar. Từ ngày đó, năm nào đội bóng  xã Glar cũng đại diện cho Gia Lai tham dự sân chơi đặc biệt này. Trong khoảng thời gian từ 2004 – 2016, đội bóng luôn vào đến trận chung kết và có tới 8 lần lên bục cao nhất. Không chỉ vậy, các em còn được xuất ngoại để sang thi đấu ở Philippines, Singapore, Thái Lan…

“Bóng đá với bà con chúng tôi như cây với rừng vậy. Mê mệt đến nỗi mỗi khi đi giao lưu, chúng tôi bỏ cả công việc. Đi cả ngày đường mà không hề mệt mỏi gì cả, cứ nghĩ được đá bóng là vui rồi. Không chỉ đá cho vui mà đội bóng của xã Glar còn đá đâu thắng đó. Năm 1984-1985, đội bóng tham gia vào Công ty Cao su Mang Yang đoạt giải nhất tỉnh và đại diện cho Gia Lai tham dự giải hạng B toàn quốc”, già làng Yơt nhớ lại.

Nhiều cầu thủ trong làng từng đi đá cho CLB Khánh Hòa, Futsal Thái Sơn Nam ở Tp. HCM hay như cầu thủ Ksor Úc, Rmah Sươ từng khoác áo CLB HAGL…Tuy nhiên điều đáng tiếc là không thể xa làng vì nhớ nhà, có gia đình rồi thì không thể xa vợ con nên bỏ bóng đá về làm rẫy. Nhiều cầu thủ khi trở về làng lại làm công nhân cao su và trở thành những nòng cốt trong phong trào TDTT của NT Hòa Bình, Công ty Mang Yang như Phưnh hay Hlưih…

GIA LINH