CSVN – Theo thực tế tại Xí nghiệp Cơ khí chế biến 30/4, Công ty TNHH MTV CS Bình Long, nếu sản xuất sản phẩm SVR 10 từ nguyên liệu mủ phụ sẽ đầu tư thiết bị hết 825 triệu đồng, trong khi đó lợi nhuận thu về trong năm là 1,230 tỷ đồng.
Sản xuất SVR 10 từ hỗn hợp mủ đông, mủ chén và mủ dây
Trước đây công nghệ chế biến mủ tạp tại Xí nghiệp 30/4 còn nhiều bất cập như: Mủ tờ ủ trên mặt nền xi măng nên thời gian ủ lâu ngày gây nấm mốc độc hại, tờ mủ khô không đồng đều dẫn tới chất lượng mủ thành phẩm không ổn định; Thao tác đưa tờ đi ủ và lấy tờ đưa vào sản xuất thành phẩm hao tốn nhiều công lao động; Xe đẩy tờ là xe tự chế nên rất nặng và kém cơ động làm tăng cường độ lao động của công nhân.
Trong khi đó, những năm gần đây lượng mủ chén và mủ dây của công ty có chất lượng tốt và ổn định. Từ thực tế đó, nhóm tác giả do ông Lê Văn Vui – TGĐ Công ty làm chủ nhiệm đề tài “Giải pháp sản xuất sản phẩm SVR 10 chất lượng cao từ nguyên liệu mủ phụ” đã tiến hành sản xuất thí nghiệm mủ SVR10 từ nguyên liệu hỗn hợp gồm mủ đông, mủ chén và mủ dây.
Sau khi thực hiện một thí nghiệm với tỷ lệ phối trộn khác nhau, thời gian ủ tờ 5 ngày và 7 ngày đã cho thấy tỷ lệ phối trộn mủ đông 45%, mủ chén 45% và mủ dây 10% thì các chỉ tiêu lý hóa đều đạt theo TCVN 3764:2004, sản phẩm có màu sắc tốt hơn. Qua kết quả thí nghiệm và thực tế tỷ lệ nguyên liệu, xí nghiệp đã tiến hành xây dựng quy trình sản xuất mủ SVR10 từ nguyên liệu hỗn hợp.
Chi phí ít, hiệu quả cao
Ông Đoàn Quang Trọng – Phó Giám đốc Xí nghiệp Cơ khí chế biến 30/4, thư ký đề tài cho biết: “Những năm qua, nhờ có quỹ phát triển khoa học công nghệ của công ty, anh em cơ sở rất thuận lợi trong việc thực hiện các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Nhiều đề tài nhận được giải thưởng tại các Hội thi sáng tạo kỹ thuật của thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước và TW. Ưu điểm của quy trình sản xuất mủ SVR 10 từ mủ phụ đã giúp giảm mùi hôi và ô nhiễm môi trường, giảm lượng gas khi xông sấy, vận chuyển tờ mủ đi ủ và đưa trở lại sản xuất dễ dàng.
Đồng thời, ít tốn công lao động, đảm bảo mặt bằng sản xuất nhỏ gọn, mủ mau khô do gió lùa từ dưới chân kệ thông thoáng làm tờ mủ khô đều giảm thời gian ủ và nấm mốc giúp nâng cao chất lượng sản phẩm. Đặc biệt giảm sức lao động, tránh được bệnh nghề nghiệp và độc hại, tăng tính chuyên nghiệp trong sản xuất tại các nhà máy sơ chế cao su thiên nhiên, nâng cao thu nhập cho NLĐ”.
Tổng chi phí xây dựng dây chuyền sản xuất SVR 10 từ mủ phụ hết 825 triệu đồng nhưng lợi ích kinh tế, sức khỏe cho NLĐ, đảm bảo môi trường là rất lớn. Theo tính toán từ thực tế, chênh lệch giá trị sản phẩm SVR 10 so với SVR 20 là 800 ngàn đồng/tấn, tổng giá trị thu được theo chênh lệch SVR 10 và SVR 20 là 1.200 tấn/năm x 400.000 đồng/tấn = 480 triệu đồng.
Chênh lệch giá trị sản phẩm SVR10 so với SVR ngoại lệ là 1,8 triệu đồng/tấn, tổng giá trị thu được theo chênh lệch SVR 10 và ngoại lệ là 300 tấn/năm x 1 triệu đồng/tấn = 300 triệu đồng. Do sử dụng công nghệ để tờ mủ nên có thể chồng lên 4 lớp giúp tiết kiệm 200m² nhà xưởng, tương đương 300 triệu đồng, giảm hai công vận chuyển mủ tờ, giảm 150 triệu đồng. Lợi nhuận thu được trong một năm nếu sản xuất theo hệ thống này là 1 tỷ 230 triệu đồng, thời gian hoàn vốn là 8 tháng.
HÀ KHUÊ
Related posts:
- Sáng kiến trang bị cửa lò xông sấy làm lợi trên 300 triệu đồng/năm
- Sử dụng linh hoạt nguồn nhân lực để phát triển bền vững
- Cạo đèn - Thực tế tại các đơn vị
- Tổ 3 tấn điển hình
- Máy sát khuẩn tự động giúp hạn chế tiếp xúc
- Cao su Lộc Ninh góp phần phát triển kinh tế xã hội vùng biên giới
- Sinh trưởng cao su phụ thuộc vào cây trồng xen
- Cao su Lai Châu vượt khó
- Các công ty cao su Tây Nguyên vượt khó thành công
- Giải pháp kỹ thuật khi áp dụng cạo D4