Các công ty cao su Tây Nguyên vượt khó thành công

CSVN – Theo báo cáo tổng kết  của  các  đơn vị thành viên trên địa bàn Tây Nguyên năm 2019, giá bán cao su trên thị trường vẫn ở mức thấp kéo dài, khí hậu thời tiết cực đoan ngày càng khốc liệt, chi phí vận chuyển cao … Tuy vậy các công ty đã tìm nhiều giải pháp để ổn định sản xuất, đảm bảo đời sống NLĐ.
Công nhân Cao su Kon Tum trên vườn cây khai thác. Ảnh: Văn Vĩnh
Công nhân Cao su Kon Tum trên vườn cây khai thác. Ảnh: Văn Vĩnh
Năng suất vườn cây cao quyết định thu nhập khá

Qua chia sẻ của các anh lãnh đạo công ty cao su ở Tây Nguyên, năm 2019, Tập đoàn đã có chủ trương cơ chế đặc thù cho các công ty, tuy nhiên đó chỉ là những nhân tố khách quan mang tính hỗ trợ, còn chủ yếu các công ty vẫn phải chủ động sáng tạo mạnh dạn trong công tác quản lý, vì tình hình giá thành xấp xỉ giá bán nếu khéo mới có lợi nhuận, nếu tính toán sai thì lỗ là điều hiển nhiên.

Như Cao su Mang Yang, ngay từ đầu năm công ty đã thực hiện quyết liệt các giải pháp tổng hợp, đó là: nâng cao trách nhiệm cán bộ quản lý, tăng chế độ ăn giữa ca cho NLĐ, chăm lo lương thưởng, quà lễ Tết đầy đủ cho NLĐ; tập trung chỉ đạo công tác làm máng che mưa, màng phủ chén nên không bị mất mủ. NLĐ phấn khởi thi đua phấn đấu, năng suất vườn cây tăng 3 tạ/ha so với năm 2018, vượt KH 1.090 tấn, lương của NLĐ cũng cao hơn năm trước 1 triệu/ người/tháng.

Với hơn 8.000 ha cao su thì 80% diện tích có độ cao trên 600m, đòi hỏi công ty cần có một sự chuyển mình lớn nhằm phát huy lợi thế đất đai bằng nhiều giải pháp mạnh mẽ trong tương lai gần, nhưng thành quả của công ty năm 2019 là phép thử thành công bước đầu cho giai đoạn tiếp theo.

NT Iako đứng trên địa bàn 3 xã và 2 huyện, khu vực quản lý khá rộng, nhưng NT đã thực hiện tốt quy chế phối hợp với 3 xã, giúp công ty bảo vệ vườn cây và sản phẩm không bị thất thoát. Với 1.450 ha cao su, trong đó có 804 ha cao su khai thác, NT Iako có 6 tổ khai thác, mỗi tổ 120ha từ 30 – 34 công nhân, toàn NT có 170 công nhân khai thác thì 75% là công nhân người dân tộc. Năm 2019, thực hiện chế độ cạo D4, NT vượt 15% kế hoạch sản lượng, năng suất lao động xấp xỉ 8 tấn, đặc biệt tổ 9, tổ 10 năng suất vườn cây trên 1,8 tấn/ha, năng suất lao động gần 9 tấn/người, thu nhập NLĐ có năng suất cao trên 7 triệu đồng/người/ tháng.

Là đơn vị có địa bàn nằm sát biên giới, xa trung tâm tỉnh lỵ, sau 3 năm đi vào khai thác, Cao su Sa Thầy đã đạt năng suất 1,47 tấn/ha và dự kiến 2020 sẽ đạt 1,7 tấn/ha. Thu nhập bình quân NLĐ đạt 7,2 triệu đồng/người/tháng, năng suất lao động chính là yếu tố quyết định để có thu nhập khá.

Anh Trần Văn Hùng – Giám đốc NT Suối Cát (Cao su Sa Thầy) cho hay, hiện NT có 1.112 ha khai thác, năm 2019 đạt 2.041 tấn, năng suất vườn cây trên 1,8 tấn ha. Đặc biệt vườn cây 2007 đến nay đã đạt 2,4 tấn/ha, ở những vườn cây này năng suất lao động của NLĐ đạt từ 10 – 11 tấn. NT đang thực hiện chế độ cạo D3 để đông tại chén, như vậy công nhân đỡ vất vả, giá thành vận chuyển lại nhẹ hơn. Hiện NT chia phần cây cạo xấp xỉ 700 cây/phần, với 75% công nhân đồng bào dân tộc đều hoàn thành công việc khá tốt, tay nghề ngày càng được nâng cao, nhờ vậy thu nhập bình quân của NT Suối Cát cao nhất công ty, đạt 8,1 triệu/người/tháng. Tiêu biểu như CN Bùi Văn Vi tổ 2, năng suất lao động đạt 12 tấn/năm, thu nhập tháng 11 của anh Vi đạt 11 triệu đồng.

“Về giải pháp quản lý, phải chặt chẽ các khâu, sát vườn cây, sát lao động, công khai dân chủ phương án lương khoán định mức đơn giá rất cụ thể từng vườn cây. Theo đó, đơn giá lương sản phẩm được nhân với sản lượng quy khô và nhân với hệ số kỹ thuật trung bình là 1,0; khá 1,1; giỏi 1,2; xuất sắc 1,3 để khuyến khích nâng cao tay nghề kỹ thuật, sản lượng cao, kỹ thuật cao, thu nhập cao là hợp lý”, anh Hùng cho biết thêm.

Còn anh Nguyễn Sỹ Tuấn – Giám đốc NT 2 (Cao su Chư Mom Ray) thì phấn khởi cho biết, NT có 950 ha khai thác thì năm 2019 đã đạt năng suất 1,75 tấn/ ha, là đơn vị đa số là CN đồng bào dân tộc (75%) vườn cây cạo năm thứ 4 đã đạt 2 tấn ha. Trong 240 CN khai thác thì tay nghề loại A – B đã trên 80%, NT vẫn thực hiện chế độ cạo D3, để đông trong chén tại lô, số cây cạo/phần xấp xỉ 700 cây, lương CN đạt 6,7 triệu/tháng là một cố gắng lớn của công ty.

“Hứa hẹn với đội ngũ cán bộ công nhân của toàn công ty và năng lực quản lý, năng lực vườn cây, năng lực của đội ngũ NLĐ, chắc chắn toàn công ty sẽ đạt được những thành quả mới trong năm 2020 mà lãnh đạo Tập đoàn và địa phương tin tưởng”, anh Tuấn quả quyết.

Năm 2019, Cao su Ea H’leo đã chủ động vượt khó, năng suất vườn cây đạt 1,67 tấn/ha, thu nhập bình quân của NLĐ trên 6,5 triệu đồng/người/tháng. Anh Lê Anh Tuấn – Chủ tịch HĐTV công ty cho biết, do đa số công nhân là đồng bào dân tộc, không ít buôn còn khó khăn trong tìm kiếm việc làm, nên việc thực hiện chuyển sang chế độ cạo D4 thì năng suất lao động sẽ tăng, thu nhập tăng, nhưng một số bà con dân tộc sẽ thiếu việc làm, không thu nhập sẽ ảnh hưởng đời sống của họ, và sẽ ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế xã hội tại địa phương…

Trong các công ty ở Tây Nguyên, Cao su Krông Buk là khó khăn nhất, vì vườn cây chủ yếu là KTCB, lại do có những diện tích khá lớn trong vùng có độ cao trên 700m như vùng Dlieya chủ yếu là cà phê, cũng là khó khăn kép cho công ty khi mấy năm nay giá thị trường cà phê xuống thấp kéo dài.

Từ năm 2020, mỗi năm công ty sẽ đưa 100-300 ha cao su vào khai thác thì mới dần khởi sắc, hiện công ty chỉ có chưa đến 300 ha khai thác, sản lượng cả năm dự kiến xấp xỉ 1.500 tấn (cả thu mua) nên những giải pháp của công ty là mạnh dạn sắp xếp bộ máy tinh gọn hợp lý, sát nhập – giải thể một số đầu mối nhằm tăng hiệu quả quản lý hạ – giảm chi phí giá thành.

Ông Lê Thanh Tú  - Phó TGĐ VRG kiểm tra vườn cây khai thác Cao su Sa Thầy vào năm 2019. Ảnh: Văn Vĩnh
Ông Lê Thanh Tú – Phó TGĐ VRG kiểm tra vườn cây khai thác Cao su Sa Thầy
vào năm 2019.
Ảnh: Văn Vĩnh
Phát huy lợi thế đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất

Năm 2019, các công ty cao su ở Tây Nguyên đã nỗ lực vượt khó thành công trong bối cảnh khó khăn chung của toàn ngành. Mỗi công ty có đặc thù khác nhau nhưng họ đoàn kết, tập trung cao độ thực hiện KH Tập đoàn giao.

Một CN khai thác ở nông trường thuộc Cao su Chư Păh, tự tin khẳng định: “Khó thì có khó thật. Nhưng làm sao khó bằng thời những năm 84 – 85, khi mới bắt đầu đưa cao su lên Tây Nguyên, truyền thống vượt khó của cha ông ngày trước nay lại được thế hệ trẻ tiếp bước, phát huy”.

Anh Võ Toàn Thắng – TGĐ Cao su Chư Prông khẳng định, năm 2019 có nhiều khó khăn nhưng công ty đã vượt qua được, dù năng suất vườn cây chỉ 1,37 tấn ha nhưng vẫn có lãi, thu nhập đời sống NLĐ vẫn ổn định. Tin rằng, vài năm nữa khi vườn cây mới đưa vào khai thác, năng suất vườn cây tăng lên thì thu nhập sẽ khá hơn. Bên cạnh đó, kỳ vọng giá thị trường tích cực, việc phát huy lợi thế đất đai, chẳng những Tây Nguyên sẽ vượt khó mà góp phần cùng Tập đoàn và địa phương ổn định, đó vừa là mục tiêu động lực của công ty, là niềm tin của NLĐ.

Hơn bao giờ hết, là sự đồng lòng vững tin vào lãnh đạo khi đang mở ra các định hướng lớn phát huy lợi thế đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Chắc chắn rằng, chúng ta sẽ có thêm các khu công nghiệp như Nam Pleiku, cao su vẫn sẽ khẳng định vị thế của mình trong lịch sử, cả hiện tại và tương lai.

MINH ANH