Người bạn lớn của ngành cao su Việt Nam

CSVN Xuân – “Thành tựu đạt được của ngành cao su Việt Nam hiện nay, có sự đóng góp, hỗ trợ rất lớn của ngành cao su Malaysia và tiến sĩ Abdul Aziz S.A Kadir”, ông Đỗ Kim Thành – Viện phó Viện Nghiên cứu Cao su VN (RRIV) đánh giá.
Tiến sĩ Abdul Aziz S.A Kadir (bìa phải) cùng ông Đỗ Kim Thành - Viện phó Viện Nghiên cứu Cao su VN đang quan sát Hội thi Thợ giỏi thu hoạch mủ Ngành Cao su VN năm 2014. Ảnh: Tùng Châu
Tiến sĩ Abdul Aziz S.A Kadir (bìa phải) cùng ông Đỗ Kim Thành – Viện phó Viện Nghiên cứu Cao su VN đang quan sát Hội thi Thợ giỏi thu hoạch mủ Ngành Cao su VN năm 2014. Ảnh: Tùng Châu
Gắn bó lâu dài và hỗ trợ ngành cao su VN

Theo ông Đỗ Kim Thành, Chính phủ Malaysia nói chung và cá nhân tiến sĩ Abdul Aziz S.A Kadir có quá trình gắn bó lâu dài và hỗ trợ ngành cao su Việt Nam (VN) rất nhiều. Từ năm 1977, Malaysia đã có chương trình hỗ trợ kỹ thuật, giúp phục hồi ngành cao su VN. Đến năm 1978, đào tạo 6 cán bộ kỹ thuật của Việt Nam.

“Những năm 1984 và 1990, thông qua chương trình của IRRDB, Chính phủ Malaysia tiếp tục chương trình hỗ trợ kỹ thuật cao su cho VN, giao Viện Nghiên cứu Cao su Malaysia (RRIM) thực hiện. Từ đó, chúng ta đã nhận những giống cao su có nguồn gene thu thập từ Nam Mỹ, được lưu trữ trên vườn nhân của RRIM, về làm nguồn lai tạo trong nước. Giai đoạn này, tiến sĩ Abdul Aziz S.A Kadir hỗ trợ ta rất nhiều, nhất là giúp phối hợp triển khai những nghiên cứu trong điều kiện VN”, ông Thành cho hay.

Bên cạnh hỗ trợ về nguồn giống, Chính phủ Malaysia và bản thân tiến sĩ Abdul Aziz còn giúp đỡ, hỗ trợ đào tạo nhiều cán bộ ngành cao su VN. “Trước thế hệ tôi, có nhiều cán bộ ngành cao su được học tập, đào tạo tại Malaysia. Từ năm 1993 đến 1997, có 6 cán bộ của Viện Nghiên cứu Cao su VN được bạn đào tạo đạt trình độ thạc sĩ. Ngoài ra, thông qua các khóa đào tạo ngắn hạn, chương trình thực tập sinh, cán bộ của Viện đã được tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Qua những chuyến thực tế, nâng cao được trình độ cán bộ, đồng thời học tập, nắm bắt những kỹ thuật, công nghệ tiên tiến có liên quan để nghiên cứu, ứng dụng tại VN”, ông Thành nói.

“Abdul Aziz đã có lần thổ lộ với tôi, ông có cảm tình với VN từ khi còn là một thanh niên trẻ. Lúc đó, ông đang học tại Mỹ và chứng kiến người Mỹ biểu tình, phản đối chiến tranh ở VN. Sau này, nhiều lần qua VN, tiếp xúc và cảm nhận người VN rất chân thành, dễ mến và hiếu khách”
Ông Đỗ Kim Thành -Viện phó Viện Nghiên cứu Cao su VN

Cũng theo ông Thành, trong vai trò Tổng Thư ký IRRDB, tiến sĩ AbdulAziz S.A Kadir, đã giúp VN rất nhiều trong quan hệ hợp tác quốc tế. Giúp kết nối, tạo điều kiện thuận lợi cho RRIV và các Viện Nghiên cứu Cao su trên thế giới có mối quan hệ trao đổi, hợp tác hiệu quả và thân thiện hơn.

Trên các diễn đàn quốc tế, tiến sĩ Abdul Aziz nhắc đến VN như một điểm sáng trong ngành cao su thiên nhiên và thường mời đại diện VN phát biểu, giới thiệu những thành tựu đạt được. Thông qua những diễn đàn, vai trò, vị thế của ngành cao su VN ngày càng được nâng lên. Tiến sĩ Abdul Aziz còn hỗ trợ VN tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế, tạo ấn tượng tốt với các nước thành viên. Ngoài ra, với mối quan hệ cá nhân, ông còn liên hệ với các trường đại học tại Malaysia, đào tạo thêm cho Viện 3 tiến sĩ và 3 thạc sĩ, thông qua các chương trình hợp tác. Đây là những cán bộ chủ chốt của RRIV hiện nay.

Có vai trò quan trọng trong trao đổi giống cao su quốc tế

Trao đổi với chúng tôi, tiến sĩ Abdul Aziz S.A Kadir, cho biết hiện nay IRRDB đang đứng ra điều phối và tổ chức thực hiện chương trình trao đổi giống quốc tế. Tại cuộc họp thường niên vào tháng 11/2014 tại Philipines, 15 Viện Nghiên cứu Cao su các nước thành viên IRRDB đã ký vào văn bản đồng ý trao đổi giống. Dự kiến, năm 2015 các nước tiến hành trao đổi giống cho nhau. Có khoảng 52 giống cao su hiện đang được khuyến cáo trong cơ cấu bộ giống cao su tại các nước, được trao đổi.

Tiến sĩ Abdul Aziz S.A Kadir và Chính phủ Malaysia có hỗ trợ rất lớn cho ngành cao su VN, nhất là về nguồn giống. Ảnh: Vũ Phong
Tiến sĩ Abdul Aziz S.A Kadir và Chính phủ Malaysia có hỗ trợ rất lớn cho ngành cao su VN, nhất là về nguồn giống. Ảnh: Vũ Phong

“Tham gia trao đổi giống đa phương, VN và các nước đều có lợi. Bởi cao su là cây công nghiệp lâu năm, đòi hỏi chu kỳ tạo tuyển giống dài từ 20 – 30 năm. Các nước có giống mang ra trao đổi nhau để nhận giống mới, không phải tốn công sức và thời gian nghiên cứu, thử nghiệm. Qua chương trình, các nhà lai tạo giống ở VN có cơ hội làm giàu thêm nguồn gene, nguồn vật liệu lai tạo, phục vụ công tác tạo tuyển. Đồng thời, một số giống có thể vừa làm nguồn gene, vừa khảo nghiệm mà những nước đang khuyến cáo trồng những vùng hạn chế. Đặc biệt, các nước đang mở rộng diện tích trồng mới cây cao su, nhất là ở những vùng tới hạn”, tiến sĩ phân tích.

[stextbox id=”stb_style_259398″ caption=” Hơn 36 năm gắn bó ngành cao su”]Tiến sĩ Abdul Aziz S.A Kadir sinh năm 1938. Ông đã có hơn 36 năm làm việc trong ngành công nghiệp cao su tự nhiên. Abdul Aziz đã từng công tác tại Viện Nghiên cứu Cao su Malaysia, trong đó có 12 năm làm Viện trưởng; hai năm (khoảng năm 1999 – 2000) làm Tổng Cục trưởng Tổng Cục Cao su Malaysia. Năm 2001, ông được bổ nhiệm làm Tổng Thư ký Hiệp hội Nghiên cứu và Phát triển Cao su Quốc tế (IRRDB). Đây là hiệp hội của các Viện Nghiên cứu Cao su đến từ 17 quốc gia sản xuất cao su thiên nhiên trên thế giới. [/stextbox]

Tiến sĩ Abdul Aziz, cho biết thêm, bên cạnh chương trình trao đổi giống quốc tế, IRRDB đang có kế hoạch tổ chức một đợt sưu tập giống cao su hoang dại tại Peru, tạo nguồn giống phát triển cao su ở những vùng phi truyền thống.

“Sau đợt sưu tập năm 1981 mà VN là một trong những nước được nhận nguồn gene. Đợt sưu tập giống sắp tới sẽ thực hiện tại Nam Mỹ, có thể là Peru, nơi có điều kiện tới hạn như cao trình cao, thời tiết lạnh. Hiện nay, tất cả các nước trồng cây cao su có tên khoa học Hevea brasiliensis. Tuy nhiên, cây cao su còn 9 loài khác mà các nhà nghiên cứu, tạo tuyển giống chưa nghiên cứu hết.

Qua đợt sưu tập sắp tới, chúng ta có thể bổ sung thêm nguồn vật liệu mới, làm giàu thêm quỹ gene, phục vụ công tác tạo tuyển giống. Tìm kiếm giống mới, bên cạnh yếu tố năng suất, sản lượng cao, khả năng kháng bệnh, kháng điều kiện bất thuận, còn quan tâm đến chất lượng mủ, chất lượng gỗ. Tôi tin tưởng rằng lợi ích sưu tập giống làm cho ngành cao su thế giới càng tươi sáng, tốt đẹp và bền vững hơn”, tiến sĩ thổ lộ.

Anh Quân