CSVN – Theo vòng tuần hoàn thời gian, Đông qua Xuân tới. Trong tiết trời se lạnh, về trải lòng bên những cánh rừng cao su bạt ngàn tít tắp để cảm nhận thanh âm của thời khắc giao mùa. Chia tay năm 2017 với bao niềm vui hoàn thành kế hoạch sản lượng, như một sự đồng điệu tâm hồn ngày cuối năm ta bỗng thấy lòng ấm lại, miên man cảm xúc với “Mùa cao su rụng lá”.
Vâng, nếu một lần được đọc bài thơ của Trần Văn Nhân (Tạp chí Cao su VN – số 497) chắc hẳn không ai có thể hững hờ trước một mùa lá rụng. Có người nói rằng, cảm xúc rơi rụng đồng nghĩa với buồn phiền, chia ly. Ý thơ mượt mà, ngôn ngữ đa thanh, tác giả đưa người đọc đến một mùa thay lá ấm áp bằng sự trách móc dễ thương: “Em nhớ về nhặt lấy kẻo mà quên”. Nhắc khéo để mà nhớ, bởi “cây vững” còn lòng người lại “dễ ngã”, cách so sánh hai sự vật hiện tượng để tự vấn cõi lòng: “Có giữ được sức bền”. Liệu anh và em có bền lòng chờ nhau? Hay chăng là “sức bền” thủy chung với loài cây đã chọn?…
Mạch thơ đưa người đọc đến không gian thanh bình của buổi bình minh, thời khắc quen thuộc gắn liền với công việc của người thợ cạo. Màu sắc hiện thực được phản ánh rõ nét qua từng chi tiết cụ thể “đường cạo, chai sần”, có thể thấy đó là những chi tiết đắt giá giàu giá trị nhân văn:
Về sáng sớm đặt tay lên đường cạo
Thấy chai sần mà cảm nhận ân cha
Về để nhắc thời nhọc nhằn cơm áo
Mà yêu thương từng sợi lạt cột nhà
Điệp từ “về” tác giả gián tiếp nhắc nhở “công cha”, để trân quý những vết “chai sần” trên từng đường cạo, để thấy được sự nhọc nhằn của người lao động mà biết ơn chiếc nôi nơi ta sinh ra và lớn lên.
Về đi em! Về để “nhấc gánh trên vai thùng trút mủ”. Lời nhắn nhủ nhẹ nhàng “công cha nghĩa mẹ”. Nếu “ân cha” thể hiện qua vết chai sần của đường cạo thì “nghĩa mẹ” hằn sâu những lần đau gánh mủ trên “vai áo mẹ sờn”. Ý ở ngoài lời, cái hay của bài thơ là thông qua hình ảnh cụ thể để khơi gợi tinh thần trách nhiệm của người con đối với gia đình, quê hương, giáo dục lòng biết ơn đấng sinh thành dưỡng dục.
Có một “Mùa cao su rụng lá” trong trẻo đầy sức sống, bởi đâu đó vẫn nghe nhựa sống sinh sôi, vẫn có đó “một chồi non” anh giữ, tất cả vạn vật từ “cây điều nhỏ” cho đến “bông cà phê” “đang” và “đã” “cho quả” ở mọi nơi “đang ngát”.
Từ hiện tại tác giả đưa người đọc về quá khứ của cái thuở “hai đứa mới hẹn hò”. Tình yêu bao giờ cũng đẹp. Đẹp hơn cả là cái màu thời gian không phai nhạt trong mỗi tâm hồn. Bài thơ chạm đến trái tim người đọc bằng hình ảnh giản dị, viết về tình yêu đôi lứa bằng ngôn ngữ đời thường.
Lắng trong bao nỗi niềm vẫn là sự khát khao về một tương lai vào ngày mai sum họp. Hứa hẹn trong niềm lạc quan rồi Đông sẽ qua, mùa Xuân sẽ tới!
Hai câu thơ cuối như một mệnh lệnh “Em phải về”, nhân vật trữ tình buộc em vào thế không thể không về “uống chén rượu anh đong”- chén rượu nóng hơi men tình yêu chếnh choáng của tình anh nồng nàn lan tỏa…
Bài thơ khép lại, nhưng bức tranh “Mùa cao su rụng lá” ám ảnh người đọc, vương vấn một nỗi niềm. Mượn hình ảnh mùa thay lá để chuyển tải tình yêu đôi lứa, ẩn giấu lời nhắc nhở chân thành đến với mỗi chúng ta: Hãy trân quý những giá trị tình cảm thiêng liêng, dẫu hôm nay lá rụng nhưng trong từng sự vật sức sống căng tràn chờ mùa Xuân đâm chồi kết trái.
Minh Khôi
Related posts:
- 10 hoạt động nổi bật của tuổi trẻ VRG năm 2020
- Về nhà
- “Hội thao giúp nâng cao đời sống tinh thần ”
- “Hội thao cho thấy sự lớn mạnh, lan tỏa của phong trào TDTT VRG”
- Công ty CP Cơ khí Cao su đang tạm dẫn đầu bảng xếp hạng
- Hơn 250 vận động viên tham gia Hội thao CNVC - LĐ Khu vực IV
- Hội thao Khu vực I: Nỗ lực vì thành công chung
- "Xã bóng đá" GLAR
- 162 vận động viên Cao su Mang Yang tham gia giải bóng chuyền
- Đ/c Lê Văn Vui tái đắc cử Bí thư Đảng ủy Cao su Bình Long