Báo chí với cuộc đấu tranh của CN cao su

Trong lịch sử đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân (CN) cao su, luôn có sự đồng hành của báo chí nhằm tập hợp, tuyên truyền, cổ vũ CN. Sau đây là những tờ báo tiêu biểu xuất hiện trong phong trào đấu tranh cách mạng của CN cao su thời kỳ Pháp thuộc.ANH HÙNG LAO ĐỘNG NGUYỄN THỊ NGỜI (PHẢI)

Báo Giải Thoát: Để làm tốt công tác vận động và giáo dục cách mạng trong CN đồn điền Cao su Phú Riềng trước năm 1930, Nghiệp đoàn bí mật ra tờ báo lấy tên là Giải Thoát. Tờ Giải Thoát xuất bản hàng tháng với số lượng vài trăm tờ, bí mật lưu hành trong CN. Cơ sở in được đặt ngoài rừng, giấy mực in do CN tự lo, còn bài vở do các Đảng viên trong Chi bộ và các thành viên trong BCH Nghiệp đoàn viết. Nội dung tờ báo có các mục như: sinh hoạt CN (trong đó chú trọng phê phán các hiện tượng sinh hoạt tiêu cực như mê tín dị đoan, cờ bạc, rượu chè, đánh lộn, cướp vợ của nhau v.v…), hoạt động Công đoàn, thời sự chính trị quốc tế. Đây là tờ báo cách mạng đầu tiên của CN cao su và cũng là tờ báo đầu tiên của phong trào cách mạng ở miền Đông Nam bộ.

Báo Cao su Chiến: Tại Đại hội vào năm 1949, để tuyên truyền tinh thần yêu nước, động viên CN cao su kháng chiến chống quân xâm lược, Liên đoàn Cao su Nam Bộ chủ trương xuất bản tờ báo Cao su Chiến do đồng chí Nguyễn Thế Phi phụ trách.

Báo Sinh Lực: Tháng 9/1946, Liên đoàn Cao su tỉnh Biên Hòa được thành lập với 4.000 hội viên. Để tuyên truyền tinh thần yêu nước cho CN trong thời kỳ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, Liên đoàn Cao su tỉnh Biên Hòa xuất bản tờ báo mang tên Sinh Lực, phát hành xuống tận phân sở, làng CN. Nội dung tờ Sinh Lực phong phú, tuyên truyền lòng yêu nước, ý thức giai cấp, hướng dẫn CN phối hợp đấu tranh trên địa bàn toàn tỉnh.

Báo Cao su: Khi phong trào đấu tranh của CN cao su ngày một phát triển, hòa nhịp với quá trình phát triển của cuộc kháng chiến ở Nam bộ và Nam Trung bộ thì nhu cầu củng cố lại và phát triển tổ chức Công đoàn trở nên cấp thiết nhằm đáp ứng với tình hình mới. Thực hiện chỉ thị của Liên hiệp Nghiệp đoàn Nam bộ, lần lượt, các tỉnh có đồn điền cao su đều thành lập Liên đoàn Cao su trực thuộc Liên hiệp Nghiệp đoàn tỉnh. Tại Tây Ninh, Liên đoàn Cao su tỉnh thành lập ngày 20/12/1946 với 2.533 hội viên, trên cơ sở phát triển 2 tổ chức Công đoàn cơ sở đầu tiên ở Cầu Khởi, Bình Linh và Bến Củi. Liên đoàn xuất bản tờ Báo Cao su (không liên quan gì đến tờ Báo Cao su trước đây, nay là Tạp chí Cao su, ra đời vào ngày 4/10/1982). Báo Cao su in bằng bột xu xoa, nhiều trang, nội dung phong phú được nhân dân địa phương hoan nghênh, tìm đọc.

Báo Cần Lao: Ngày 30/12/1946, Liên đoàn Cao su Thủ Dầu Một thành lập. Số hội viên ban đầu gồm 1.635 người, trong tổng số 12.000 CN toàn tỉnh. Để tuyên truyền tinh thần yêu nước, ủng hộ kháng chiến, xây dựng đời sống mới của CN trong các đồn điền cao su trên địa bàn tỉnh, Liên đoàn Cao su Thủ Dầu Một xuất bản tờ báo mang tên Cần Lao.

Phú Hưng (sưu tầm)