CSVN – Nhận thấy công tác thông tin, tuyên truyền có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động của công ty, Công đoàn (CĐ) Cao su Dầu Tiếng đã phối hợp Đài truyền thanh huyện Dầu Tiếng xây dựng chuyên mục “Tiếng nói công nhân cao su Dầu Tiếng”. Sau 5 năm hoạt động, chương trình tạo được sự tin yêu nơi thính giả.
Thông tin nhanh, kịp thời
Phát biểu tại Hội nghị sơ kết 9 tháng đầu năm 2017 Chuyên mục “Tiếng nói công nhân cao su Dầu Tiếng”, ngày 26/9, ông Nguyễn Văn Minh – Phó Bí thư Đảng ủy, Phó TGĐ Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng đánh giá cao ý nghĩa và tầm quan trọng của chuyên mục trên sóng phát thanh Đài truyền thanh huyện Dầu Tiếng.
Với cơ sở vật chất 162 cụm loa phát thanh ở tất cả các khu dân cư đông công nhân (CN) (mỗi ấp, khu phố có 2 đến 3 cụm loa) đã thông tin nhanh, kịp thời những hoạt động SXKD và nhiều hoạt động khác của công ty đến CNLĐ. Nhất là tuyên truyền các chế độ chính sách đối với NLĐ giúp họ an tâm làm việc, góp phần cùng công ty hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Còn ông Nguyễn Văn Bình – Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Dầu Tiếng, đánh giá Chuyên mục “Tiếng nói công nhân cao su Dầu Tiếng” là kênh tuyên truyền chính thống của công ty nhằm định hướng tư tưởng cho CNLĐ và đây cũng là nội dung phối hợp giữa công ty với huyện trong thực hiện tuyên truyền Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
5 năm xây dựng 260 chuyên mục
Theo ông Lê Văn Kim – Chủ tịch CĐ Cao su Dầu Tiếng, năm 2012, Đài truyền thanh của các nông trường trực thuộc công ty bị hư hỏng, không sử dụng được. Nếu có đầu tư sửa chữa cũng rất tốn kém và hoạt động không hiệu quả do không có nhân viên trực phát thanh. Đồng thời, các NT ở xa trung tâm công ty, các bản tin đều do Đài truyền thanh công ty cung cấp qua băng Cassette chuyển cho các đài chậm, nên tính thời sự không cao. Đài truyền thanh NT chỉ có 1 cụm loa nên lượng thông tin không đến được các làng CN, các khu dân cư CNLĐ ở tập trung đông.
Trong khi đó, công ty nhận thấy công tác tuyên truyền, giáo dục có ý nghĩa quan trọng không chỉ trong việc phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, Tập đoàn, công ty, mà còn tạo động lực để xây dựng lối sống văn hóa, bồi dưỡng tinh thần, củng cố niềm tin của CNLĐ vào sự lãnh đạo của Đảng.
Với ý nghĩa đó và được sự đồng thuận của ban lãnh đạo công ty, CĐ Cao su Dầu Tiếng phối hợp với Đài truyền thanh huyện Dầu Tiếng xây dựng Chuyên mục “Tiếng nói công nhân cao su Dầu Tiếng” phát trên sóng phát thanh FM, tần số 98,4 MHz, hệ thống 12 đài truyền thanh xã – thị trấn, 4 đài truyền thanh không dây và 162 cụm truyền thanh ấp – khu phố trong toàn huyện Dầu Tiếng.
Theo sự thống nhất giữa Đài truyền thanh huyện Dầu Tiếng và CĐ công ty, Chuyên mục được phát sóng vào ngày thứ 5 hàng tuần. Một ngày phát thanh 3 buổi (sáng, trưa, chiều), sau chương trình thời sự của Đài. Cơ cấu của chuyên mục gồm phần tin (từ 3 đến 5 tin), bài (1 đến 2 bài), 1 mục hỏi đáp liên quan đến chế độ chính sách NLĐ, nêu gương người tốt, việc tốt và câu chuyện truyền thanh. Thời lượng của một chuyên mục từ 13 – 15 phút. Trong 5 năm, Đài truyền thanh huyện Dầu Tiếng đã phối hợp với CĐ công ty xây dựng được 260 chuyên mục “Tiếng nói công nhân cao su Dầu Tiếng”. Gồm 802 tin, 267 bài, 260 mục hỏi – đáp về các chính sách pháp luật lao động. Ngoài những tin, bài nêu trên, từ năm 2017, mỗi tháng phối hợp xây dựng ít nhất 1 gương người tốt việc tốt, 1 tiểu phẩm câu chuyện truyền thanh và đã có 8 gương sáng CN, 8 câu chuyện truyền thanh được phát thanh, với tổng thời lượng phát thanh là 202 giờ.
Văn Hải
Related posts:
- Thay đổi cần biết về Hội thi 85 năm
- Cao su Phước Hòa xuất sắc giành giải nhất Hội thi Khu vực III
- Khi truyền thống là xung lực tinh thần
- Lẩu trâu: Món ngon nhớ lâu
- "Ánh sáng từ dòng vàng trắng" lần thứ VI - năm 2024
- Đội Công ty CP TMDV&DL Cao su giành giải nhất Hội thi tìm hiểu “85 năm truyền thống ngành cao su VN”...
- Liên hoan tuyên truyền ca khúc ngành cao su: Thi trực tuyến vẫn sôi nổi, hào hứng
- Lễ hội ăn trâu: Nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên
- 95 năm ngành cao su đồng hành cùng đất nước!
- Nguồn gốc giống cao su do ông E. Rauol đưa vào Việt Nam