CSVN – Cầm hộp đồng hồ tôi trao lại, sau một lúc tần ngần, Việt kiều Trầm Kim Tuyến lại đưa cho tôi, nói: “Thôi thì anh cứ giữ lấy, chờ có dịp nào đó gặp lại thì trao cho các cô”…
Năm 1989, tôi có một chuyến công tác đến Đội Ia Nhin 2 (NT Ia Nhin, CTCS Chư Păh). Đội nằm cách xa trung tâm xã đến 5 cây số nên để giúp con em công nhân còn quá nhỏ khỏi phải đi học quá xa, đã cùng với các anh ở địa phương dựng hai phòng học đơn sơ mở hai lớp 1, 2. Tiếp đó, Đội được Phòng Giáo dục huyện Chư Păh chi viện hai giáo viên.
Đó là hai cô giáo Nguyễn Thị Hoa và Lê Thị Ngà, từ Trường PTCS Ia Nhin tình nguyện vào dạy. Hai cô giáo tình nguyện khi ấy còn rất trẻ, chỉ hai mươi ngoài. Cô giáo Hoa nhận dạy lớp 2 có 20 học sinh là con em công nhân người Kinh; còn cô giáo Ngà nhận dạy lớp 1 với 25 học sinh là con em đồng bào dân tộc. Hai cô cùng quê Quảng Ninh, cùng tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Ninh khóa 1984 – 1987, vào công tác tại Ia Nhin từ năm 1988.
Việc dạy cho con em người Kinh học lớp 2 của cô Hoa thì tương đối thuận lợi, riêng cô Ngà có gặp khó khăn hơn khi phải dạy cho các em người dân tộc Ja Rai, bởi đến với các em phải khéo léo, ân cần và “tâm lý” hơn khi đến với học sinh người Kinh. Cô Ngà đưa ra một ví dụ, như với học sinh người Kinh dạy: “O tròn như quả trứng gà”, thì với học sinh người dân tộc phải dạy: “Ò ó o như tiếng gà gáy”. Phải lấy sự việc ngay trong thực tế gần gũi để giảng thì các em mới mau tiếp thu. Cô Hoa cho biết, công việc ở lớp học vùng sâu này chiếm gần hết thời gian trong ngày của hai cô. Sáng, chiều đều đứng lớp, còn tối thì lo soạn giáo án, hồ sơ sổ sách, cực nhất là những lúc học sinh bỏ lớp, cả hai phải vào tận các làng, gặp phụ huynh để vận động cho các em đi học trở lại. Cực vậy nhưng hai cô vẫn không chán nản.
“Thấy các em ở nơi vùng sâu chịu nhiều thiệt thòi, mình không bỏ được”, cô Hoa tâm sự. Cô Ngà còn hóm hỉnh nói với tôi: “Hiện em đang học thêm ngoại ngữ đấy”. Tôi vỗ tay: “Hay quá! Thế cô đang học Anh, Pháp hay Nga?”. Cô Ngà cười ngặt nghẽo: “Không, em học lại tiếng Ja Rai từ các em học sinh. Chừng vài tháng nữa anh trở lại đây thì em đã có thể nói được tí chút. Có thế thì mới hòa nhập tốt với học sinh được, anh ạ!”. Hai cô giáo trẻ khi ấy vẫn chưa có… “mảnh tình vắt vai”! Cô Hoa chợt cười buồn: “Lắm khi thèm một nụ hôn mà chẳng biết làm sao…”. Cô Ngà nở một nụ cười chịu đựng: “Ở vùng sâu này bọn em nhiều khó khăn lắm nhưng cũng cố động viên nhau mà vượt qua. Như cả hai không ai có đồng hồ. Đêm ngủ tới gần sáng chỉ nghe tiếng gà rừng gáy mà đoán giờ, rồi ai thức trước thì gọi bạn dậy chuẩn bị đi dạy…”.
Về tới Sài Gòn, khi gặp lại người bạn thân là anh Việt kiều Mỹ Trầm Kim Tuyến, tôi có kể cho anh nghe về chuyện của hai cô giáo trẻ đang sống và cống hiến nơi một vùng sâu heo hút… Qua bữa sau, anh mang tới đưa tôi một chiếc hộp nhỏ trong có đựng hai chiếc đồng hồ đeo tay nữ xinh xắn hiệu Seiko, chạy bằng bánh xe tự động, dặn tôi khi nào có dịp trở lại hãy mang tặng hai cô giáo và cho anh gởi lời thăm… Chuyện tình nghĩa vậy mà tôi chẳng chịu làm liền, lại cứ dây dưa công tác nơi này nơi nọ, phải đến sáu tháng sau tôi mới thu xếp tìm đến với hai cô. Và hỡi ơi khi tôi đến thì lớp học nhỏ đã không còn, sau một cơn lũ quét từ con suối rừng dậy sóng trong cơn mưa rừng quá lớn.
Một người dân cho biết, cũng may là không có thiệt hại về người, sau đó thì lớp học giải tán vì nằm trong vùng rốn lũ, còn hai cô giáo nghe đâu đã trở về quê rồi. Tôi lặn lội đến Phòng Giáo dục huyện hỏi thăm thì nơi đây cho biết, do tỉnh Quảng Ninh đang có nhu cầu thu tuyển giáo viên cấp hai, nên Phòng đã ưu tiên cho hai cô… Tôi mang hai chiếc đồng hồ về trao lại cho anh Trầm Kim Tuyến, và ân hận nhận phần lỗi của mình. Cầm hộp đồng hồ tôi trao lại, sau một lúc tần ngần, anh lại đưa cho tôi, nói: “Thôi thì anh cứ giữ lấy, chờ có dịp nào đó gặp lại thì trao cho các cô”. Đến nay đã gần 30 năm trôi qua nhưng tôi đã không còn được gặp lại các cô giáo ấy. Tôi vẫn còn lưu giữ 2 chiếc đồng hồ, nhưng nó đã có dấu hiệu rỉ sét và không còn chạy được nữa…
Sáu Vườn Ươm
Related posts:
- TCT Cao su Đồng Nai đang dẫn đầu điểm số phần thi Tự giới thiệu
- Sau giờ cạo
- Mùa trải thảm vàng...
- Báo Xuân xưa
- Gặp "nhà thơ" cao su Hòa Bình
- Tập huấn ca, múa, sáng tác cho cán bộ phong trào
- Đảo Lý Sơn níu chân du khách
- 125 năm cây cao su ở Việt Nam: Nguồn vốn người Pháp trồng cao su
- Mang trung thu đến với trẻ em vùng khó
- Mùa khô của Nông trường Ia Nhin ngày ấy