CSVN – Những ngày đi học xa nhà, tôi lại nhớ quay quắt những con đường lô hun hút với những tán lá đan cài vào nhau tạo thành vòm mát rượi của những chiều tan trường. Nhớ âm thanh leng keng của những chiếc thùng trút mủ của cô chú công nhân khai thác. Nhớ những trận mưa bất chợt cũng là lúc người thợ vừa trút mủ đầy về nơi tập kết…
Những ngày mưa, ba tôi thường nhìn trời và thở dài “mưa dữ ri thì lại hụt sản lượng mất rồi”. Những lúc như thế, ba lại kể cho chúng tôi nghe những ngày đầu muôn vàn gian khổ “nắng táp, mưa sa” đào hố trồng mới; đến khi cây bắt đầu cho mủ thì dông lốc quật gãy đổ, mủ tứa ra trắng đục chảy loang trên mặt đất, nhìn “đứt ruột”, ứa nước mắt; hay những đêm trời gần sáng giá lạnh người công nhân khai thác lại vào lô cạo mủ cho đến khi mặt trời ló dạng… Nhất là những ngày cuối năm, thời tiết càng lạnh thì cây càng cho mủ nhiều. Vì vậy mà không khí lao động những ngày này lại sôi nổi hơn bao giờ hết…
Tôi yêu bàn tay chai sạn của ba mẹ, cũng nhờ đôi bàn tay khéo léo và thô ráp ấy mà chị em tôi được học hành đến nơi đến chốn. Lần lượt, vượt qua bao khó khăn, ngày mưa ngày nắng, giá mủ lên cao rồi xuống thấp, chị em tôi như vòng đời cây cao su cứ thế trưởng thành. Chị gái tôi ra trường trở thành cô giáo lại trở về nơi có những cánh rừng cao su xanh mướt dạy kiến thức cho những đứa trẻ con của công nhân lao động “một nắng hai sương” cần mẫn trên những cánh rừng xa tít. Còn tôi, lại bước vào giảng đường đại học mang theo hành trang là tình yêu loài cây và sự nuôi nấng dạy dỗ của người thợ khai thác lành nghề.
Chiều TP.HCM hay có những cơn mưa bất chợt, nhìn dòng người hối hả về nhà khi phố lên đèn, tôi lại nhớ bữa cơm tối bên gia đình, những ngày hè theo mẹ vào lô, nhìn những giọt mủ trắng rơi từng giọt chậm rãi vào chén đã để lại một ấn tượng mạnh cho tôi bài học về sự chắt chiu “góp tiểu thành đại” và cả tinh thần “vượt khó”, từ đó tạo động lực để tôi phấn đấu vươn lên trong học tập…
Để đền đáp lại sự mong mỏi của gia đình và tri ân loài cây đã cho chúng tôi cuộc sống no ấm, được học hành tử tế và khôn lớn trưởng thành. Thành tích mà tôi đạt được đó chính là được vinh danh tại Lễ tuyên dương hơn 600 học sinh sinh viên con CB.CNV LĐ vượt khó học giỏi do Công đoàn Cao su Việt Nam tổ chức, vào ngày 29/10 vừa qua. Có lẽ, với tôi đó là phần thưởng lớn nhất trong quãng đời học sinh 12 năm đèn sách; chính giây phút được bước lên bục nhận thưởng tôi càng thấm thía lời dạy dỗ của ba: “Phải biết trân quý những giọt mồ hôi để thổi bùng khát vọng bay cao”, trong tim rạo rực tự hào về những thành quả mà ngành cao su đã đạt được sau gần 1 thế kỷ thăng trầm vượt khó để có được vị thế bền vững như ngày hôm nay.
Có người hỏi tôi rằng, bạn tự hào điều gì nhất khi có ba mẹ là công nhân trong ngành cao su Việt Nam? Không ngần ngại, tôi trả lời ngay rằng, tôi tự hào nhất khi sinh ra và lớn lên được thụ hưởng những giá trị tốt đẹp nhất của ngành – Đó chính là giá trị truyền thống vẻ vang mà 94 năm qua các thế hệ cán bộ, người lao động trong ngành cao su đã dày công vun đắp xây dựng và phát triển bền vững. Chính vì thế, là thế hệ thừa hưởng di sản tốt đẹp của cha anh, chúng ta cùng viết tiếp trang sử mới của ngành cao su Việt Nam – vượt qua khó khăn hiện tại, năng động, vững vàng hội nhập thế giới.
THÀNH NHÂN
Related posts:
- Lo ngại về sách dành cho trẻ em
- Chiếc thùng và con dao cạo
- Nét độc đáo ngôi chùa Tổng thống Obama ghé thăm
- VRG khai mạc Hội thao khu vực II
- Vượt khó
- Nông trường Ia Phú giành giải nhất giải bóng đá Cao su Chư Păh
- Kinh tế khủng hoảng toàn cầu và công ước 1934
- Đề xuất đóng bảo hiểm xã hội đủ 15 năm được hưởng lương hưu
- Về thăm làng nghề thổ cẩm
- "Những đứa con của làng": Bước qua hận thù, xây dựng tương lai