CSVN Xuân – Ai cũng có một mái nhà, nơi sinh ra và lớn lên rồi mải miết mưu sinh theo vòng xoáy cuộc đời. Trong bộn bề lo toan ấy, bất chợt nhận ra ta đã xa nhà từ lâu lắm rồi, chợt nhớ về gia đình với những năm tháng tuổi thơ trong trẻo.
Giật mình mẹ cha ta đã già, để rồi có những nỗi niềm hối hận chỉ còn trong tâm khảm ký ức. Vì vậy đừng chần chờ, hãy về nhà khi còn có thể. Tất cả gói gọn cảm xúc trong tập thơ, tản văn “VỀ NHÀ ĐI” của tác giả trẻ 8X Lương Đình Khoa.
“VỀ NHÀ ĐI” – Tập thơ và tản văn của Lương Đình Khoa phác họa chân dung của mỗi con người trên hành trình “tôi đi tìm tôi” giữa bộn bề Vui – Buồn – Được – Mất của cuộc đời. Từ năm tháng sôi nổi cùng tình yêu đôi lứa, đến khi những đứa trẻ chào đời, rồi đến lúc làm cha làm mẹ… Dù đời thăng trầm, vạn vật đổi thay – có một nơi vẫn được gọi là Nhà vẫn luôn đón đợi, gọi bạn trở về – về với những thương yêu giản dị, gần gũi nhất mà bạn vẫn còn may mắn giữ được trong tay:
“Về nhà đi, phố chẳng như lòng mẹ
Lối quanh co ngõ ngách nhỏ chật dài
Ánh trăng khóc trong đèn vàng cám dỗ
Người với người như lá rớt qua vai”
“VỀ NHÀ ĐI” là đứa con tinh thần thứ 5 trong gia tài sáng tác của tác giả Lương Đình Khoa – cây bút trẻ thuộc thế hệ 8X. Khoa còn được biết đến với vai trò là một blogger khi các mạng xã hội bùng nổ. Tự tiếp thị thơ trong thời đại công nghệ số, những bài thơ được Khoa chuyển sang dạng video, lồng ảnh và nhạc hài hòa với lời thơ, tình thơ, dễ đồng cảm, chia sẻ trên Youtobe – cùng các blog radio anh tự thu về những chủ đề gần gũi xoay quanh đời sống tình cảm giới trẻ.
Nhận xét về tập thơ, nhà thơ Lê Minh Quốc, chia sẻ: “Một tập thơ ra đời. Một niềm thiêng liêng của đất trời. Như gió. Như mây. Có thể còn lại. Có thể phai đi. Chẳng bận tâm làm gì. Những câu thơ bàng bạc trong suy nghĩ của Khoa đã lấp đầy ngày, đã bào mòn đêm. Từ đó, từng con chữ tung tăng cầm tay đi qua một hành trình thơ”.
Và như Khoa chia sẻ về tập sách cho bạn đọc mến mộ: “Đây này là món quà của yêu thương dành trao gửi đến những yêu thương, là một ngọn lửa góp phần khơi nguồn cho từng bước chân, từng tâm hồn trở về với tâm hướng đạo sâu nặng nghĩa cội nguồn, biết nhận ra mình cần giữ và trân trọng những gì đang có trên tay trước khi chúng sẽ mất đi, tan biến theo ngọn gió vô thường”:
“Về nhà đi, tháng ngày dần ngắn lại
Những sân ga trong mỗi cuộc đời
Ngày xuống tàu biệt ly nào hẹn trước
Nên rất cần tay nắm lúc còn vui”
“Về nhà đi, bởi trong mỗi cuộc đời
Ai người cũng chỉ có một mái nhà để học cách yêu,
Một mẹ, một cha cho bàn chân tìm lối về hiếu nghĩa
Dù dang cánh chạm chân trời góc bể
Hãy cứ về khi có thể – để thương…
Níu giữ trên tay thứ hạnh phúc cội nguồn…”
Dương Cầm
Related posts:
- Báo chí chấm điểm lễ hội
- Bình luận của độc giả trên báo điện tử: Không thể là "vườn hoang"
- Vươn lên từ cánh rừng cao su
- Cây cao su ở Việt Nam dưới góc nhìn Lịch sử - Sinh thái (1897 - 1975)
- Khèn Mông xuống chợ
- 250 tác phẩm tham gia Giải Báo chí khu vực Tây Nguyên lần thứ I
- Ứng dụng khoa học kỹ thuật
- Đội văn nghệ Cao su Dầu Tiếng: Giải nhất hội thi tỉnh Bình Dương năm 2019
- Nông trường Minh Hòa (Cao su Dầu Tiếng) phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc
- Các tiết mục đạt giải Hội thi Tiếng hát CN cao su KV II (phần I)