Huyền thoại sử thi Tây Nguyên

Người ta biết đến Tây Nguyên là vùng đất với những giá trị lịch sử, văn hóa tinh thần vô giá. Đó là vùng đất của những điệu cồng chiêng, của rượu cần, đàn Tơrưng… và đặc biệt là một “vùng sử thi”.

Điều đặc biệt ở sử thi Tây Nguyên là cách kể độc đáo. Dù văn bản có độ dài hàng trăm, hàng ngàn câu, nhưng vẫn có các cụ già thuộc lòng. Họ là những nghệ nhân, là những “kho tàng sống”, góp phần lưu giữ những giá trị tinh thần vô giá của người Tây Nguyên. Và đêm đêm bên bếp lửa nhà sàn vẫn trầm ngâm kể cho con cháu nghe, thường phải kể hàng chục đêm mới xong… Có lẽ vì được sáng tác theo một loại văn vần đặc biệt của người Tây Nguyên nên người ta dễ thuộc, dễ nhớ đến như vậy.

Sử thi là một trong những kho tàng văn hóa huyền thoại của vùng đất Tây Nguyên. Trong ảnh: Già làng A Wer, xã Vinh Quang, TP Kon Tum tập cồng chiêng cho các thiếu nữ người Ba Na. Ảnh: Kim Sơn
Sử thi là một trong những kho tàng văn hóa huyền thoại của vùng đất Tây Nguyên. Trong ảnh: Già làng A Wer, xã Vinh Quang, TP Kon Tum tập cồng chiêng cho các thiếu nữ người Ba Na. Ảnh: Kim Sơn

Nhưng còn một lý do quan trọng hơn là tình yêu thiết tha và lòng say mê đối với vốn văn hóa vô giá của dân tộc. Với họ mỗi lần kể sử thi (người Ê Đê gọi là kể Khan) là mỗi lần được nhập cuộc, được sống lại cái không khí cuộc sống cộng đồng cách nay hàng trăm năm…Mặt khác, cái khung cảnh huyền ảo của màn đêm, của không gian núi rừng như tạo nên một không gian – thời gian huyền thoại mà cũng rất thực và sống động lạ thường… Nếu ai đã được nghe kể Khan Ê Đê thì hẳn không quên được cái ấn tượng của những đêm Tây Nguyên khi bên bếp lửa bập bùng và bên ché rượu cần giữa nhà Rông hay nhà dài, nghệ nhân ngồi giữa kể sử thi và xung quanh con cháu, buôn làng ngồi nghe như nuốt từng lời, như hòa vào cái không gian huyền ảo, lung linh, lặng thầm cuộc sống.

Gần đây do tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường, dường như trong các buôn làng Tây Nguyên việc đêm đêm các con cháu, buôn làng tụ tập về nhà Rông hay nhà dài, nghe già làng kể sử thi đã thưa vắng dần. Điều đáng nói hơn là lớp người kế tục công việc của những nghệ nhân thì hầu như chưa được chú trọng đào tạo, bồi dưỡng bài bản, đúng mực trong khi lớp nghệ nhân – già làng thì ngày một vắng bóng dần…

Với những giá trị văn hóa tinh thần vô giá, sử thi Tây Nguyên đã góp phần làm nên diện mạo của các dân tộc giàu bản sắc văn hóa ở một vùng đất huyền thoại và nhiều tiềm năng. Cho nên việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc Tây Nguyên, trước hết là tiếp tục sưu tầm, tổ chức biên soạn cũng như việc bảo tồn, lưu giữ, phát huy tác dụng và truyền lại cách kể Khan hay kể sử thi nói chung là những việc làm cấp thiết và có một ý nghĩa cực kì to lớn.

Trọng Nguyên