CSVN – “Chuyên quản” là cán bộ kỹ thuật của công ty được tăng cường, hỗ trợ cho các nông trường thực hiện công tác nông nghiệp, giúp nông trường thực hiện tốt hơn quản lý kỹ thuật, năng suất và chất lượng vườn cây, hỗ trợ công nhân có tay nghề yếu kém. Tại Công ty Chư Sê tuy nhân lực “chuyên quản” ít nhưng quản lý rất tốt công việc.
Tập huấn, đôn đốc, nhắc nhở
Vào đầu mùa cạo người cán bộ chuyên quản sẽ được tập huấn một số công việc như: Quy hoạch bảng cạo, thiết kế miệng cạo, trang bị vật tư, máng chắn mưa cho cây cao su….Sau đó trở về đơn vị phối hợp với phó giám đốc nông trường phụ trách kỹ thuật để triển khai đến người công nhân.
Trong mùa cạo thì có kế hoạch, hướng dẫn và giám sát việc thực hiện bôi thuốc kích thích, trị bệnh Botruyo. Đối với vườn cây trồng mới, tái canh hay KTCB người cán bộ chuyên quản sẽ được trang bị kiến thức về công tác thiết kế đào hố, chọn giống cao su, tập huấn cách trồng mới, công tác phun thuốc phòng trị bệnh, công tác phun phân qua lá, công tác tỉa chồi ngang có kiểm soát…
Ngoài ra, cán bộ chuyên quản còn thực hiện việc đôn đốc công nhân thực hiện đủ ngày công, theo dõi sản lượng, nhắc nhở các tổ trưởng trút đúng vét kỹ, tận thu tối đa sản phẩm khai thác… nhằm đảm bảo cho đơn vị hoàn thành kế hoạch sản lượng được giao.
Qua tìm hiểu và so sánh với các đơn vị bạn, phòng kỹ thuật Công ty Chư Sê chỉ ra rằng, hiện Công ty TNHH MTV Cao su Ea H’leo có đến 34 cán bộ và chỉ quản lý 5.000 ha, Công ty Mang Yang cũng có 34 cán bộ kỹ thuật nhưng quản lý 8.000 ha… . Trong khi đó, toàn công ty chỉ có 15 cán bộ kỹ thuật nhưng phải quản lý trên 8.100 ha. Tuy vậy công việc vẫn được anh em chuyên quản hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành kế hoạch sản lượng chung của công ty.
Là “vệ tinh” giữa công ty với nông trường, công nhân
Ông Trần Minh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & chuyển giao kỹ thuật Tây Nguyên (Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam) đánh giá: “Theo tôi, những cán bộ chuyên quản tại Công ty TNHH MTV Cao su Chư Sê đã làm rất tốt vai trò và trách nhiệm của mình. Tuy nhiên, lãnh đạo công ty cần quan tâm hơn nữa đến lực lượng này vì theo so sánh những chuyên quản ở đây quản lý bình quân khoảng 543 ha/người, con số này khá cao so với một số công ty trên địa bàn”.
Cũng tại hội nghị nông nghiệp đầu năm, phòng kỹ thuật đã kiến nghị với lãnh đạo công ty, để tạo thuận lợi cho cán bộ chuyên quản hoạt động hiệu quả và ngày càng đi vào chiều sâu, thì trước hết cần phải ổn định lực lượng, chỉ luân chuyển khi thật cần thiết, cần tránh việc thay đổi cán bộ chuyên quản nhiều lần trong một năm kế hoạch.
Bên cạnh đó, ban giám đốc nông trường cần phối hợp tốt với cán bộ chuyên quản, tạo điều kiện tốt hơn nữa để người chuyên quản hoàn thành công việc của mình. Có như vậy, cán bộ chuyên quản mới thực sự là cầu nối, là “vệ tinh” giữa phòng kỹ thuật của công ty với nông trường, với người công nhân. Từ đó, những quy trình kỹ thuật mới về công tác nông nghiệp của công ty sẽ thông qua những chuyên quản này đến rất nhanh với các tổ sản xuất, người công nhân.
Đặc biệt là nó sẽ phát huy tối đa hiệu quả khi cán bộ chuyên quản là người thường xuyên gần gũi tổ trưởng, công nhân nên những gì chưa rõ, còn thắc mắc thì chuyên quản có thể giải thích ngay tại nơi làm việc. Điều này mang lại hiệu quả rất lớn trong việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và tạo sự minh bạch, công khai đến với từng người công nhân, tránh tình trạng thắc mắc, khiếu nại kéo dài liên quan đến công tác kỹ thuật, sản lượng, năng suất vườn cây, DRC…
Bài, ảnh: Văn Vĩnh
Related posts:
- Phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật rộng khắp, hiệu quả
- Cải tiến máy thổi lá
- Tăng cường phòng chống cháy mùa khô
- Người trẻ bén duyên nông nghiệp xanh: Tay ngang mơ đầu tư lớn
- Xí nghiệp Chế biến K’Dang cải tiến nâng cao hiệu quả sản xuất
- Hậu quả của trồng cao su không đúng kỹ thuật
- Áp dụng cơ giới hóa yếu tố hàng đầu để tăng năng suất lao động
- Cao su Dầu Tiếng - Lai Châu: Sẵn sàng khai thác mủ
- MDF VRG Kiên Giang: Chủ động nguồn nguyên liệu, tín hiệu khả quan
- Không thể nói "không" với chuyển đổi số