CSVN – Nhìn địa phương đổi mới từng ngày, các con có việc làm ổn định, các cháu được nuôi ăn học đến nơi đến chốn, với ông Hà Văn Lầu và bà Võ Thị Đức như vậy là quá mãn nguyện rồi. Họ thầm cảm ơn những nghĩa tình mà ngành cao su, đặc biệt là Công ty TNHH MTV Cao su Bình Long đã dành cho gia đình.
Nuôi 9 người con khôn lớn nhờ nghĩa tình của ngành cao su
Trước đây, bố mẹ ông Hà Văn Hai từng làm công nhân (CN) cao su tại Phú Riềng, lớn lên ông cũng nối nghiệp cha mẹ. Sau giải phóng, vợ chồng ông chuyển về làm CN tại NT Xa Trạch, Cao su Bình Long. Cũng như nhiều gia đình CN cao su thời bấy giờ, cơm ăn phải chạy từng ngày, bữa ăn của gia đình có 9 người con như vợ chồng ông còn vất vả hơn, vì vậy nồi cơm độn mì, bo bo, khoai sắn là hình ảnh quen thuộc.
Ông nhớ rõ: “Sau ngày giải phóng, không riêng gì gia đình chúng tôi mà đại đa số các gia đình đều gặp nhiều khó khăn, cao su bị chiến tranh tàn phá nặng nề, chúng tôi khẩn trương bước vào thời kỳ vừa gia tăng sản xuất, vừa khắc phục lại hậu quả chiến tranh để lại. Chủ trương chung của đơn vị là vừa khai thác mủ, vừa khai hoang mở rộng diện tích. Trong tư thế những người làm chủ trong thời đại mới, chúng tôi phấn chấn lắm, chỉ mong sao cuộc sống khấm khá hơn, sẽ thoát khỏi cảnh nhà tranh vách lá, các con không phải đói ăn nữa”.
Để cải thiện đời sống của CN, công ty đã tạo điều kiện và khuyến khích NLĐ xen canh lúa, ngô, đậu trên vườn cây cao su để có thêm lương thực cho gia đình. Nuôi 9 người con là việc không hề đơn giản, bởi vậy người ta nỗ lực một, ông bà phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba, chỉ mong sao đủ lương thực cho các con. Nhà ai có điều kiện khá giả mới đủ khả năng cho con theo đuổi giấc mơ thành tài. Nhưng cuộc sống ai cũng mong đợi những điều tốt đẹp, để từ đó phấn đấu và hy vọng.
Với gia đình ông được như ngày hôm nay tất cả là nhờ vào ân tình cao su. Các con lớn lên lần lượt lập gia đình và có những lối đi riêng. Hiện tại, con trai thứ hai là lái xe vận chuyển mủ, con gái thứ ba của ông là Trạm trưởng Trạm y tế NT Xa Trạch. Cháu gái ông là Lê Thị Bích Thùy sau khi tốt nghiệp cũng xin về làm việc tại NT Xa Trạch. Như vậy, gia đình ông là gia đình bốn đời gắn bó với ngành cao su.
Hạnh phúc khi gia đình có truyền thống bốn đời gắn bó với ngành
Ông xúc động chia sẻ: “Cao su Bình Long đã 40 năm xây dựng và trưởng thành, trong suốt chặng đường đó, tôi, các con và nay là các cháu lần lượt gắn bó với đơn vị. Sở dĩ gia đình đủ đầy, ấm no như hôm nay đều là nhờ sự quan tâm của lãnh đạo đơn vị. Ngành cao su nghĩa tình lắm, con gái tôi làm việc thì được cấp trên tạo điều kiện gởi đi đào tạo nâng cao chuyên môn. Vợ chồng tôi nghỉ đã lâu nhưng mỗi khi có dịp lễ, Tết công ty đều quan tâm, thăm hỏi động viên kịp thời. Với tôi, như vậy là vui mừng lắm, tôi rất hài lòng, hạnh phúc khi gia đình mình có truyền thống bốn đời gắn bó với ngành”.
Chị Hà Ngọc Mai, con gái ông chia sẻ: “Nhà anh em đông nên điều kiện gia đình ngày trước rất khó khăn. Năm 1986 sau khi tốt nghiệp, tôi về làm tại công ty, sau đó được cử đi đào tạo, tôi vẫn nhớ như in mỗi tháng được cấp 50 ngàn đồng tiền sinh hoạt và học phí. Bây giờ, con gái tôi cũng vào làm tại nông trường, cháu quan niệm chỉ cần được vào làm để có thêm kinh nghiệm, sau này nếu làm tốt được công ty cho đi đào tạo cao hơn để về cống hiến cho ngành”.
Bài, ảnh: Minh Nhiên
Related posts:
- Ngành gỗ thắng Covid
- Kinh tế hộ gia đình: Điểm tựa vững chắc lúc khó khăn
- Nông trường Tân Thành (Cao su Đồng Phú) giao lưu thể thao mừng ngày 22/12
- Đã hoàn tất 4 môn thi đấu Hội thao khu vực I
- Hơn 300 vận động viên tham gia Hội thao Khu vực III
- Mùa mưa nông trường
- Gần 300 vận động viên đến từ Campuchia tham gia Hội thao Khu vực 5
- Thúc đẩy sự lớn mạnh của nền Báo chí Cách mạng VN
- Mùa gọi!
- Khi mùa Xuân đến