Mùa mưa nông trường

CSVN – Mùa mưa lại về, ngồi nhâm nhi ly cà phê góc phố, nhìn hàng cây trong mưa, gió rì rào thổi, những hạt nước li ti rơi trên đầu, tôi chợt nhớ mùa mưa về bên rừng Cao su Ia Nhin- Gia Lai năm nào.
Ảnh: Thi Thơ
Ảnh: Thi Thơ

Nhớ như in, vào đầu mùa mưa năm 1980, tôi xin vào làm công nhân ở nông trường. Bước xuống xe vào lúc hoàng hôn, sau một ngày di chuyển từ miền xuôi lên miền ngược. Đứng giữa nông trường bộ, lọt thỏm giữa núi rừng bạt ngàn, những lô cao su xung quanh chạy tít tắp chân trời, bầu trời đầy mây giăng. Hít thở không khí trong lành nghe mát lạnh. Mưa bắt đầu rắc hột và sau đó là tiếng gầm rú của những cơn giông. Đêm mưa nặng hạt.

Tôi và hơn trăm người nữa là số công nhân mới tuyển, đêm đó nằm trong hội trường chờ hôm sau về đơn vị mới. Nghe mưa rừng đầu tiên trong đời với lứa tuổi đôi mươi thật thú vị, tôi co ro trong chăn nghe gió lùa xào xạc, phân biệt thế nào là mưa rừng và mưa miền xuôi, khó ngủ. Qua hôm sau tôi được đưa về làm công nhân Đội số 5, nằm trên một đồi toàn chuối. Xung quanh đồi là những lô cao su bạt ngàn, lớn có nhỏ có. Tây

Nguyên vào mùa mưa thì khỏi phải nói, có lúc mưa mấy ngày liền, bùn đỏ quạnh, dính vào dép đập không ra, phải lật dép lên mà cạy, đi chân trần mà còn dính cả lớp nữa là. Tôi được ở một gian nhà tập thể, ngày đi làm cỏ, bón phân, tối lại nghe mưa rừng gào thét, xa xa tiếng cồng chiêng vọng lại, buồn nẫu ruột. Đội tôi ở, nhìn qua nhìn lại chỉ hai chục công nhân với nhau, chả còn ai nữa. Đơn vị nằm xa bản làng dân tộc, nên ít có cơ hội giao du, tối lại tập trung kể chuyện quê nhà cho nhau nghe, thâm tình thắm thiết, kẻ Bắc người Nam.

Sáng dậy sớm đi làm, anh em ghé vào lô cao su hái nấm, về cải thiện bữa cơm. Có hôm hái nhầm nấm độc, ăn vào tào tháo đuổi té re. Mùa mưa bờ lô cao su thật nhiều măng, anh em cùng nhau đi hái về luộc phơi khô để dành ăn, hoặc làm quà khi có dịp về quê thăm cha mẹ. Ai siêng, hái một mùa cũng cả bao măng khô chứ không ít. Toàn măng đẹp và chất lượng.

Mùa mưa cũng là mùa anh em công nhân làm thêm, như trồng lúa xen hàng cao su, trồng bắp, trồng su su, nhưng dễ nhất và nhiều nhất là dâm khoai lang. Mưa xuống đất mềm, anh em xúm nhau vun hàng rồi trồng rau lang, vài tháng sau khoai nhiều không thể tả, rau thì luộc chấm nước mắm, khoai thì luộc ăn dặm những lúc thiếu cơm, ngày ấy còn là bao cấp, nên việc ăn cơm độn khoai là chuyện bình thường.

Phải nói ngày ấy đất đỏ Ba zan Tây Nguyên thật tốt, trồng gì cũng cho trái thật to, mà không cần phải bón phân gì cả. Nhớ nhất là vào một đêm mưa, đang ngủ nửa đêm thằng bạn ở chung phòng bị sốt, chúng tôi bốn người thay phiên nhau võng đưa đi trạm xá cách năm cây số, người nào cũng ướt mẹp, gió lạnh run bắn người, tới nơi là trời hừng sáng, vội vàng đưa vào cấp cứu, và sau đó nó phải đi bệnh viện tỉnh. Bác sĩ xét nghiệm nói rằng nó bị sốt rét, lí do muỗi cắn, mà ngày ấy thật sự muỗi rất nhiều, mà muỗi rừng thì khỏi phải nói, con nào con nấy cũng to như con ruồi, ở đây vào mùa mưa ẩm ướt muỗi phát triển, nên vấn đề công nhân bị sốt rét rừng là chuyện như cơm bữa.

Có một đêm mưa gió bão bùng, rừng cao su nổi cơn gió loạn, như báo hiệu điều chẳng lành, bọn Phun- rô từ trong rừng sâu ra bắn giết anh em công nhân Đội số 6, làm chết 6 người, chúng đốt phá doanh trại và cướp lương thực… Sáng ra anh em nhìn cảnh hoang tàn, những giọt nước mắt lăn xuống tiễn đưa đau đớn. Sau đó lãnh đạo nông trường lập kế hoạch bảo vệ, động viên anh em cùng nhau bám trụ xây dựng nông trường mới, không hề nao núng. Và tôi đã ở đó mười năm, từ 1980- 1990.

Năm vừa rồi lên thăm lại nông trường cũ, được người em đưa tôi ghé lại bia tưởng niệm ấy, đốt cho các bạn nén hương nhân ngày 27/7, hồi tưởng kỉ niệm mà rưng rưng nước mắt. Ngồi giữa phố Sài Gòn hoa lệ, cơn mưa chợt nhớ kỉ niệm một thời trai trẻ. Lòng bùi ngùi những năm tháng đi qua, thấy được giá trị của cuộc sống, giá trị của việc làm ra một kg mủ cao su không dễ chút nào, có cả mồ hôi và nước mắt…

Nguyễn Dũng