CSVN – Giảm giá thành chế biến là yêu cầu tối quan trọng trong công tác giảm giá thành. Trong năm 2015, các đơn vị thành viên VRG đã cắt giảm được chi phí chế biến đáng kể, giảm từ 15 – 30%, tương đương từ 670.000 – 800.000 đồng/tấn.
Cao su Tây Ninh tiết giảm tốt nhất chi phí sản xuất
Năm 2014, VRG có 8 đơn vị có giá thành chế biến cao: Đông Nam bộ (6 công ty), Tây Nguyên (2 công ty), Duyên hải miền Trung (1 công ty). Giá thành cao tập trung vào các chi phí: dầu, điện, nước, hóa chất và nhân công trực tiếp. Các yếu tố này chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi công nghệ, thiết bị và quản lý. Từ các nguyên nhân trên, Ban Công nghiệp VRG liên tục kết hợp với các đơn vị tìm ra những giải pháp khả thi áp dụng, nhằm giảm giá thành chế biến.
Trong đó, giải pháp công nghệ góp phần quyết định, kết hợp với giải pháp quản lý. Từ đó, các công ty có giá thành chế biến cao đã cắt giảm được chi phí đáng kể trong năm 2015, cụ thể giảm từ 15 – 30%, tương đương từ 670.000 – 800.000 đồng/tấn. Ông Nguyễn Hoàng Thái – Phó Ban Công nghiệp VRG, nhận xét: “Trong 8 đơn vị có giá thành chế biến cao trong năm 2014, qua đánh giá thấy rằng, có các đơn vị như Tây Ninh, Bình Long, Phước Hòa, Dầu Tiếng là các đơn vị cắt giảm giá thành mạnh nhất trong năm 2015. Đặc biệt là Tây Ninh. Từ một đơn vị có giá thành chế biến cao nhất trong khu vực Đông Nam bộ, nay đã cắt giảm đến 30% chi phí nhờ áp dụng các giải pháp kỹ thuật và quản lý”.
Nhân rộng 2 mô hình sản xuất sạch hơn
Sản xuất sạch hơn (SXSH) – tiết giảm chi phí là xu hướng chung của các doanh nghiệp sản xuất trên toàn thế giới. SXSH không những giảm ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe người lao động, mà còn giảm được các chi phí vật tư, hóa chất, năng lượng, giảm phát thải; đồng thời giảm được chi phí xử lý môi trường; điều đó đồng nghĩa với việc đem lại hiệu quả cụ thể cho đơn vị.
Đây cũng là một trong những chủ trương quan trọng của VRG được triển khai trong năm 2015 tại các đơn vị thành viên. Hiện tại các đơn vị đang áp dụng các giải pháp kỹ thuật mang tính phổ biến và đơn lẻ, chưa mang tính đồng bộ. Ví dụ như tôn lấy sáng, thu hồi nước mưa, tận thu tái sử dụng nước, giải pháp biến tần – bánh đà cơ học, thiết bị nạp liệu, trạm nhiệt năng sinh khối, xử lý nước thải thu hồi khí Biogas, tự động – cơ khí hóa các công đoạn chế biến RSS…
Vì vậy, Ban Công nghiệp VRG đã triển khai 2 mô hình điểm làm nòng cốt về SXSH tại Công ty CP Cao su Phước Hòa và Công ty TNHH MTV Cao su Chư Sê. Tại 2 mô hình điểm này, sẽ triển khai một cách đồng bộ các giải pháp SXSH từ nguyên liệu vườn cây cho đến thành phẩm và xử lý môi trường. Đề án mô hình điểm SXSH tại 2 đơn vị này đã triển khai từ quí IV năm 2014 và sẽ được triển khai nhân rộng ra các đơn vị trong ngành vào năm 2016.
“Qua các mô hình điểm làm nòng cốt, dự kiến năm 2016, theo chỉ đạo của lãnh đạo VRG, Ban Công nghiệp sẽ triển khai nhân rộng các mô hình đến các đơn vị chế biến cao su thiên nhiên của VRG; trong đó có xem xét đến mô hình xử lý nước thải thu hồi khí Biogas tại Nhà máy Chế biến Hiệp Đức – Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Nam, phù hợp áp dụng cho quy mô vừa và nhỏ. Bước đầu, sẽ triển khai áp dụng nguồn nhiệt năng sinh khối Biomass thay thế dần cho nhiên liệu đốt dầu và khí gas. Nguồn nhiệt này dự kiến sẽ cắt giảm chi phí nhiệt bình quân từ 20-25% so với đốt dầu Diesel. Song song đó, sẽ triển khai mô hình thu mủ sạch, đồng thời áp dụng cùng các biện pháp khác như đã nêu để giảm chi phí chế biến, tăng hiệu quả và giảm mức độ nặng nhọc cho người lao động” – ông Thái nhấn mạnh.
Ngọc Cẩm
Related posts:
- Cơ khí Cao su: Cải tiến dây chuyền mủ tờ RSS
- Nhiều tập thể và cá nhân được khen thưởng tại Hội nghị nông nghiệp Cao su Mang Yang
- Chất lượng sản phẩm Cao su Sa Thầy được đánh giá cao
- Đến năm 2020 khu vực miền núi phía Bắc đạt 32.000 ha cao su
- Nhiều dấu ấn nổi bật trong công tác nông nghiệp
- VRG sẽ ban hành suất đầu tư theo 4 khu vực
- Thu gom mủ tự động - sáng chế hữu ích
- Chẩn đoán trực tuyến dịch hại trên cây cao su
- Công tác Nông nghiệp VRG: Sẵn sàng cho tương lai
- Rà soát Tiêu chuẩn TCVN 3769:2004 - Cao su thiên nhiên SVR