7 giải pháp cho các công ty Tây Nguyên trong năm 2015

CSVN Xuân – Phó TGĐ VRG Nguyễn Văn Tân được Ban TGĐ VRG phân công phụ trách các công ty trên địa bàn Tây Nguyên. Sau một năm tập trung chỉ đạo quyết liệt, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty ở Tây Nguyên đã có những chuyển biến tích cực. Ông Nguyễn Văn Tân cho biết cụ thể thêm:
Phó TGĐ VRG Nguyễn Văn Tân (thứ hai, phải qua) kiểm tra thực địa vườn cây tại NT Ia Mơ (Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh)
Phó TGĐ VRG Nguyễn Văn Tân (thứ hai, phải qua) kiểm tra thực địa vườn cây tại NT Ia Mơ (Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh)

– Năm 2014, các công ty trên địa bàn Tây Nguyên gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là việc giá mủ cao su giảm mạnh đã ảnh hưởng trực tiếp lớn đến đời sống vật chất và tinh thần của người lao động, nhất là CN trực tiếp khai thác mủ. Trong công tác nông nghiệp, vườn cây bị rụng lá do phấn trắng, bệnh rụng lá mùa mưa trên diện tích rộng lên đến hàng ngàn ha/công ty. Cùng với đó là sự biến động lớn về lao động do giá mủ thấp, làm cho tiền lương CN khó đảm bảo cuộc sống. Khó khăn nhất là tại các Công ty Mang Yang, Ea H’leo, Krông Buk…

Tuy nhiên, các đơn vị đã có nhiều nỗ lực vượt khó. Cụ thể, các công ty đã làm tốt công tác phòng trị bệnh phấn trắng đầu mùa, triệt để tiết kiệm để giảm giá thành. Về sản lượng khai thác, ngoại trừ Công ty Mang Yang, còn lại các đơn vị đều hoàn thành kế hoạch đề ra. Trong đó, đáng biểu dương là Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum đã khai thác vượt chỉ tiêu kế hoạch 9% và là năm thứ 3 liên tiếp vượt kế hoạch, năng suất đạt 1,8 tấn/ha. Đa số các công ty kinh doanh cao su đều có lãi từ 1 – 15 tỷ đồng. Điều này phần nào giúp các công ty đảm bảo được tiền lương cho người lao động, mức bình quân từ 4 – 5 triệu đồng/người/tháng, hoàn thành việc nộp ngân sách Nhà nước.

Tết năm nay, dù gặp nhiều khó khăn nhưng các đơn vị đều cố gắng sẽ có thưởng cho người lao động, thấp thì 1 triệu đồng/người, đơn vị nhiều khoảng 5 triệu đồng/người.

Bước sang năm 2015, Ban lãnh đạo VRG có những định hướng và chỉ đạo gì nhằm ứng phó với tình hình khó khăn về công tác tiêu thụ, giá bán, sản lượng khai thác và sự biến động về lao động tại các đơn vị ở Tây Nguyên?

Ông Nguyễn Văn Tân: Dự báo năm 2015 sẽ khó khăn hơn nhiều so với năm 2014. Từ tình hình thực tế của các công ty khu vực Tây Nguyên, lãnh đạo VRG đã có những chỉ đạo cụ thể.

Thứ nhất, phấn đấu tối đa để có năng suất vườn cây cao, làm cơ sở để đảm bảo tiền lương và giảm giá thành sản phẩm. Thực hiện tốt các giải pháp kỹ thuật, tiếp tục chủ động trong công tác phòng trị bệnh phấn trắng…

Thứ hai, thực hiện tiết giảm tối đa những chi phí không cần thiết. Cố gắng nâng cao năng suất lao động như chuyển chế độ khai thác sang D4, từ đó ổn định tiền lương cho CBCNV – LĐ trong điều kiện đơn giá có thể giảm do giá bán thấp. Quyết tâm ổn định việc làm và tiền lương, nhất là với CN dân tộc thiểu số.

Công nhân trồng mới tại Công ty Chư Mom Ray. Ảnh: Văn Vĩnh
Công nhân trồng mới tại Công ty Chư Mom Ray. Ảnh: Văn Vĩnh

Thứ ba, chú trọng quan tâm đến chất lượng sản phẩm, cơ cấu sản phẩm phù hợp, tích cực tìm kiếm thị trường xuất khẩu, tăng dần tỷ lệ hợp đồng dài hạn.

Thứ tư, đẩy mạnh việc thanh lý vườn cây già cỗi, năng suất thấp, xem xét dừng mở mới một số diện tích bởi nếu năng suất thấp sẽ làm tăng giá thành.

Thứ năm, phối hợp chặt chẽ với Viện Nghiên cứu Cao su để chọn giống thích hợp, đặc biệt đối với những diện tích có cao trình trên 700m, trong lúc chúng ta đang đẩy mạnh công tác tái canh. Cùng với đó, các công ty cũng cần thực tốt việc thâm canh vườn cây KTCB, nhất là vùng có cao trình lớn và vùng rừng khộp.

Thứ sáu, tăng cường công tác tuyên truyền cho CBCNV-LĐ, nhất là CN đồng bào dân tộc thiểu số hiểu rõ tình hình hiện nay để phát huy truyền thống vượt khó, đồng hành với công ty.

Thứ bảy, phối hợp, gắn bó chặt chẽ, mật thiết với hệ thống chính quyền địa phương để cùng hoàn thành và tạo sự đồng thuận cao, nhất là trong việc ổn định tư tưởng chính trị cho người lao động trong tình hình hết sức khó khăn của năm 2015.

Văn Vĩnh (thực hiện)