Công tác Nông nghiệp VRG: Sẵn sàng cho tương lai

CSVN – Trong tương lai gần, diện tích cao su của VRG sẽ bị thu hẹp lại nhưng vấn đề đặt ra đó là năng suất, sản lượng phải tăng dần từ 2022 đến 2030. Để làm được điều đó, hiện nay VRG và các đơn vị thành viên phải có những bước chuẩn bị, bắt tay vào thực hiện để sẵn sàng cho những thay đổi trong tương lai.

Các đại biểu tham dự Hội nghị nông nghiệp tìm hiểu thiết bị Drone dùng để phun thuốc trị bệnh phấn trắng
Diện tích giảm, sản lượng tăng

Với tốc độ phát triển của Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa như hiện nay thì dự báo trong thời gian sắp tới, diện tích cao su sẽ dần dịch chuyển từ khu vực thuận lợi như ở Đông Nam bộ sang khu vực Tây Nguyên, một phần miền núi phía Bắc và một phần miền Trung là điều dễ hiểu bởi do yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội. Diện tích cao su của VRG cũng sẽ giảm dần cho dịch chuyển đất đai để phục vụ các ngành công nghiệp dịch vụ. Tuy nhiên, VRG xây dựng kế hoạch về nông nghiệp từ nay đến năm 2030 là năng suất và sản lượng theo tiến trình tăng hơn so với những năm qua. Diện tích giảm, sản lượng tăng – để thực hiện được mục tiêu này cần có sự thực hiện đồng bộ từ khâu quản lý, chỉ đạo từ VRG đến các đơn vị, đặc biệt là sự nỗ lực, vươn lên của chính các đơn vị. Thách thức của thị trường, của giá cả, thách thức về lao động, thách thức của bức tranh toàn cảnh chung của kinh tế địa phương bắt buộc các đơn vị phải bằng năng lực của chính mình để bứt phá, vươn lên. Và không phải “phát triển bằng mọi cách”, mà là phải “phát triển bền vững”.

Ban Quản lý kỹ thuật VRG xây dựng kế hoạch năng suất bình quân toàn VRG sẽ đạt mức 1,8 tấn/ ha trong năm 2030. Đặc biệt có sự chênh lệch năng suất giữa các vùng miền, theo đó năng suất của khu vực Đông Nam bộ sẽ giảm vì diện tích vườn cây năng suất cao có thể bị quy hoạch chuyển sang xây dựng khu công nghiệp hoặc thực hiện các công trình phúc lợi ở địa phương…

Vậy giải pháp nào để đạt được mục tiêu tăng sản lượng, tăng năng suất vườn cây? Tại Hội nghị nông nghiệp khu vực Đông Nam bộ và Tây Nguyên được VRG tổ chức vào ngày 17/5 tại TCT Cao su Đồng Nai, ông Lê Thanh Hưng – TGĐ VRG đã ghi nhận những nỗ lực của các đơn vị trong thời gian qua, đồng thời yêu cầu các đơn vị tùy vào tình hình thực tế của đơn vị để áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào việc trồng, chăm sóc và khai thác cao su.

Hội nghị cũng xác định, cơ giới hóa là một yếu tố quan trọng giúp các đơn vị nhanh chóng đạt được những mục tiêu đề ra trong việc tăng giá trị sử dụng đất, nâng cao năng suất lao động, năng suất vườn cây… Đơn cử như TCT Cao su Đồng Nai trong 3 năm gần đây đã đẩy mạnh việc ứng dụng cơ giới hóa vào việc tái canh, chăm sóc vườn cây kiến thiết cơ bản. Kết quả cho thấy tiến độ thực hiện công tác tái canh hoàn thành rất sớm so với những đơn vị khác, vườn cây sinh trưởng tốt và thu nhập NLĐ tăng lên.

Ông Phạm Hải Dương – Trưởng ban Quản lý kỹ thuật VRG cho biết: “Các đơn vị phải sẵn sàng chủ động ứng phó với những thách thức về giá cả, về xu hướng dịch chuyển đất đai sang những ngành công nghiệp dịch vụ. Với mục tiêu phát triển nông nghiệp từ nay đến năm 2030 của VRG, các đơn vị cần phải cụ thể hóa các giải pháp vào thực tế vườn cây, trong đó cơ giới hóa là một trong những yếu tố mà các đơn vị cần chú trọng và đẩy mạnh hơn nữa”.

Những năm qua, TCT Cao su Đồng Nai đã đầu tư hệ thống thiết bị, máy móc hiện đại phục vụ cho công tác tái canh và chăm sóc vườn cây kiến thiết cơ bản
Chú trọng công tác phòng bệnh hại

Công tác phòng trị bệnh hại, công tác bảo vệ thực vật cũng cần phải chủ động trên vườn cây nhằm nâng cao năng suất, chất lượng. Đối với công tác phòng trị bệnh hại thì việc “phòng” đóng vai trò rất quan trọng, nhất là trong tình hình xuất hiện nhiều bệnh hại tác động lớn để vườn cây, đặc biệt là bệnh rụng lá đốm tròn mới phát hiện trên vườn cây cao su ở Việt Nam.

Điều đáng lo ngại là bệnh phát sinh rất sớm ngay cả trong mùa khô khi ẩm độ môi trường vẫn còn ở mức thấp. Tác hại của bệnh gây rụng lá hơn 50% làm giảm năng suất từ 15 – 40%. Các vườn cây bị thiệt hại nặng nhất buộc phải ngưng thu hoạch mủ. Hiện nay, các biện pháp kiểm soát bệnh vẫn còn trong giai đoạn thử nghiệm và chưa có quốc gia nào khống chế, kiểm soát được dịch. Công tác phòng trị bệnh gặp nhiều khó khăn do chưa xác định được cách phun, nồng độ và liều lượng thuốc, thời điểm phun, số lần phun phù hợp. Trong thực tế việc phun thuốc trừ nấm rất khó khăn, tốn kém và hiệu quả không rõ rệt. Hầu hết các hộ tiểu điền không biết cách thức, thiết bị và đặc biệt là không có tài chính để phòng trị bệnh.

Đối với Việt Nam, bệnh rụng lá đốm tròn mới phát triện trên cây cao su nên những hiểu biết về dịch tễ học của bệnh còn hạn chế. Nguy cơ bệnh lan rộng là khó tránh khỏi vì những lý do sau: Bệnh đã xuất hiện, mầm bệnh đã phát tán, việc xử lý triệt tiêu hoàn toàn mầm bệnh là bất khả thi; nguồn bệnh lây lan trên các vườn cây tiểu điền sẽ dẫn đến bùng bệnh, không thể kiểm soát, do đó cần có các giải pháp thích ứng lâu dài với loại bệnh mới này.

Đa dạng hóa sản phẩm có giá trị trên đất trồng cao su

Lãnh đạo VRG và Ban Quản lý kỹ thuật nhấn mạnh rằng việc duy trì diện tích “thuần” cao su như hiện nay sẽ không có hiệu quả trong dài hạn, vì vậy, cần phải thay đổi mô hình sản xuất phù hợp và bắt đầu từ công tác tái canh từ năm 2022 trở đi. Chủ trương trồng xen trên đất cao su không chỉ mới “khởi sự” trong thời gian gần đây mà VRG đã có chủ trương từ năm 2015. Việc đa dạng hóa sản phẩm có giá trị trên đất trồng cao su rất cần thiết nhằm phát huy lợi thế về diện tích, sự đa dạng về thổ nhưỡng và tiềm lực khoa học công nghệ của VRG.

Trồng xen cây lâm nghiệp trên vườn cao su đã được nghiên cứu, thử nghiệm tại mốt số quốc gia trồng và phát triển cao su trên thế giới như Ấn Độ, Indonesia và Campuchia. Tại Việt Nam, mô hình trồng xen cây lâm nghiệp lấy gỗ cũng được áp dụng bước đầu tại một số đơn vị trực thuộc VRG, điển hình như Cao su Lộc Ninh đã xây dựng thí điểm mô hình trồng xen keo lai, giá tỵ và keo lá tràm với mục tiêu ban đầu là thiết lập mô hình chắn gió bão giúp hạn chế gãy đổ của cao su trong suốt chu kỳ khai thác mủ. Kết quả bước đầu cho thấy cùng thời gian trồng nhưng cây keo lai có sinh trưởng vượt trội so với cao su. Khả năng sinh trưởng của cao su ở mô hình trồng xen keo lại cũng bị ảnh hưởng so với các vườn cao su không trồng xen.

Trước thực tế đó, VRG khuyến khích mô hình trồng xen cao su gỗ – mủ, nghĩa là cây cao su được trồng xen trên vườn cao su tái canh, trồng mới với giống trồng, khoảng cách và mật độ trồng thích hợp. Mô hình này có lợi thế về mặt quản lý và kỹ thuật hơn mô hình trồng xen cây lâm nghiệp và là mô hình khả thi đáp ứng các mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng đất, giảm suất đầu tư cho vườn cây cao su giai đoạn kiến thiết cơ bản và ổn định nguồn gỗ nguyên liệu. Hiện tại, mô hình này đã được áp dụng thí điểm tại Cao su Phước Hòa, Đồng Phú, Lộc Ninh và Dầu Tiếng.

Ông Lê Thanh Tú – Phó TGĐ VRG khẳng định rằng, hoạt động của lĩnh vực nông nghiệp của VRG là hoạt động then chốt, có vị trí quan trọng trong định hướng, dẫn dắt ngành cao su ngày càng phát triển. Tại Hội nghị nông nghiệp, ông đã phân tích những thách thức, khó khăn của lĩnh vực này trong hiện tại và thời gian sắp tới. Đồng thời đề nghị các đơn vị cần chủ động trong hoạt động sản xuất.

MINH NHIÊN