CSVNO – Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ kỳ vọng các kết quả của COP26 sẽ tạo ra hành tinh xanh hơn, hỗ trợ cho sự sống của trên 7 tỷ người dân toàn cầu.
Sáng 1/11, tại Glasgow (Vương quốc Anh), Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã tham gia Hội thảo do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì với chủ đề “Kiến tạo tương lai bền vững và thịnh vượng thông qua đầu tư tư nhân”.
Hội thảo có sự tham dự của hàng chục doanh nghiệp hàng đầu trong và ngoài nước, thảo luận về định hướng và giải pháp thu hút đầu tư doanh nghiệp, hỗ trợ tăng trưởng xanh và bền vững tại Việt Nam, nhân dịp Thủ tướng tham dự Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).
Hội thảo còn thu hút hơn 300 lãnh đạo cấp cao của các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài là khách hàng của Standard Chartered và các doanh nghiệp là thành viên của Hiệp hội Doanh nghiệp Anh Quốc tại Việt Nam (BritCham Việt Nam).
Tại hội thảo, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu rõ trong bất cứ hoàn cảnh nào, từ quá khứ đến tương lai, trước, trong hay sau đại dịch Covi-19 thì lương thực thực phẩm đều là mặt hàng thiết yếu của mỗi quốc gia và toàn cầu. Với lợi thế về nông nghiệp, Việt Nam đang vươn lên thành nước xuất khẩu hàng đầu về các sản phẩm nông nghiệp nhiệt đới, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ.
Lợi thế về nông nghiệp của Việt Nam đã thu hút được đáng kể doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và các ngành liên quan. Đến nay đã có hơn 55.00 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và những lĩnh vực liên quan, chiếm khoảng 8% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước. Nông nghiệp Việt Nam đã thu hút được các tập đoàn lớn và có tiếng trong lĩnh vực nông nghiệp trên thế giới, và có những dự án FDI trong nông nghiệp trị giá gần 1 tỷ USD.
Tuy nhiên, đứng trước bối cảnh mới với nhiều thách thức, mà rõ nét nhất là biến động thị trường, biển đổi khí hậu và thay đổi trong thói quen tiêu dùng, đặc biệt tại các thị trường xuất khẩu đòi hỏi tiêu dùng cí tính bền vững và xanh hơn, nông nghiệp Việt Nam cần chuyển mình để đáp ứng các yêu cầu mới, trước tiên là của thị trường.
Bộ trưởng chia sẻ, hiện Bộ NN-PTNT đang dự thảo Chiến lược nông nghiệp và phát triển nông thôn đến 2030 và tầm nhìn đến 2050. Bộ đang tham khảo ý kiến của các đối tác quốc tế trong việc xây dựng Chiến lược, đảm bảo Chiến lược mang hơi thở của thời đại, hướng tới một nền kinh tế nông nghiệp, dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo, thúc đẩy tăng trưởng xanh trong nông nghiệp.
Trên cơ sở đó, nông nghiệp Việt Nam sẽ chuyển mình để trở thành nhà cung ứng lương thực thực phẩm minh bạch – trách nhiệm – bền vững cho toàn cầu. Bộ trưởng kêu gọi các nhà đầu tư tập trung vào phát triển nông nghiệp tri thức, chế biến nông lâm thủy sản, đa dạng hóa sản phẩm có giá trị gia tăng cao, và logistics phục vụ chuỗi giá trị nông nghiệp.
Chia sẻ với các nhà đầu tư về tác động của biến đổi khí hậu tới phát triển nông nghiệp, đặc biệt tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu và thiên tai, Việt Nam đang phải đối mặt với tổn thất và thiệt hại, những mất mát vượt ra ngoài khả năng ứng phó ngay cả khi đã áp dụng các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Biến đổi khí hậu đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, trong đó, nông nghiệp là lĩnh vực dễ bị tổn thương nhất.
Trong 30 năm qua, bình quân thiệt hại kinh tế do biến đổi khí hậu khoảng 1,5% GDP/năm và ước tính thiệt hại có thể từ 3 – 5% GDP/năm trong thời gian tới. Đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất là người dân ở khu vực miền núi và ven biển, nhất là nhóm người nghèo, phụ nữ và trẻ em.
Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích khoảng 40,5 ngàn kilômét vuông, dân số hiện nay là hơn 21,5 triệu người, là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước, đóng góp chủ yếu cho việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và đóng góp trên 50% xuất khẩu nông sản, thủy sản ra thế giới.
Tuy nhiên, Việt Nam xem biến đổi khí hậu vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội để thay đổi định hướng chính sách, tối ưu hoá các nguồn lực đầu tư, thu hút hỗ trợ công cho ngành nông nghiệp.
Nông nghiệp Việt Nam cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng “tích hợp đa giá trị”, theo hướng “công nghệ cao, sinh thái, trách nhiệm, bền vững”. Đổi mới và phát triển “thuận thiên”. Đẩy mạnh chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm theo hướng “xanh”, giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Chú trọng phát triển kinh tế nông thôn, bảo vệ môi trường sinh thái, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên, duy trì và bảo tồn đa dạng sinh học.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ kỳ vọng đối với các kết quả của COP26 sẽ tạo ra hành tinh xanh hơn, hỗ trợ cho sự sống của trên 7 tỷ người dân toàn cầu. Thế giới có trách nhiệm tạo ra các hành động tập thể cho phát triển bền vững, trong đó đặc biệt lưu ý tới các vùng, quốc gia dễ bị tổn thương do thiên tai và biến đổi khí hậu. Bộ trưởng kêu gọi các nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế chung tay cùng Chính phủ Việt Nam đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng nông nghiệp, vừa phục vụ sản xuất, vừa phục vụ phát triển kinh tế nông thôn, sẵn sàng ứng phó với biến đổi khí hậu.
theo Nông nghiệp Việt Nam
Related posts:
- Để vườn cây chất lượng tốt, năng suất cao
- VRG thực hiện phát triển 20.000 ha rừng
- Sản xuất cao su từ cây cúc sa mạc (guayule)
- Trồng đúng giống + Chăm sóc tốt = Cao su vẫn có lãi
- Tiểu điền chăm sóc cao su cầm chừng, chờ giá mủ lên
- Philippine tăng cường theo dõi, giám sát dịch bệnh rụng lá Pestalotiopsis gây hại cao su
- Xây trạm cán vắt tại vườn nhằm sản xuất SVR 10, 20 chất lượng, hiệu quả
- Vườn cây ảnh hưởng nắng hạn, khó hoàn thành kế hoạch
- Trồng keo gỗ lớn: 'Cái khó bó cái khôn'!
- Ban hành quy chế bán cao su thanh lý