Cần phải nhìn lại chuyện lễ hội

 

CSVN – Những tháng đầu năm ở nước ta luôn là tháng của lễ hội (LH), cúng chùa chiền. Người ta đi chùa, tham gia LH để thể hiện lòng thành tâm, cầu quốc thái dân an, bản thân và gia đình may mắn, đồng thời để có dịp hòa mình vào những nghi lễ đậm sắc văn hóa của nước Việt. Nhưng những cảnh “cướp lộc”, “đánh nhau”… đã và đang xảy ra tại các LH vừa qua, đã phần nào làm hoen ố hình ảnh văn hóa của “đất nước ngàn năm văn hiến”, làm chúng ta phải suy nghĩ lại về việc tổ chức các LH…
Lễ hội được hưởng ứng nhất là gắn với lòng yêu nước
Lễ hội được hưởng ứng nhất là gắn với lòng yêu nước

Đã có một thời kỳ khá dài, với nhiều nguyên do, mà những LH, chủ yếu là ở miền Bắc, bị lãng quên. Rồi thì, như một cuộc “ăn trả bữa” sau ốm, những LH được khôi phục và được tổ chức tưng bừng, hoành tráng, kéo dài trong cả nước.

Những LH được hưởng ứng nhất là LH gắn với lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu những nhân vật lịch sử của đất nước, và yêu kính những thánh thần trong truyền thống vẫn phù hộ cho đất nước, cho nhân dân. Những LH như thế cần được phát huy tối đa, và luôn gắn với tinh thần yêu nước, sự giáo dục lòng yêu nước trong các thế hệ người VN. Ví dụ như: LH Yên Tử, đang diễn ra với hàng chục vạn người tham dự nhằm tưởng nhớ Hoàng đế Trần Nhân Tông-người khai sinh Phật phái Trúc lâm Yên Tử-người đã lãnh đạo quân và dân Việt đánh thắng quân Nguyên xâm lược. Yên Tử bây giờ đã thành một địa điểm du lịch vừa mang tính tâm linh vừa là danh thắng độc đáo, nhưng nếu không gắn với hình ảnh vua Trần Nhân Tông, không gắn với lòng yêu nước VN, thì làm sao LH thu hút được một lượng người tham dự lớn đến như vậy! Những LH khác được hưởng ứng nhiệt liệt cũng đều khởi phát từ một nguồn văn hóa: văn hóa yêu nước.

Bộ VH-TT và DL cho biết, hàng năm nước ta có tới 7.966 LH, trong đó có 7.039 LH dân gian, 322 LH lịch sử, 544 LH tôn giáo, 64 LH văn hóa du lịch, ngày hội văn hóa và 10 LH “nhập khẩu” từ nước ngoài. Trung bình mỗi ngày trên đất nước có 22 LH. Đó là chưa kể ngày kỷ niệm các kiểu vì đơn vị nào cũng muốn có ngày riêng, ai cũng muốn biến chúng thành LH vào dịp sinh nhật chẵn, được nhận huân chương hay bất kỳ lý do gì mà người ta có thể nghĩ ra.

Tết và LH là biểu tượng cảnh thái bình, thịnh trị của quốc gia, cổ súy cho du lịch hay nghề thủ công, ẩm thực truyền thống, giao hòa văn hóa các vùng miền, các thế hệ, thậm chí các tín ngưỡng. Nhưng chưa ai thử tính xem đất nước đã mất bao nhiêu thời gian, công của; phải dành bao nhiêu tàu xe để dân “trẩy hội”. LH dài nhất là ba tháng, có hàng triệu lượt người tham gia như chùa Hương (Hà Nội), ngắn nhất cũng một ngày.

Nếu tính bình quân mỗi LH là ba ngày, với 1.000 người tham gia thôi thì hàng năm VN đã bỏ ra ít nhất 24 triệu ngày công để vui chơi với LH truyền thống! Đó là chưa kể công sức tiền của cho những lễ kỷ niệm xem ra mỗi ngày một nhiều hơn, màu mè nhiều hơn. Rõ ràng là, bỏ cả tháng Giêng để “ăn chơi” cũng chưa đủ! Vậy mà giá ngày công thời công nghiệp hóa mỗi ngày một đắt, năm không còn rộng, tháng cũng chẳng dài, chậm chân một giây là mỗi giây đất nước chịu thêm cảnh nghèo nàn, lạc hậu.

Hàng nghìn người đến dự lễ hội chùa Hương hàng năm
Hàng nghìn người đến dự lễ hội chùa Hương hàng năm

Không phải bây giờ mà từ ngày xưa, khi bắt đầu tiếp xúc với văn hóa phương Tây, nhiều người đã nhận ra sự ăn Tết và hội hè đình đám của dân ta có vấn đề. Dư luận hiện nay cũng phàn nàn nhiều với LH và kỷ niệm rườm rà, hình thức, tốn kém và lãng phí, bị một số người trục lợi.

Đã đến lúc cần phải nhìn lại chuyện ăn Tết và LH. Chúng ta không chống LH và kỷ niệm nhưng đã đến lúc nên chứng tỏ tầm nhìn của mình trong thế giới hội nhập. Liệu có bao nhiêu trong số gần 8.000 LH hàng năm để lại cho du khách và dân chúng ấn tượng sâu sắc về văn hóa, có tiếng vang ra nước ngoài để đưa lại lợi ích du lịch cũng như gây dựng được tình yêu với con người và cảnh sắc nước Việt? Liệu có bao nhiêu trong số đó “tan hội ra về” mà nâng cao được tầm nhìn, tạo được cảm hứng sáng tạo và đổi mới cho xã hội? Có bao nhiêu đánh dấu được mốc thời gian với những bước đi vững chắc của dân tộc hướng về phía trước, thoát được mặc cảm một nước nghèo?

Bộ VH-TT và DL đã có nhiều văn bản nhằm chấn chỉnh và quản lý các LH. Nhưng các biện pháp hành chính sẽ chẳng có nghĩa gì cho đến khi nào bản thân người dân vì nhận thức, vì điều kiện sống mới, mà tự thấy có nhu cầu thay đổi với một số LH. Vấn đề là tất cả chúng ta cần tỉnh táo để chống lại nguy cơ xa rời văn hóa của những sự kiện văn hóa. Chúng đang bị lợi dụng vì rất nhiều mục đích, trừ mục đích văn hóa. Hãy làm sao để sau những sự kiện xã hội trọng đại của năm như ngày Tết, ngày hội, ngày kỷ niệm lớn, thực sự có ích với mỗi người chúng ta, có ích cho đất nước.

Đức Trung