(Tiếp theo kỳ trước)
CAO SU CHIẾN
Năm 1945 là một mốc thời gian trọng yếu đối với người Việt Nam và ngành công nghiệp cao su. Đầu tiên, cuộc đảo chính ngày 9/3 dẫn đến việc quân đội Nhật Bản bao vây và bắt giữ những công dân, binh lính và quan chức người Pháp. Cuộc đảo chính này đã chấm dứt một cách hiệu quả nền cai trị của thực dân Pháp, bỏ lại ngành công nghiệp cao su trong tình trạng xáo trộn và thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc trong lực lượng công nhân Việt Nam.
Đồn điền giữ vị trí trọng yếu trong nỗ lực hiện đại hóa nền nông nghiệp
Năm đó, nạn đói vốn khiến hơn một triệu người chết ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ cũng lên đến đỉnh điểm. Vào ngày 14/8, sau khi bom nguyên tử thứ hai được thả, Nhật Bản đầu hàng lực lượng Đồng minh, để lại khoảng trống quyền lực về quân sự và chính trị trên khắp Đông Nam Á. Vào ngày 19/8, Việt Minh nhanh chóng nắm quyền kiểm soát tại Hà Nội và nhiều tỉnh khác. Ngày 2/9, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố nền độc lập của Việt Nam và công bố sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Ngày 23/9, lực lượng Pháp được giải phóng khỏi các trại của Nhật Bản và được quân đội Anh hậu thuẫn nên nắm lại quyền lực ở Sài Gòn và từ từ tiến về vùng nông thôn, bao gồm cả các đồn điền. Họ cho thấy rằng không thể làm được điều tương tự ở phía Bắc, nơi đang bị quân đội Trung Hoa Dân quốc chiếm đóng. Vào thời điểm lực lượng Viễn chinh Pháp đổ bộ vào ngày mồng 3/10, một cuộc đàm phán phức tạp về quyền lực giữa các lực lượng chính trị và quân sự được bắt đầu. Cuối cùng, một ngày sau lễ Giáng sinh, người Pháp báo hiệu ý định cung cấp nguồn lực cho một cuộc chiến tranh bằng việc định lại tỷ giá đồng Đông Dương từ 10 lên 17 đồng franc, điều này làm tăng sức mua của đồng Đông Dương, nhưng lại gây khó khăn đối với những người đang sinh sống trên bán đảo này.
Cả người Pháp, chính quyền kế tiếp ở miền Nam Việt Nam và Campuchia, Việt Minh và lực lượng Cao Đài đều coi nền công nghiệp cao su, bao gồm đồn điền và nguồn lao động, như tài sản quan trọng trong cuộc đấu tranh chính trị và quân sự sắp tới. Việt Minh đã phá hủy một số cơ sở sản xuất cao su trong suốt thời kỳ Chiến tranh Thế giới lần thứ II, nhưng người Pháp đã bán đi hầu hết cổ phần sau khi cuộc chiến kết thúc. Những hồi ức về ngành công nghiệp cao su thời thuộc địa đã cho thấy quan điểm của các tác nhân này đối với các đồn điền. Từ quan điểm của người Pháp, ngành công nghiệp cao su đã cung cấp phương tiện để khởi động lại nền kinh tế Đông Dương, và các đồn điền giữ vị trí trọng yếu trong nỗ lực hiện đại hóa nền nông nghiệp thông qua những cải cách về kỹ thuật, xã hội, chính trị và tài chính. Các thành phần cầm quyền ở thuộc địa trước đây xem các đồn điền là những tổ chức có thể giải quyết được các vấn đề phức tạp của quá trình thuộc địa hóa mà có liên quan đến lao động và mang lại những sự cải thiện đồng thời cho điều kiện sống ở vùng nông thôn lẫn việc làm gia tăng xuất khẩu sản phẩm từ nông nghiệp.
Một trong những vấn đề cấp bách thời hậu chiến mà ngành công nghiệp cao su phải đối mặt là làm thế nào để gầy dựng lại lực lượng lao động. Vào năm 1946, theo Hiệp hội Những Người trồng Cao su (Union des planteurs de caoutchouc), chỉ có 15.000 công nhân làm việc ở Nam Kỳ và Campuchia, trong khi ngành công nghiệp cao su có khả năng thuê tới 60.000 nhân công. Chính phủ Pháp tỏ ý ủng hộ việc tuyển thêm lao động cho các đồn điền, và tại một hội nghị tổ chức vào tháng 6 ở Đà Lạt, lãnh sự Pháp đã dành 1 điểm trong kế hoạch 7 điểm của ông ta cho việc gia tăng số lượng công nhân đồn điền. Nhiều đề xuất nhằm giải quyết vấn đề khan hiếm lao động đã được đưa ra bàn luận, bao gồm cả cơ giới hóa hơn nữa các đồn điền và khuyến khích tăng cường tuyển dụng công nhân tại miền Nam. Khi những sáng kiến này không đem lại hiệu quả, những chủ đồn điền đã xem xét đến các biện pháp cưỡng bức lao động mà đã được Thanh tra Lao động phê chuẩn, bao gồm bắt giữ lại những công nhân cũ và gia hạn hợp đồng lao động hiện thời. Các chủ đồn điền cũng quan tâm đến việc sử dụng người Việt Nam trở về từ nước ngoài, song cũng nhận thức rằng những nhân công này có khuynh hướng tìm kiếm mức lương cao và thích được sử dụng những kỹ năng tiên tiến mà họ đã học được trong suốt thời chiến hơn là làm việc ở các đồn điền. Cuối cùng, các điển chủ đã thảo luận về việc phục hồi lại kế hoạch thời thực dân để tuyển dụng lao động nước ngoài và nhắm tới những người Tamil, người Thượng, thậm chí cả những lao động người Nam Dương bị bỏ lại ở Xiêm La trong làn sóng rút quân của đế quốc Nhật.
Đông đảo công nhân cao su tham gia kháng chiến
Đảng Cộng sản Đông Dương cũng rất khẩn trương chuẩn bị cho cuộc kháng chiến và trong ván cờ chiến lược. Các lực lượng ở địa phương không chịu nằm yên, họ khơi những ký ức về cảnh quan đồn điền để chuẩn bị cho một cuộc chiến chống lại sự trở lại của thực dân Pháp như một cuộc kháng chiến chống xâm lược.
Họ cũng đặt ra những khẩu hiệu và làm thơ chống lại các đồn điền, trong đó có nhiều câu nhấn mạnh mối liên hệ giữa thân xác những người công nhân và cây cao su. Một đoạn thơ miêu tả: “Cao su xanh tốt lạ đời/ Mỗi cây bón một xác người công nhân” Sự đánh đồng một mạng công nhân với một cây cao su đã nhấn mạnh cách nhìn của Việt Minh cho rằng cơ chế ở đồn điền đã khiến người lao động phải chống lại cây cối. Những khẩu hiệu như vậy cũng chống lại những quan điểm man rợ, lên án chủ nghĩa tư bản của thực dân Pháp coi trọng cây cao su hơn mạng sống con người. Điều này có thể tóm lại bằng câu nói: “mạng người không quý bằng một cây cao su”. Việt Minh tuyên bố rằng, chủ nghĩa xã hội sẽ mang lẽ phải đến những đồn điền bằng việc đảo ngược sự bất công này và giúp con người khuất phục được cây cao su.
Ban đầu, các ấn phẩm của Việt Minh kêu gọi phá hủy cây cao su và các đồn điền. Một khẩu hiệu lúc bấy giờ kêu gọi công nhân “biến đồn điền cao su thành mặt trận để tiêu diệt kẻ thù”. Sự thúc đẩy của thực tiễn kết hợp với sự thúc đẩy về tư tưởng đã cổ vũ Việt Minh phát động Mặt trận Cao su chiến, với nhiệm vụ chặt phá cây và phá hủy phương tiện sản xuất cao su. Trái ngược với “những tên cướp” và những thành phần vô chính phủ khác trước đây từng sống dựa vào những khu rừng hoang và khu vực có môi trường phức tạp để cản trở những người truy đuổi mình, thì cả Việt Minh và người Pháp đều thực hiện phương cách của mình dựa vào những hàng cây thẳng tắp và sự độc canh của những đồn điền.
Động lực kinh tế và các chiến lược cũng dẫn đến những cuộc tấn công đồn điền. Các lãnh đạo Việt Minh đã lập luận rằng người Pháp đến Đông Dương đơn thuần là vì lợi nhuận và rằng chính cao su đã đóng góp trực tiếp vào nỗ lực chiến tranh của Pháp. Một nhà báo ở phía Bắc Việt Nam, Điệp Liên Anh, đã nhận định rằng “một cây cao su tương đương với một kẻ thù. Hủy diệt một cây cao su là giết được một tên xâm lược”. Không có gì đáng ngạc nhiên khi tấn công trực tiếp vào đồn điền là một phần trong chiến lược của Việt Minh nhằm tàn phá nền kinh tế thực dân nhiều nhất có thể.
HÀ KHUÊ
(trích từ Sách “Cây cao su ở Việt Nam dưới góc nhìn Lịch sử – Sinh thái (1897 – 1975)” của tác giả Michitake Aso, NXB Tổng hợp TPHCM, tháng 6/2023)
(Xem tiếp kỳ sau)
Related posts:
- “Tiếng hát Công nhân cao su 2015” Khu vực I - Sapa đã sẵn sàng
- "Ca sĩ" cao su sao chưa tham gia "Tiếng hát mãi xanh"?
- Cao su Dầu Tiếng tổ chức Hội trại Hoa phượng đỏ lần thứ 17
- Bảo tồn các nghi lễ đặc trưng của đồng bào dân tộc JRai
- Phát huy sức mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục trong tình hình mới
- Hội thao CNVC – LĐ VRG: Giao lưu, chia sẻ, học hỏi
- Khởi sắc từ những giọng ca công nhân
- Mãn nhãn Hội diễn Khu vực V
- Hào hứng trước Hội thi “Tiếng hát công nhân cao su” khu vực I
- Vào mùa