Người Ka Dong cúng lúa mới: Cảm tạ thần linh, mong điều tốt lành

CSVN – Tục cúng lúa mới là lễ cúng tế của người dân tộc Ka Dong, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum và thường được bắt đầu trong tháng 8. Cúng lúa mới nhằm cầu mong cho lúa chín sớm, chim chuột không phá hoại, bão lụt không xảy ra, cầu mong cho có lúa ăn cả năm và năm sau sẽ được mùa.
Lễ hội Ká-pêê-nau của người Ka Dong. Nguồn: Internet
Lễ hội Ká-pêê-nau của người Ka Dong. Nguồn: Internet
Cầu mưa thuận gió hòa

Chúng tôi theo chân anh A Xắp – cán bộ văn hóa xã Pờ Ê vào thôn Vi Ktàu, may mắn chứng kiến bà trong thôn đang ăn lúa mới. Sau khi mỗi người chào hỏi nhau bằng tiếng địa phương, gia chủ mời chúng tôi ngồi vào tham gia cùng ăn lúa mới. Mỗi người ngồi quanh bên ghè rượu và bếp lửa, cùng nhau trò chuyện trong không khí vui vẻ, vì năm nay nhà nào cũng được mùa bội thu.

Với tục cúng lúa mới có từ xa xưa, mà cha ông họ truyền lại cho thế hệ sau cứ theo vậy cúng để tạ ơn với thần linh. Gặt lúa mới về cúng, phải là đám ruộng dành riêng cấy trước và năm nào cũng cấy ở ruộng đó và khi chín thì buổi sáng bố hoặc mẹ đi gặt trước để làm lễ cúng. Thường thì gia chủ cúng buổi sáng và cả gia đình ăn phép trước, buổi chiều tối mời bà con trong thôn sang ăn lúa mới.

Trò chuyện với chúng tôi, già A Thông tâm sự, “Sáng ra là tôi cùng vợ đã ra ruộng lúa cấy đầu tiên để gặt chừng 2 đến 3 bó, để về đập lấy hạt. Sau lấy hạt rang chín và bỏ vào cối giã cho nát và làm cho sạch để làm lễ vật cúng. Lễ vật cúng là 1 con gà hay 1 con heo nhỏ, 3 ghè rượu và những hạt lúa chín được giã nát thành bột mới gặt về. Khi cúng xong, cả gia đình cùng ăn phép trước, tối đến cùng bà con trong thôn quay quần bên những ghè rượu cùng ăn lúa mới, đánh cồng chiêng và nhảy múa”.

Trong lễ cúng, già A Thông làm phép và cúng xin 3 lần, khi đang giã gạo thì lấy cây rừng Kagư có mùi thơm đốt lên cối giã gạo rồi cúng và xin. Cứ thế già A Thông tiếp đến cắt vài giọt tiết gà vào bát gạo mới giã thành bột để làm lễ và cúng. Lần cuối thì ông lấy ít gan của gà đã được luộc chín bỏ vào ghè rượu làm phép và cúng “cầu mong lúa chín sớm, chim chuột không phá hoại, bão lũ không có để thu hoạch kịp thời vụ, cầu mong cho có lúa ăn cả năm và năm sau sẽ được mùa”.

Giữ gìn bản sắc

Ngoài ăn lúa mới đồng bào dân tộc H`re còn cúng khi lúa về kho, cúng ăn Tết chuột, cúng ngày lên ruộng cấy… với những nét văn hóa đậm bản sắc như vậy, có thể nói bà con nơi đây có đời sống tâm linh rất phong phú. Là dịp để bà con nơi đây bày tỏ những tình cảm và mong ước của mình với núi rừng, nương rẫy đã tạo ra của cải, vật chất để dân làng có cuộc sống ấm no, luôn có lúa ăn để không bị đói.

Anh A Sắp – cán bộ văn hóa xã Pờ Ê cho biết: “Bà con đồng bào nơi đây có cuộc sống còn nghèo khổ, chủ yếu là tự cung tự cấp nên cầu mong thần linh cho cuộc sống đủ ăn cả năm và không bị đói, làm ăn không xui xẻo…xuất phát từ đời sống nương rẫy nên hình ảnh cây lúa từ lâu đã in sâu vào cuộc sống, tâm thức của người H`re, nên cứ đến mùa lúa chín là nhà nào cũng cúng lúa mới. Nhưng cách cúng thì mỗi đồng bào có cách cúng và tín ngưỡng riêng, mang đậm nét văn hóa riêng của từng vùng”.

Tục cúng lúa mới là nét văn hóa truyền thống lâu đời của người đồng bào dân tộc thiểu số ở Kon Tum, vừa thể hiện sự tôn kính tới thần linh đã cho bà con một năm thu hoạch bội thu. Mặt khác, đây là thời điểm tốt nhất để bà con trò chuyện, trao đổi những kinh nghiệm trong lao động, sản xuất, săn bắn và trao truyền các nghề truyền thống, qua đó giúp cho các thế hệ sau học hỏi và làm theo, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc Tây Nguyên.

Tuấn Anh – Kim Sơn