Việt Nam đăng cai thành công Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games 31): Thành công và thách thức

CSVN – Phải thấy rằng, trong đại dịch Covid toàn cầu, việc Việt Nam đăng cai thành công Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games 31) là một tiếng vang lớn trong lòng bạn bè quốc tế.

Các cổ động viên Việt Nam góp phần cho thành công của SEA Games 31.

Trong lúc rất nhiều nước đang chật vật chống chọi với dịch bệnh đang càn quét  nặng  nề  (ngay cả Trung Quốc vẫn  đang  phong  tỏa bằng chủ trương zero Covid) thì ngày hội thể thao Đông Nam Á tại 12 tỉnh thành phía Bắc vẫn diễn ra rầm rộ quy mô.

Hãy nhìn những khán đài chật kín khán  giả,  không  những  bóng đá mà rất nhiều môn với lượng cổ động viên cuồng nhiệt là hình ảnh đẹp với bạn bè quốc tế, điều mà không nhiều quốc gia láng giềng có được. Sân Cẩm Phả luôn náo nhiệt khi các đội bóng đá nữ tranh tài. Nếu có đội nữ VN thi đấu thì lượng khán giả luôn trên 16.000 người. Sân Thiên Trường dù không có VN thi đấu nhưng có trận trên 30.000 khán giả dự khán. Huấn luyện viên (HLV)  đội tuyển Lào phải thốt lên: Sân Thiên Trường như sân nhà của đội tuyển Lào. Sau mỗi trận đấu các cầu thủ Thái Lan đã cùng nhau chạy theo đường pitch vẫy tay cám ơn khán giả VN đã cổ động nhiệt tình tạo cảm hứng cho họ trong thi đấu.

Trong  khó  khăn  vậy,  việc  tổ chức  cho  gần  5.000  VĐV  từ  10 quốc gia khu vực không phải  là chuyện đơn giản. Chỉ trong vòng chưa đầy 2 tuần (12 – 23/5) với 40 môn  thi  đấu có 520 nội dung, và kết quả là chúng ta giành ngôi vị nhất toàn đoàn với 205 vàng, 121 bạc, 115 đồng, vượt gấp đôi đoàn về nhì là Thái Lan.

Nguyên nhân nào mà đoàn chủ nhà đã vượt xa mục tiêu ban đầu là  140  vàng  khi  các  nhà  quản  lý thể  thao  VN  đặt  ra?  Phải  chăng SEA Games 31 vẫn mang tính là “ao làng” hay “vùng trũng” do các nước  chủ  nhà  thường  tìm  cách đem thế mạnh của mình hạn chế các môn thế mạnh của nước khác để thâu tóm huy chương? Hoặc thậm chí dùng áp lực tổ chức – trọng tài để gây ức chế làm hạn chế thành tích của đối thủ?

Thực sự kỳ SEA Games 31 này không hề có chuyện đó xảy ra. Cần nhìn một cách khách quan là hậu Covid nhiều vận động viên (VĐV) vẫn còn chưa hồi phục hoàn toàn nên lực lượng tham gia thi đấu của không ít các nước bị hạn chế cả về lực lượng và thành tích. Điều quan trọng là kỳ này VN cũng không đưa những môn thế mạnh của mình để lấy huy chương (như khẳng định của Trưởng đoàn thể thao VN tại cuộc họp báo quốc tế) mà các huy chương đạt được phải từ khổ luyện trong luyện tập và thi đấu của các VĐV – HLV thì mới có kết quả to lớn như vậy. BTC – trọng tài đã thực sự công tâm điều hành tốt không để lại sự cố đáng tiếc nào suốt đại hội.

Kỳ lần thứ 31 này ta đã vượt qua kỷ lục vô tiền khoáng hậu của SEA Games 19 (năm 1997) của chủ nhà Indonesia 194 HCV là một cột mốc đáng tự hào của nền thể thao nước nhà trong bình diện khu vực. Với những kết quả số lượng trên chúng ta cũng khá tự tin với những thành tích ấn tượng ở những môn Olympic. Chỉ tính 2 môn bơi và điền kinh đã chiếm trên 30% HCV của toàn đoàn là một tín hiệu khá tích cực, rõ ràng. Chứng tỏ việc đầu tư chiều sâu – nâng cao – trọng điểm các môn Olympic đã bắt đầu có kết quả, phần nào khiến người hâm mộ nước nhà tiếp tục tin tưởng vào chiến lược đầu tư đào tạo thể thao thành tích cao ngày càng có kết quả tốt, để chúng ta vươn ra biển lớn sánh vai với các cường quốc năm châu chứ không chỉ ao làng Đông Nam Á. Có lẽ người hâm mộ luôn mong chờ thể thao Việt Nam đầu tư tốt hơn cho VĐV – HLV. Đó cũng là thách thức không nhỏ.

MINH ANH