Công nghệ xử lý nước thải của cao su Bình Long nhận giải sáng tạo kỹ thuật toàn quốc

CSVN – Đề tài nghiên cứu xử lý nước thải không sử dụng hóa chất và đáp ứng yêu cầu tái sử dụng nước cùng việc nuôi trùn quế, do 5 cá nhân thuộc Công ty TNHH MTV Cao su Bình Long thực hiện, đạt giải khuyến khích tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 17.

Nuôi trùn quế trong dự án nghiên cứu hệ thống xử lý nước thải không hóa chất. Ảnh: Thanh Sơn
Tái sử dụng nước thải sau xử lý

Ông Đoàn Quang Trọng – Giám đốc Xí nghiệp Chế biến 30/4 (một trong 5 thành viên thực hiện đề tài) cho biết, ứng phó thực trạng nước thải công nghiệp tại đơn vị và các doanh nghiệp chứa nhiều thành phần chất ô nhiễm khác nhau. Để xử lý các hóa chất này, các đơn vị đòi hỏi công nghệ vận hành hiện đại, cũng như chi phí lớn. Ngoài ra, việc tiếp xúc hóa chất thường xuyên ảnh hưởng đến sức khỏe NLĐ. Từ đó, nhóm thực hiện đề tài quyết định nghiên cứu một giải pháp vận hành hệ thống xử lý nước thải không sử dụng hóa chất.

Cụ thể, đề tài có tên “Nghiên cứu xử lý nước thải không sử dụng hóa chất và đáp ứng yêu cầu tái sử dụng nước cùng việc nuôi trùn quế”, thực hiện trong thời gian 9,5 tháng, với kinh phí hơn 6,6 tỷ đồng.

Nhóm đề tài có 5 thành viên, gồm ông Lê Văn Vui – Chủ tịch HĐQT Cao su Bình Long (chủ nhiệm đề tài), ông Bùi Đình Bảy – Phó TGĐ Cao su Bình Long (thư ký đề tài), ông Nguyễn Hữu Tú – Phó TGĐ phụ trách điều hành Cao su Bình Long (thư ký, tính toán), ông Đoàn Quang Trọng – Giám đốc Xí nghiệp Chế biến 30/4 (thực hiện thí nghiệm) và bà Nguyễn Thị Ngân (thực hiện thí nghiệm).

Theo ông Trọng, mục tiêu đề tài hướng đến là các đơn vị ngành cao su không sử dụng phương pháp hóa học trong quá trình xử lý nước thải, tức là không sử dụng chất polymer và PAC trong khâu tuyển nổi mủ cao su nhưng vẫn tách mủ ra khỏi nước thải trước khi đưa vào giai đoạn xử lý sinh học. Ngoài ra, giải pháp này giúp làm giảm hàm lượng chất hữu cơ có trong nước thải mà vẫn đảm bảo dinh dưỡng cho quá trình xử lý sinh học.

Song song đó, phương pháp này giúp giảm chi phí vận hành, cụ thể là chi phí hóa chất. Nước thải đầu ra của phương pháp không còn dư lượng hóa chất của khâu tuyển nổi, giúp công nhân không phải tiếp xúc với hóa chất và bị ảnh hưởng sức khỏe. Quan trọng hơn, quá trình này giúp tận dụng nguồn bùn thải sinh hoạt để sản xuất phân hữu cơ sinh học, đáp ứng nhu cầu quản lý rừng bền vững về tăng tỷ lệ sử dụng sản phẩm hữu cơ bón cho cây cao su và giảm suất đầu tư cho vườn cây.

Ông Đoàn Quang Trọng – Giám đốc Xí nghiệp Chế biến 30/4 nhận Bằng chứng nhận đạt giải khuyến khích tại Hội thi Sáng tạo toàn quốc lần 17
Tiết kiệm chi phí, hiệu quả cao

Quá trình thực nghiệm đề tài thực hiện tại Xí nghiệp Chế biến 30/4, Cao su Bình Long. Sau khi xây dựng ý tưởng, nhóm đề tài sau đó đánh giá hệ thống xử lý nước thải hiện hữu tại đơn vị rồi tiến hành cải tạo, nâng cấp thiết kế phù hợp với phương pháp xử lý mới.

Đánh giá cách vận hành hệ thống xử lý nước thải tại đơn vị, theo ông Trọng, sau nhiều lần nâng cấp, sửa chữa, công nghệ của hệ thống xử lý nước thải hiện hữu tại đơn vị đáp ứng cơ bản yêu cầu phương pháp mới, tính toán xử lý được tất cả các yếu tố ô nhiễm trong nước thải cao su như COD, BOD, N-T, N-NH3, TSS… Tuy vậy, vấn đề của hệ thống này là công đoạn ổn lưu gạn mủ có thời gian lưu nước thấp, chi phí sử dụng hóa chất trong khâu tuyển nổi cao.

Về thiết kế, hệ thống cũ chưa bổ sung khâu gạn mủ, vẫn sử dụng hóa chất trong quá trình tuyển nổi. Theo đó, với đánh giá sơ bộ, bể gạn mủ hiện nay chỉ gạn được khoảng 30-50% lượng mủ cao su trong nước thải, vì vậy sẽ làm chi phí hóa chất tăng, đồng thời cũng làm tải lượng cấp vào bể sinh học cao và thiếu ổn định. Các khâu khác như tuyển mủ, bể trộn, bể anoxic, bể sinh học hiếu khí, bể lắng bùn, hồ tự do, máy thổi khí, đường ống, đĩa tán khí, bộ phận điều khiển… được nhóm đề tài đánh giá vẫn hoạt động ổn định, đáp ứng nhu cầu của phương pháp mới.

Với bất cập trong thiết kế của công đoạn ổn lưu gạn mủ, nhóm đề tài tiến hành cải tạo, xây mới bể gạn, bể ổn lưu. Ngoài ra, nhóm làm mới đường ống dẫn nước thải mủ 3L từ xưởng sản xuất ra bể gạn mới, tách nguồn nước thải mủ nước và mủ tạp ra riêng. Kết quả là, sau ba giai đoạn gạn mủ và xử lý sinh học theo quy trình mới, COD (hàm lượng chất hữu cơ gây ô nhiễm trong nước thải) giảm từ 2.500 mg/l xuống 70 mg/l, nước thải đạt theo chuẩn QCVN 01-MT:2015/BTNMT.

Đại diện nhóm nghiên cứu đề tài cho biết, sau nghiệm thu kết quả, nhóm nhận thấy quy trình xử lý nước thải mới mang nhiều ưu điểm. Theo đó, phương pháp này dựa vào thiết kế hiện hữu, không thay đổi khuôn viên, mặt bằng của khu vực xử lý nước thải, từ đó tiết kiệm tối đa chi phí, đặc biệt là chi phí hóa chất. Ngoài ra, nước thải sau khi xử lý bằng phương pháp này có thể tái sử dụng, phục vụ cho vệ sinh, tưới cây xanh, từ đó giảm khai thác nước và giảm xả thải. Một ứng dụng mang lại hiệu quả kinh tế cao trong vận hành xử lý nước thải không hóa chất là sử dụng bùn thải từ dây chuyền chế biến mủ để nuôi trùn quế. Theo kết quả phân tích của Tổng cục môi trường, bùn sinh học trong dây chuyền chế biến mủ Cao su Bình Long không phải là chất thải nguy hại. Thành phần kim loại nặng hoặc các chất có khả năng gây hại trong bùn thải như asen, cadimi, thủy ngân, chì… ở mức rất thấp so ngưỡng nguy hại. Vì vậy, việc dùng bùn thải nuôi trùn quế là cách vừa tận dụng phụ phẩm trong quá trình xử lý mới, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Theo tính toán, lợi nhuận thu được từ sản xuất 500 tấn phân trùn quế mỗi năm hơn 800 triệu đồng.

Ông Trọng đánh giá, quy trình xử lý nước thải không sử dụng hóa chất có thời gian thu hồi vốn ngắn, khoảng ba năm, nhưng mang lại lợi nhuận lợi cho công ty, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Về mặt môi trường, hệ thống mới giúp loại bỏ thành phần hữu cơ và hàm lượng vi sinh vật gây bệnh, hạn chế sự thay đổi của môi trường đất và nước ngầm do ô nhiễm.

“Với kết quả thu được từ đề tài nghiên cứu, có thể thấy rằng dự án nâng cấp, cải tạo hệ thống xử lý nước thải không hóa chất mang nhiều ý nghĩa thiết thực. Việt Nam đang đứng trước những thách thức về môi trường… vì vậy, việc xây dựng các hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn xả thải càng phổ biến góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực từ hoạt động sản xuất đến môi trường” – ông Đoàn Quang Trọng – thành viên nhóm nghiên cứu đề tài nhận định.

HOÀNG KHẢI