CSVN – Thời gian qua, Công ty CPCS Điện Biên thực hiện nhiều giải pháp đảm bảo nguồn lao động ổn định, tổ chức sản xuất hiệu quả và bền vững. Bên cạnh đó, công ty còn tích cực giới thiệu mô hình ổn định lao động cho các công ty cao su miền núi phía Bắc.
Gần 92% lao động đồng bào dân tộc thiểu số
Sau 17 năm xây dựng và phát triển, Cao su Điện Biên đang quản lý hơn 3.724 ha cao su trên địa bàn 16 xã, 89 bản của 5 huyện và thành phố trong tỉnh Điện Biên. Công ty hiện có 854 lao động, trong đó có 782 lao động là đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm 91,56%). Ông Nguyễn Công Tám – TGĐ Cao su Điện Biên, cho biết: “Một trong những giải pháp để ổn định lao động là tuyển dụng người đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương. Công ty thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động người dân đang trong độ tuổi lao động đăng ký làm công nhân và tham gia nhận khoán chăm sóc, khai thác vườn cây. Trước hết, công ty ưu tiên tuyển dụng lao động của những hộ dân góp đất trồng cao su và anh em họ hàng, người thân của công nhân tại địa bàn đóng chân, sau đó nhân rộng ra các vùng lân cận, qua đó chủ động nguồn lao động tại chỗ cho các đơn vị. Đồng thời, tiếp tục quan tâm phát triển cán bộ, đảng viên là người dân tộc thiểu số làm cầu nối, trực tiếp đóng góp xây dựng địa bàn an toàn, ngày càng phát triển”.
Nhằm hỗ trợ cho NLĐ yên tâm lao động sản xuất, trong năm 2023, công ty đã hỗ trợ chi phí nhân công cho công nhân, hộ nhận khoán tại các khu vực có điều kiện đi lại khó khăn với số tiền trên 878 triệu đồng. Điều kiện làm việc và sinh hoạt của NLĐ được công ty quan tâm, trụ sở các đơn vị được xây dựng kiên cố, đầy đủ các công trình vệ sinh, điện nước, mạng internet, sân thể thao cùng máy móc, trang thiết bị phục vụ công việc; tập trung xây dựng các hạng mục công trình cần thiết như đổ đường bê tông rộng 1m trên các điểm đường dốc cao, làm nhà sắt và các lán tạm trên vườn cây cho công nhân, tạo các điều kiện thuận lợi nhất cho NLĐ yên tâm lao động sản xuất, gắn bó lâu dài với công ty.
Sản lượng mủ thu hoạch hàng tháng vượt từ 3 – 5%
Nhằm đảm bảo tay nghề phục vụ khai thác, hàng năm công ty đã phối hợp với Trường Cao đẳng Công nghiệp Cao su, Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam, Trường Cao đẳng nghề tỉnh Điện Biên và Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Điện Biên tổ chức đào tạo tay nghề cho NLĐ. 100% lao động của công ty được đào tạo tay nghề khai thác thu hoạch mủ, đảm bảo thực hiện theo QTKT của Tập đoàn. Năm 2023, công ty đã phối hợp với Trường Cao đẳng nghề tỉnh Điện Biên đào tạo kỹ thuật khai thác mủ cho gần 200 lao động trên địa bàn huyện Tuần Giáo và nhận vào làm công nhân khai thác. Để đảm bảo sản lượng mủ thu hoạch hàng tháng đều vượt từ 3 – 5%, công ty luôn chú trọng thực hiện ổn định sản xuất, tăng năng suất lao động, tăng định mức phần cạo, cây cạo (mỗi lao động được chia 3 phần cạo, mỗi phần cạo từ 500 – 700 cây) và thực hiện thanh toán, chi trả tiền lương, tiền công đúng thời gian quy định. Bên cạnh đó, lao động khai thác còn tham gia chăm sóc, bảo vệ vườn cây như thực hiện phát dọn thực bì, bón phân thúc… để tăng thu nhập. Năm 2023, tiền lương bình quân của NLĐ trên 5,9 triệu đồng/người/tháng.
Từ những giải pháp, chính sách đồng bộ nên những năm qua lực lượng lao động của Cao su Điện Biên luôn ổn định. Nhiều thôn bản có 100% hộ gia đình có người làm công nhân của công ty. NLĐ làm việc có tinh thần trách nhiệm, năng suất lao động tăng, đời sống ổn định và cải thiện.
PHƯƠNG NGHI
Related posts:
- Vỡ mộng "vàng đen"
- Tổng Công ty Cao su Đồng Nai: Chuyển đổi số toàn diện tạo nền tảng cho sự đột phá và tăng trưởng
- Chư Sê - Kampong Thom: Mùa chim yến làm tổ
- Cao su Quảng Trị tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 40 năm thành lập
- Cao su Quảng Trị ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão Yagi 100 triệu đồng
- Phát huy truyền thống từ "chiếc nôi Phú Riềng đỏ"
- Thận trọng với cây chanh dây
- Chuyện "mùa nước rút"
- Cao su Chư Păh: Giữ vững danh hiệu "Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động"
- Cao su Chư Mom Ray: Phát triển kinh tế gắn với đảm bảo quốc phòng an ninh nơi biên giới