CSVN – Khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển mạnh mẽ, việc áp dụng công nghệ số vào hoạt động SXKD trở thành yếu tố quyết định thành công của các doanh nghiệp. Bắt kịp xu hướng đó, TCT Cao su Đồng Nai đã và đang tích cực thực hiện chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực. Qua đó đã tạo nền móng vững chắc cho sự tăng trưởng vượt bậc của TCT.
Vượt qua khó khăn bước đầu
TCT Cao su Đồng Nai là một đơn vị lớn của VRG với diện tích gần 32.000 ha. Hiện trạng quản lý vườn cây cao su tại TCT đang đối mặt với nhiều thách thức, đòi hỏi sự cải tiến và tối ưu hóa. TCT đã đặt ra mục tiêu chuyển đổi số để nâng cao hiệu suất, khả năng quản lý, giảm thiểu rủi ro và tăng cường khả năng cạnh tranh. TCT xác định chuyển đổi số không chỉ đơn thuần là việc số hóa dữ liệu mà còn liên quan đến việc sử dụng công nghệ số để tạo ra giá trị mới, cải tiến quy trình SXKD, tăng cường năng suất và tối ưu hóa quy trình.
Tuy nhiên, TCT đã phải vượt qua những khó khăn đáng kể trong giai đoạn đầu. Ông Hoàng Bảo Luân – Chuyên viên kỹ thuật TCT chia sẻ: “Bước đầu triển khai chúng tôi gặp khó khăn trong việc thu thập dữ liệu đầy đủ và chính xác từ vườn cây cao su, thanh lọc thông tin theo chuẩn đầu vào hệ thống. Không đủ nhân lực có trình độ nhất định đáp ứng công việc biên tập cơ sở dữ liệu (CSDL). Rủi ro về việc bảo mật và bảo vệ dữ liệu trong quá trình triển khai hệ thống… Đối mặt với những trở ngại đó, chúng tôi đã thực hiện đào tạo một đội ngũ tiên phong công nghệ kỹ lưỡng về GIS- Cloudbase, đào tạo có kiểm tra có sát hạch trình độ. Xây dựng và ban hành chuẩn CSDL, có cơ chế kiểm soát đầu vào và đầu ra của hệ thống. Lựa chọn data center có tiêu chuẩn bảo mật cao, phân quyền quản trị user theo các cấp kèm theo là các trách nhiệm bảo mật, hệ thống có thể truy vết sự thay đổi theo thời gian… Đồng thời sự quan tâm, hỗ trợ của lãnh đạo TCT là động lực chính giúp công tác chuyển đổi số được thuận lợi hơn”.
Tạo nên hiệu quả đột phá
TCT Cao su Đồng Nai đang là một trong đơn vị đi đầu trong công tác chuyển đổi số của VRG. Hiện TCT đang có các mô hình chuyển đổi số như quản lý lịch nông vụ trên vườn cây TCTM, KTCB bằng excel-cloud; thử nghiệm hệ thống tưới tự động vườn ươm; nghiên cứu robot cạo mủ tích hợp AI và IoL; số hóa bản đồ ranh giới vườn cây…
TCT đã nghiên cứu và ứng dụng Bản đồ vườn cây Donaruco, đây là ứng dụng tiêu biểu được đánh giá cao tại TCT. Ứng dụng được thiết kế với nhiều tính năng tối ưu nhằm cung cấp hỗ trợ tốt nhất cho người dùng. Cho phép xem và tương tác với bản đồ thông qua giao diện web, có thể di chuyển, phóng to/thu nhỏ, quay, và thực hiện các thao tác tương tác khác trên bản đồ. Tìm kiếm địa điểm hoặc đối tượng cụ thể trên bản đồ một cách nhanh chóng. Webmap hiển thị dữ liệu từ các nguồn khác nhau trên bản đồ; bao gồm các lớp dữ liệu địa lý, thông tin địa điểm, đường đi, biểu đồ, hình ảnh và các thành phần khác. Người dùng cũng có thể tùy chỉnh hiển thị dữ liệu để nắm bắt thông tin cần thiết trên bản đồ. Đồng thời webmap cung cấp các công cụ phân tích và thống kê dữ liệu trực tiếp trên bản đồ, như: đo đạc, phân tích vùng, xem biểu đồ thống kê hoặc truy xuất thông tin khác để đánh giá dữ liệu địa lý. Ngoài ra, webmap còn có thể tương
tác với bản đồ thông qua các phản hồi, bình luận hoặc chức năng gửi phản hồi về các đối tượng trên bản đồ. TCT cũng đã ứng dụng thành công phần mềm theo dõi lịch nông vụ, giúp các NT theo dõi các công việc cần thực hiện hàng tuần, hàng tháng, có hệ thống nhắc việc qua email đảm bảo không bị thiếu sót các công việc cần làm, tự động in các biểu nghiệm thu sau khi hoàn thành công việc. Ứng dụng phần mềm Quản lý sản lượng tại 10 NT giúp phân tích, đánh giá năng suất, sản lượng từ công nhân đến NT, TCT. Cảnh báo những vị trí có vấn đề để kịp thời can thiệp, hỗ trợ, đảm bảo thực hiện tốt kế hoạch sản lượng. Chia sẻ về hiệu quả đạt được, ông Vũ Xuân Phát – Chuyên viên Phòng Quản lý kỹ thuật TCT cho biết: “Các phần mềm chuyển đổi số TCT đã mang lại nhiều lợi ích trong quá trình sản xuất và vận hành. Giúp tăng cường hiệu suất và tiết kiệm thời gian cũng như giảm chi phí. Thông qua việc tự động hóa và tích hợp dữ liệu từ các thiết bị và hệ thống khác nhau, các phần mềm này cung cấp thông tin thời gian thực về tình trạng sản xuất và vận hành.
Qua đó, giúp TCT nắm bắt được thông tin quan trọng và đưa ra các quyết định kịp thời dựa trên dữ liệu chính xác và tin cậy”.
Phát huy những hiệu quả đã đạt được, thời gian tới, TCT sẽ tiếp tục triển khai và mở rộng áp dụng công nghệ GIS-Cloudbase trên toàn bộ quy trình quản lý vườn cây. Nâng cấp các ứng dụng để tối ưu hóa hiệu suất, tăng cường bảo mật và kiểm soát truy cập đảm bảo an toàn cho dữ liệu quan trọng. Tiếp tục mở rộng dữ liệu và tích hợp các nguồn dữ liệu mới. Phát triển các tính năng mới và module ứng dụng để đạt được nhiều lợi ích hơn nữa trong cải thiện hiệu suất sản xuất, tăng cường khả năng quản lý và nâng cao sự linh hoạt trong hoạt động kinh doanh.
HẰNG NY
Related posts:
- Những sự kiện - hoạt động nổi bật của VRG năm 2023
- Hơn 150 vận động viên tham gia Hội thao CNVC - LĐ khu vực 3
- VRG tổ chức 21 sự kiện kỷ niệm 94 năm truyền thống ngành cao su
- Bản tin Chuyên đề số 7
- VRG phát triển nông nghiệp xanh, bền vững
- Cao su Kon Tum trao nhà tình thương cho công nhân
- Nệm Đồng Phú ưu đãi nhân dịp Đại hội Công đoàn Cao su Việt Nam
- Thu nhập bình quân người lao động VRG Bảo Lộc đạt 28 triệu đồng/người/tháng
- Đưa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ sang giai đoạn mới, vì hòa bình và phát triển
- Hào hùng truyền thống 45 năm Cao su Phú Riềng