Vỡ mộng “vàng đen”

 CSVN – Cây tiêu được nhiều người ví như “vàng đen” khi giá cao ngất ngưởng, có lúc lên đến 230.000 đồng/kg. Cơn sốt trồng tiêu ở Tây Nguyên “nóng” đến mức người người, nhà nhà trồng tiêu. Ngoài việc phá vỡ quy hoạch cây trồng ở nhiều tỉnh, người nông dân trồng tiêu còn bất chấp khuyến cáo của ngành chức năng, trồng cả những nơi không phù hợp thổ nhưỡng, trồng bằng giống trôi nổi khiến nhiều hộ thất bát.  Giấc mộng “vàng đen” phút chốc vỡ tan.
Bên căn nhà tiền tỷ, người dân Tây Nguyên lâm vào cảnh nợ nần vì tiêu chết.
Bên căn nhà tiền tỷ, người dân Tây Nguyên lâm vào cảnh nợ nần vì tiêu chết.

Kỳ 1: “Tiêu” vì trồng tiêu

…Thời vang bóng nay còn đâu…(!)

Cây tiêu ở Tây Nguyên khiến nhiều nhà nông làm giàu, nên cơ nghiệp từ hai bàn tay trắng. Một trong những hộ tỷ phú thành công, phải kể đến anh Đặng Hữu Phú,  xã Ia Hrú (Chư Pưh, Gia Lai). Không chỉ bởi diện tích tiêu của anh Phú khá lớn với 5 ha, mà bởi anh trồng theo mô hình bền vững. Năm 2010, anh khởi nghiệp với 5 sào khoảng 1.000 trụ. Lúc này, tiêu bắt đầu được giá, thu được bao nhiêu, anh đổ vào mua thêm đất trồng. Chưa hết, anh Phú còn vay ngân hàng hơn 2 tỷ đồng để mua đất trồng tiếp. Đến giờ, anh Phú là chủ nhân của 5 ha tiêu, với 8.000 trụ.

Thời giá tiêu ở mức cao, sau những mùa bội thu, nhiều ngôi nhà tiền tỷ đua nhau mọc lên. Những vật dụng tiện nghi như tivi, tủ lạnh, ôtô, xe máy đắt tiền cũng được nông dân rước về nhà. Nhiều năm nay, cùng với Chư Sê, huyện Chư Pưh (Gia Lai) được mệnh danh là “thủ phủ hồ tiêu” của Việt Nam.

Niềm vui chẳng được tày gang, vườn tiêu tự dưng chết hàng loạt, của cải nhiều gia đình bỗng chốc đội nón ra đi. Bệnh tiêu chết nhanh, chết chậm đã khiến nông dân Tây Nguyên lâm vào cảnh khốn cùng. Theo số liệu của Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông, toàn tỉnh hiện có 441 ha tiêu bị nhiễm bệnh chết nhanh, chết chậm. Trong đó, diện tích bị nặng là 66 ha, trung bình 110 ha và nhẹ 264 ha.

Tại tỉnh Đắk Lắk, tính đến cuối năm 2016, con số diện tích tiêu bị nhiễm bệnh đã hơn 1.800 ha. Còn ở Gia Lai, tình hình tiêu chết “nóng” đến mức trong tháng 3/2017, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Kpa Thuyên phải trực tiếp xuống huyện Chư Pưh để kiểm tra tình hình.

Vào trung tâm xã Ia Blứ, Chư Pưh, Gia Lai bây giờ, cảnh vườn tiêu hai bên đường chết khô, xơ xác khiến chúng tôi không khỏi xót xa. Nhiều ngôi nhà khang trang trong xã đã cửa đóng, then cài trong khi gia chủ đi mưu sinh nơi khác vì ngập trong nợ nần. Những người ở lại, lúc nào cũng canh cánh với những khoản vay ngân hàng sắp đáo hạn. Bà Nguyễn Thị Vân (thôn Thiên An, xã Ia Blứ) nhờ vào 4.000 trụ tiêu mà xây được ngôi nhà trị giá hơn 1,7 tỷ đồng.

Thế nhưng, nhà vừa xây xong cũng là lúc vườn tiêu đồng loạt trụi lá, chết trắng cả vườn. “Dự tính mùa vụ năm nay tôi trả hết số tiền nợ hơn 500 triệu đồng, vừa có được căn nhà to… nào ngờ”, bà Vân nghẹn lời. Giờ để có tiền trả lãi ngân hàng, bà Vân buộc phải nhắm mắt nhổ dần trụ tiêu để bán.

Cùng người thân trong gia đình thu hái vườn tiêu 3.000 trụ, chị Đào Ánh Hồng, trú tại thôn Mỹ Thạnh 1, thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê không mấy vui vì đã bỏ ra hơn 100 triệu đồng để đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm, làm giàn che nắng, trồng cây chắn gió từ mùa khô năm trước, nhưng năm nay vườn tiêu chỉ cho thu hoạch trên dưới 1,5 kg hạt khô/trụ. Cộng thêm mức giá hồ tiêu đầu vụ khoảng 108 nghìn đồng/kg, tức là thấp hơn khoảng 40 nghìn đồng so với cùng thời điểm năm ngoái, thì tổng thu nhập từ vườn tiêu của chị bị sụt giảm hơn 60%.

“Năm ngoái thu 8 tấn tiêu/ha, năm nay, mỗi trụ chỉ còn 1,5 kg. Mất 2/3 sản lượng. Tiêu đang tốt rườm rượp, nhưng chỉ một năm sau là nó xuống cấp kinh khủng. Mà năm nay nó rụng đốt hết, xuống cấp ào ào luôn. Cho nên là không nói trước được. Trồng tiêu bây giờ nguy hiểm lắm”, chị Hồng cho biết.

Tương tự, ông Nguyễn Bá Thuận, người trồng tiêu  lâu năm ở tổ dân phố 2, thị trấn Chư Sê nói: “Với mức giá như hiện nay, người trồng tiêu không có lợi nhuận. Trồng thì có phong trào, nhưng với điều kiện trên đất trồng mới. Đất tái canh thì hầu như không phát triển được, thu 1 năm, 2 năm là chết. Trồng như vậy không mang lại lợi nhuận, chỉ đủ tái đầu tư sản xuất trong năm, không có tái đầu tư tích lũy như trước nữa”.

Người có hồ tiêu chết nhiều nhất phải kể đến hộ anh Nguyễn Năng Châu ở xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê. Những năm trước, gia đình anh Châu mỗi năm thu tiền tỷ từ thu hoạch hồ tiêu. Mới năm ngoái, anh Châu còn thu được  10 tấn, nhưng năm nay chỉ được 5 tấn. Khi hỏi đến thiệt hại, anh nhẩm tính đã mất tiền tỷ.

Cần phát triển cây tiêu có kiểm soát

Ông Hoàng Phước Bính – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê – Gia Lai lý giải, việc người dân thất bại là do trồng tiêu gia tăng diện tích chưa gắn với yếu tố sản xuất bền vững theo hướng 4 đúng là: “Đúng chủng loại thuốc; phun thuốc đúng liều lượng và nồng độ; đúng lúc; đúng cách”.

Vườn tiêu ngày nào giờ là những cây gỗ mục.
Vườn tiêu ngày nào giờ là những cây gỗ mục.

“Điều này phụ thuộc vào ông chủ vườn. Nhưng nông dân mình hỏi đã dùng thuốc gì có nhớ đâu. Rồi đa số nông dân đi đến các đại lý báo bệnh và mua thuốc để trị theo kiểu muốn bán kiểu gì thì bán, bán vô tội vạ. Một bệnh nhưng phòng thêm bệnh này bệnh nọ, trừ thêm sâu này, sâu kia nữa”, ông Bính nói.

Trao đổi về những hạn chế của cây tiêu Việt Nam, Tiến sĩ Đặng Bá Đàn – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây tiêu cho rằng: “Việc sản xuất theo hướng thâm canh quá mức, lạm dụng bảo vệ thực vật như hiện nay đang làm giảm uy  tín hạt tiêu Việt  Nam tại các thị trường lớn,  cao  cấp như Mỹ, EU, Nhật Bản.

Nhất là khi năm ngoái, Hiệp hội Gia vị Châu Âu  cho  biết qua phân tích 799 mẫu tiêu Việt Nam thì chỉ có 17% mẫu có mức dư lượng 0,05 ppm, mức dư lượng tối đa cho phép. Do đó lúc này, sản xuất theo hướng hữu cơ, sinh học, trong đó đặc biệt lưu ý tổ chức sản xuất theo hướng liên kết chính là yếu tố sống còn của một ngành hồ tiêu bền vững”.

“Trong quy trình canh tác cây tiêu cần đảm bảo theo hướng bền vững, tức là người nông dân canh tác theo hướng dẫn trong quy trình. Vấn đề canh tác phải quản lý đất đai, quản lý nguồn nước, quản lý sâu bệnh theo biện pháp tổng hợp một cách hiệu quả. Không được sử dụng thuốc BVTV cấm, ảnh hưởng đến dư lượng. Đặc biệt, nếu được thì trong sản xuất nên theo hướng liên kết, tổ hợp tác xã, các tổ nhóm sản xuất để tạo chuỗi có kiểm soát chất lượng từ ngoài đồng ruộng đến khâu sản xuất và xuất khẩu” ông Đàn cho biết thêm.

Văn Vĩnh – Quốc Dinh

Kỳ tới: Khuyến cáo từ các cơ quan chức năng